Loạn lạc thời Covid-19: hành vi xấu xí của những người ích kỷ

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mang tính chất quyết định đến khả năng thành – bại của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn dân. Tiếc thay, trong xã hội vẫn xuất hiện nhiều hình ảnh không đẹp, làm rối ren thêm tình hình vốn đã phức tạp và nguy cấp

Loạn lạc thời Covid

Loạn lạc thời Covid. Ảnh: Shutterstock

Cách đây ít lâu, “ca bệnh số 17” được phát hiện tại Việt Nam. Sau thời điểm đó, mối đe dọa về sự bùng phát dịch bệnh; khiến Chính phủ nhanh tay tìm cách ngăn chặn. Hàng loạt khu cách ly được dựng lên, đón hàng nghìn người Việt từ nước ngoài về tránh dịch. Trong khi mọi người, đặc biệt là các dân quân tự vệ, chiến sĩ bộ đội căng mình làm công tác chống dịch; thì lại có những con người vô tâm đến mức ích kỷ. Họ tập trung đông đúc trước cổng khu cách ly, chờ… gửi đồ tiếp tế vào cho con em mình. Khung cảnh lúc ấy chưa từng thấy, loạn lạc thời Covid.

Ai cũng giành gửi trước, sợ không tới lượt mình. Họ không hề quan tâm đằng xa, các anh dân quân đang phải oằn lưng khuân từng thùng đồ nặng trĩu; dưới cái nắng chói chang mùa hè. Chỉ sau vài giờ đăng tải trên mạng xã hội, hình ảnh ấy đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Một thắc mắc chung được đặt ra: Đang trong cuộc chiến chống dịch; cớ sao lại có những con người chỉ chăm chăm nghĩ tới lợi ích cá nhân mình? Thậm chí, sự hỗn loạn đó có thể tạo ra sự lây nhiễm chéo nguy hiểm trong cộng đồng

Chen lấn vì chiếc khẩu trang

Đám đông tập trung trước khu cách ly chẳng phải là bức tranh xấu xí duy nhất trong đại dịch này. Còn nhớ giai đoạn đầu của Covid-19, người đi đường chẳng còn xa lạ gì với hình ảnh người người rồng rắn trước các hiệu thuốc. Mục đích mua cho bằng được một hộp khẩu trang y tế. Họ xếp hàng từ 2, 3 giờ sáng để lấy số, khiến những ai tới chậm không có phần. Thế là tranh cãi, xô xát xảy ra. Dù báo chí nhiều lần cảnh báo, rằng tụ tập đông người là môi trường lý tưởng cho virus Corona lây lan. Nhưng họ vẫn bất chấp.

Những gương mặt hân hoan sau khi mua được khẩu trang khiến nhiều người không khỏi ngao ngán. Bởi lẽ, không biết rồi đây sẽ có bao nhiêu ca nhiễm mới mà nguyên nhân là từ những đám đông chen chúc không màng đến hậu quả ấy.

Đua nhau tích trữ hàng hóa

Mới nhất, vào đầu tháng Tư, Chính phủ ban hành lệnh cách ly toàn xã hội. Lệnh vừa ban, các siêu thị tiếp đón hàng nghìn người dân chen nhau đến gom hàng để… tích trữ. Hàng thùng mì gói, bánh mì, đồ hộp, thậm chí cả… giấy vệ sinh được chất đầy xe đẩy. Tất cả tạo nên khung cảnh nháo nhào. Các anh bảo vệ siêu thị đành bất lực đứng nhìn.

Ngay sau đó, Chính phủ đã trấn an người dân rằng cách ly toàn xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa. Đại dịch càng không phải ngày tận thế. Và trên hết, tất cả các tỉnh thành đều cam kết đảm bảo có đủ hàng hóa; nhu yếu phẩm phục vụ người dân từ nay đến hết năm.

Thế nhưng, mọi thông tin đưa ra đều như nước đổ đầu vịt. Ai thích tích cứ tích, ai đến sau đành chấp nhận chẳng còn gì. Trong mối hân hoan vì đạt được mục đích tích đồ, liệu các bà nội trợ có nghĩ tới viễn cảnh chiều muộn, dân công sở ghé vào siêu thị mua mớ rau, con cá về nấu cơm chiều. Họ đành ngậm ngùi quay bước vì kệ hàng đã trống rỗng từ trước đó rất lâu?

Vô tư tụ tập bất chấp

Vào thời điểm số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng cả chục ca mỗi ngày; thiên hạ được phen… hết hồn khi trông thấy hình ảnh hàng ngàn người dân và du khách tụ tập trên bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng… Dù loa phát thanh dọc bãi biển liên tục khuyến cáo không nên tập trung đông người; mọi người vẫn bỏ ngoài tai, tiếp tục vui chơi bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chưa hết, ngay giữa trung tâm thủ đô vào thời điểm cách ly toàn xã hội; nhiều người dân vô tư tìm cách vượt rào vào bên trong các công viên ở Hà Nội để tập thể dục, câu cá… Những hàng rào chắn dường như chỉ để làm kiểng. Vì chúng chẳng có tác dụng mấy trong việc dập tắt hành vi vô ý thức của những con người coi thường lệnh cấm.

Còn tại các thành phố lớn khác như TP. HCM, Vinh… vẫn có không ít bợm nhậu coi thường lệnh cấm, ngang nhiên tụ tập ăn nhậu “chui”. Thậm chí, còn có cả nhóm người tụ tập hát karaoke và sử dụng ma túy. Công an đã xử phạt được nhiều trường hợp vi phạm. Nhưng có chắc dẹp xong “tụ” này, “tụ” khác không mọc lên? Một khi ý thức vẫn còn là một thứ xa xỉ với những con người quen sống theo ý mình. Những hành vi xấu xí ấy sẽ không bao giờ chấm dứt.

Thay lời kết cho những loạn lạc thời Covid

Chẳng ai dám nói trước dịch Covid-19 bao giờ sẽ kết thúc. Thật mừng là bên cạnh những loạn lạc thời Covid của “con sâu làm rầu nồi canh”; vẫn có những tấm lòng vàng cùng cả nước chung tay chống dịch.

Số tiền đóng góp cho quỹ ủng hộ phòng, chống Covid-19 tăng lên từng phút. Trên mạng xã hội, mọi người lan tỏa thông tin về các địa điểm phát thực phẩm miễn phí để hỗ trợ người nghèo… Những hình ảnh đẹp đó đã phần nào làm ấm lòng, trấn an về viễn cảnh tươi sáng phía cuối đường hầm.

Nếu bạn chưa thể bỏ công sức, của cải giúp đỡ người khác; hãy sống đúng cái “tâm” của một công dân hiểu biết. Đừng để dịch bệnh biến mình thành một con người vô cảm đến mức xấu xí. Nghĩ đến người xung quanh và bình tĩnh đối diện với đại dịch. Đó là vũ khí giúp chúng ta vượt qua tất cả.

Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua