Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ và đeo khẩu trang ở nơi đông người vẫn là điều chúng ta nên làm. Thế nhưng, đeo khẩu trang thường xuyên không phải là điều dễ dàng. TTGD sẽ gợi ý cho bạn 4 mẹo để có thể đeo khẩu trang bảo vệ sức khoẻ nhưng không cảm thấy quá khó chịu.
Hạn chế thời gian bạn đeo khẩu trang
Nếu bạn có thể giữ khoảng cách đủ xa với người khác ở ngoài trời (hơn 2 mét), bạn có thể tháo khẩu trang để dễ thở hơn. Ngoài ra, nếu có thể lựa chọn giữa việc ở nhà, trong phòng thoáng mát và ra ngoài, thì tại sao bạn lại không chọn ở nhà để vừa không phải đeo khẩu trang, vừa tránh được nguy cơ nhiễm virus?
Bên cạnh đó, tháo khẩu trang cũng cần phải đúng cách. Bạn cần tránh chạm vào mặt ngoài của khẩu trang vì nó có thể mang mầm bệnh. Sau khi tháo khẩu trang, bạn cũng cần phải rửa tay sạch sẽ.
Chọn chất liệu thông thoáng, dễ thở
Có rất nhiều loại khẩu trang trên thị trường, từ khẩu trang y tế 3 – 5 lớp, khẩu trang N95, khẩu trang vải… Trong đó, phổ biến nhất và thông thoáng, dễ chịu nhất vẫn là khẩu trang y tế được làm bằng vải không dệt, gồm có 3 – 5 lớp. Mỗi lớp sẽ có công dụng khác nhau:
- Lớp phía ngoài (màu xanh hoặc màu xám): có đặc tính chống thấm nước, tránh được các giọt chất lỏng bắn ra từ việc hắt hơi hoặc ho.
- Lớp ở giữa (1, 2 hoặc 3 lớp, có màu trắng): cũng có tác dụng ngăn chặn các giọt dịch bắn. Ngoài ra, nó có thể lọc thêm bụi mịn, vi khuẩn. Lớp này cần đạt chất lượng và phải có kết cấu tốt. Nhờ đó mà nó mới có thể lọc được các hạt bụi. Đồng thời, nó phải tạo được sự thoáng khí cho người dùng.
- Lớp trong cùng (màu trắng, bề mặt tiếp xúc với da): phải có tính thấm nước. Bởi nó phải hút mồ hôi, độ ẩm từ hơi thở của người dùng. Lớp này phải đảm bảo không có xơ sợi sùi lông, tránh gây khó chịu cho người đeo.
Bạn nên tìm hiểu kĩ, kiểm tra nguồn gốc, chất liệu của khẩu trang khi mua. Bởi hàng kém chất lượng, chất liệu không tốt còn có thể gây kích ứng da và khiến da nổi mụn.
Trang bị sẵn nhiều khẩu trang để thay thế
Với khẩu trang y tế, bạn chỉ nên sử dụng 1 lần rồi vứt. Khi đeo loại khẩu trang này, bạn phải để mặt xanh (hoặc màu xám) ra phía ngoài. Vì lớp này có tính chống nước. Còn mặt trắng quay vào trong vì có tính hút ẩm. Một vài loại khẩu trang y tế có cả phần kẽm trên mũi. Do đó, bạn cần nhấn phần kẽm ôm sát vào sống mũi và kéo phần dưới khẩu trang sao cho bịt kín cả mũi lần miệng.
Còn nếu muốn thân thiện với môi trường hơn, bạn hãy dùng khẩu trang vải. Sau mỗi lần dùng, bạn giặt sạch sẽ, phơi khô để diệt khuẩn rồi dùng tiếp. Bạn nên trang bị từ 6 – 7 khẩu trang vải để có thể thường xuyên thay đổi. Nhờ vậy mà bạn không lo thiếu khẩu trang để đeo khi những cái khác đang được làm sạch.
Mẹo đeo khẩu trang để không cảm thấy khó chịu trên sống mũi
Một trong những mẹo đeo khẩu trang để không cảm thấy khó chịu trên sống mũi chính là gập khẩu trang lại. Bạn chỉ cần gập phần cứng phía trên của chiếc khẩu trang y tế vào rồi đeo như bình thường. Với cách làm này, bạn sẽ tốn không quá 3 giây. Cảm giác khó chịu trên sống mũi do khẩu trang chạm vào cũng không còn.
Một cách khác là dán băng dính y tế lên phần sống mũi. Cách này hơi mất thời gian thêm một chút. Đây là cách được các bác sỹ sử dụng nhiều vì họ phải đeo khẩu trang liên tục. Bạn dùng băng dính y tế, chiều dài từ 10 – 15cm dính mép trên của khẩu trang sao cho càng gần sống mũi càng tốt. Sau đó, bạn dùng tay miết chặt mép khẩu trang để dính vào miếng băng, đảm bảo chúng phải sát vào mặt. Việc này giúp khẩu trang được cố định. Không chỉ vậy, mẹo đeo khẩu trang này sẽ rất hiệu quả đối với những người phải đeo kính.
Tiếp Thị Gia Đình