Mới đây, Apple đã công bố hoạch định trong 10 năm tới để đảm bảo rằng mỗi thiết bị mà hãng này sản xuất không tác động xấu đến khí hậu. Trong đó có kết hoạch loại bỏ khí thải carbon.
Apple cam kết loại bỏ khí thải carbon trong 10 năm tới
Hôm 21/7, Apple đã công bố chiến lược hoạt động kinh doanh “xanh” trong 10 năm tới. Bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon trong vòng đời sản phẩm cũng như dây chuyền sản xuất.
Báo cáo môi trường gần đây nhất của Apple cho thấy lượng khí thải carbon của tập đoàn này tính đến tháng 9/2018 là 25,2 triệu tấn. Hiện tại, các văn phòng điều hành và trung tâm dữ liệu của Apple trên toàn cầu đã đạt ngưỡng trung hòa carbon. Nhưng Apple đặt mục tiêu cao hơn là toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm tất cả các sản phẩm đều không tạo ra khí thải carbon trước năm 2030.
Apple muốn đạt được 75% mục tiêu trên thông qua việc cắt giảm khí thải. 25% còn lại đến từ các dự án loại bỏ carbon như trồng cây và phục hồi môi trường sống.
Sử dụng nguyên liệu tái chế cho các sản phẩm
“Táo khuyết” còn hợp tác với các nhà cung cấp để sử dụng nguyên liệu tái chế. Chính vì vậy, tất cả iPhone, iPad, Mac và Apple Watch được sản xuất vào năm 2019 đều được làm từ vật liệu tái chế. Trong đó, 100% các nguyên tố đất hiếm đều đã qua tái chế.
Tuy vậy, việc khai thác các nguyên tố đất hiếm thường tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Và chúng thường được sử dụng với lượng rất nhỏ. Để giải quyết vấn đề này, Apple đã tạo ra robot Daisy chuyên tháo rời iPhone; và robot Dave chuyên tháo rời mô đun Taptic. Hai robot này sẽ giúp việc thu nhặt và tái chế nguyên tố đất hiếm dễ dàng hơn.
Apple cũng sẽ cải thiện các quy trình để loại bỏ khí thải carbon. Tập đoàn đã phát triển quy trình luyện trực tiếp nhôm không chứa cacbon. Thành quả là Macbook Pro 16 inch 2019 là lô máy tính được sản xuất với nhôm không cacbon đầu tiên trên thế giới.
Đầu tư vào trồng rừng
Ngoài những kế hoạch trên, Apple còn đầu tư vào trồng rừng. Tập đoàn này sẽ tạo ra quỹ giải pháp khí thải cho việc phục hồi và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, phía Apple không tiết lộ con số cụ thể cho quỹ này.
Họ cũng sẽ đầu tư mạnh tay vào các dự án hợp tác mới với các nhóm môi trường. Chẳng hạn như khôi phục những thảo nguyên xuống cấp ở Kenya và hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Colombia. Tính đến hiện tại, Apple đã cùng Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) bảo vệ, cải tạo và quản lý được hơn 1 triệu mẫu rừng ở Trung Quốc, Mỹ, Colombia và Kenya.
Cam kết loại bỏ khí thải carbon của Apple chung hướng với mục tiêu do Microsoft và Amazon đặt ra. Microsoft đã trung hòa carbon vào năm 2012. Sau đó, công ty này tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều khí nhà kính hơn vào năm 2030. Còn Amazon đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040. Tháng 6 vừa qua, Amazon cũng công bố một quỹ mới trị giá 2 tỉ USD để tăng tốc độ phát triển các công nghệ. Từ đó giúp các công ty khác cắt giảm khí thải carbon.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: Dezeen