TPHCM liệu có chìm trong nước biển vào năm 2050?

Theo kết quả của nghiên cứu mới do Climate Central, viện nghiên cứu thời tiết có trụ sở tại New Jersey (Mỹ) thực hiện, đến năm 2050, dự báo phần lớn miền Nam Việt Nam sẽ ngập dưới nước ở đỉnh triều

Một vấn đề được các nhà nghiên cứu tài nguyên môi trường đưa ra; và cảnh báo gần đây đang rất được dư luận quan tâm. Đó là TPHCM chìm trong nước biển. Tốc độ đang chìm nhanh ở mức đáng báo động. Gilles Erkens, một chuyên gia từ viện Deltares của Hà Lan đã cảnh báo rằng. Thành phố này đứng thứ ba trong số năm thành phố trên toàn thế giới có nguy cơ bị chìm. Đứng thứ nhất và nhì là Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines). Gilles Erkens cho biết, nếu không có biện pháp nhanh chóng và quyết đoán nào được thực hiện; đô thị miền Nam Việt Nam có thể sẽ chìm trong nước vào năm 2050.

Báo cáo mới đây của Climate Central, viện nghiên cứu thời tiết có trụ sở tại New Jersey (Mỹ) cũng đã khiến nhiều người sốc. Dựa trên chỉ số vệ tinh để tính toán độ cao của đất liền và ảnh hưởng của nước biển dâng trong phạm vi lớn; kết quả cho thấy đến năm 2050, khu vực sinh sống của khoảng 150 triệu người có thể sẽ bị nước biển nhấn chìm. Trong đó, toàn bộ miền Nam Việt Nam cũng là một trong các khu vực có thể biến mất.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng TPHCM chìm trong nước biển?

Theo dữ liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM (DONRE) công bố vào đầu năm 2019. Trong hơn 25 năm qua, thành phố đã chìm sâu khoảng 0,4m. Trong đó, có tới 7.200 ha đất đô thị đang bị chìm.

Trong năm 2015, khoảng 20 khu vực trong thành phố đã lún trung bình 15mm. Cá biệt có một số khu vực lún tới khoảng 28mm. Các khu vực lún nhanh này bao gồm một phần của quận 8 và 12; cũng như các quận Bình Thạnh, Bình Chánh, Nhà Bè và Hóc Môn. Ngoài ra, thêm 40 khu vực khác cũng đang chìm xuống. Mặc dù chỉ ở mức dưới 15mm mỗi năm.

Những lý do chính dẫn tới tình trạng suy thoái mặt đất ở Tp. HCM bao gồm khai thác quá mức nước ngầm; đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao.

Năm 2013, DONRE đã thống kê được có hơn 200.000 giếng tại Tp. HCM. Khai thác hơn 1 tỷ lít nước ngầm mỗi ngày. Trước đây vào năm 1999, chỉ có 96.000 giếng trong địa bàn thành phố. Việc khai thác nước ngầm đang cao ở mức đáng báo động, dẫn tới tình trạng sụt lún mặt đất.

Trong khi đó, khu Nam Sài Gòn (quận 7 và Nhà Bè) là khu vực thoát nước của thành phố ra biển. Tuy nhiên, khu vực này lại được đô thị hóa nhanh đến mức chóng mặt, khiến nước không thoát ra được. Bê-tông hóa trên nền đất trũng, yếu (xây dựng quá nhiều nhà cao tầng) làm cho thành phố ngày càng ngập nặng, nền đất ngày càng lún xuống.

Cuối cùng, mực nước biển tăng (trung bình 3mm/năm do biến đổi khí hậu) cũng góp phần khiến TPHCM chìm trong nước biển. Phía Nam thành phố hiện thấp hơn mực nước biển 160cm. Trong khi thủy triều cao nhất được ghi nhận là 172cm. Ước tính đến năm 2070, mực nước biển sẽ tăng thêm 50cm. Nếu không có hành động kịp thời để ngăn chặn, sụt lún kết hợp với mực nước biển dâng cao sẽ tạo nên áp lực rất lớn cho hệ thống thoát nước của thành phố, gây ra lũ lụt.

TPHCM chìm trong nước biển

Giải pháp nào để ngăn chặn TPHCM chìm trong nước biển?

Bước đi nhanh nhất để giải quyết việc lún đất dẫn đến sự chìm dần của Tp. HCM là giảm khai thác nước ngầm. Muốn vậy, cần tìm nguồn cung cấp nước khác. Chẳng hạn như xây dựng các nhà máy xử lý nước để làm sạch nước ở sông, hồ. Ngoài ra, mỗi công dân cần hình thành ý thức dùng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước; tránh lãng phí nguồn nước sạch, giảm lượng nước sinh hoạt xuống mức thấp nhất.

Giải pháp thứ hai là giảm thiểu những thách thức do biến đổi khí hậu. Có thể đắp những cồn cát, xây đê cọc, đặt máy bơm dọc theo bờ biển để ngăn chặn mực nước biển dâng cao.

Tiếp nữa là trồng lại rừng ngập mặn. Nhiều hec-ta rừng đã bị đốn hạ để nhường chỗ cho các siêu đô thị lấn biển. Nghiên cứu của Đại học Southampton đã chỉ ra rằng rừng ngập mặn có thể giúp giảm xói mòn và ngăn nước di chuyển xa hơn vào đất liền.

Kế đó, cần dừng ngay việc xây dựng quá nhiều cao ốc trên khu vực đất trũng, yếu. Đồng thời, muốn chống lún thì cần cải tạo đất nền, làm cho đất chắc hơn. Đồng thời yêu cầu các công ty xây dựng dùng những vật liệu nhẹ hơn khi thi công để giảm áp lực lên đất.

Cuối cùng, bất kỳ giải pháp nào cũng đòi hỏi sự chủ động và tham gia tích cực của chính phủ. Bên cạnh đó là ý thức của người dân. Mỗi cá nhân và doanh nghiệp cần chung tay với chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường. Từ đó giảm thiểu tối đa tác động biến đổi khí hậu tới thành phố. Hy vọng bằng những việc làm tích cực của mỗi cá nhân, TPHCM chìm trong nước biển như dự báo của Climate Central.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua