Huế khiến tôi say đắm bởi những nét văn hóa độc đáo, song hành cùng bao địa danh đi vào trái tim dân Việt qua những câu hò tiếng hát mênh mang. Trở lại thăm Huế trong mùa hè vàng rực, cùng bạn bè tham gia hành trình sông nước trên con tàu ngược dòng Hương. Cả nhóm cùng thư thái trải nghiệm khung cảnh Huế trong không gian êm ả.
Trải nghiệm văn hóa cung đình trên thuyền rồng
Ngửa mặt hít thở khí trời mát rượi, chúng tôi bước lên chiếc đò máy yên vị bên chân đập Thảo Long để trung chuyển ra chiếc tàu rồng đang nằm ngủ say giữa sông vắng. Nhường chân cho các bạn lên thuyền trước, tôi tranh thủ dạo một vòng, bấm vội vài bức ảnh khung cảnh miền quê tại con đập mang tên rồng cỏ, làm nhiệm vụ chắn hai dòng nước mặn ngọt, góp phần điều hòa cuộc sống cho các cư dân khu vực phá Tam Giang an lành theo năm tháng.
Thong thả và nhẹ nhàng là ấn tượng của chúng tôi về chiếc thuyền gỗ Emperor Dragon, được thiết kế mô phỏng đúng chuẩn thuyền Rồng Vua ngự năm xưa. Con thuyền mang hình dáng to đẹp nhất xứ Huế. Rùng mình sau tiếng cồng vang, thuyền rời bến và đưa chúng tôi ngược Hương Giang thăm dòng sông cùng di sản lâu đời.
Hôm tôi đi, tiết trời thật êm dịu, trải rộng một khoảng bao la xanh mát. Chúng tôi lục tục leo lên boong tàu hứng gió. Quang cảnh thôn quê khu vực tả, hữu ngạn sông Hương hiện dần lên trong tầm mắt chúng tôi sao mà đơn sơ, mộc mạc đến nao lòng.
Êm êm, thuyền lướt qua cánh đồng lúa mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ, bóng các chú trâu trùi trũi nhẩn nha nhai cỏ trên đồng. Xao xác trên cao, những cụm mây trắng như bông, mang nhiều hình ảnh khiến tôi liên tưởng đến các nhân vật hoạt hình, dường như tất cả cùng hội tụ và đùa vui trên màn trời xanh thẳm. Đàn cò trắng chấp chới bay về đồng mò tép rồi đứng yên nhìn trời vô tư lự.
Bên bến sông, những hình ảnh sinh hoạt thường nhật như như câu cá, giặt giũ, gánh nước tưới rau trên con đường mát rợp bóng tre. Ẩn hiện giữa tàng cây xanh, thấp thoáng mái đình cổ, tháp chuông nhà thờ và cả khu mồ mả với những kiến trúc đậm chất Huế như bông sen, tháp hoa. Tất cả những hình ảnh ấy đều làm những lữ khách đường xa say cảnh và chụp hình không chán.
Khi thuyền băng ngang Bao Vinh, anh chàng “thổ địa” tên Ân, là hướng dẫn viên kể: “Bao Vinh vốn là khu phố cổ có cùng niên đại lịch sử với Hội An. Tuy nhiên, so với phố Hội, Bao Vinh không hấp dẫn bằng, bởi khu nhà cổ đã bị phá vỡ quy hoạch rất nhiều. Vì vậy, nét u trầm của kiến trúc Huế xưa đã bị mai một, nên lượng du khách đến Bao Vinh chỉ lơ thơ trên đầu ngón tay. Quả là thật đáng tiếc!”. Lời kể của Ân làm cả nhóm xuýt xoa, vì nếu có chiến lược quy hoạch và bảo tồn chỉn chu, cùng kế hoạch truyền thông bài bản, có lẽ Huế sẽ ăn đứt Hội An bởi vùng đất này có quá nhiều di sản đáng kể. Nhưng hiện tại, những kế hoạch như thế vẫn chỉ là áng mây nhẹ bay, chưa thành hình rõ rệt.
Lúc này, Ân mời tất cả xuống khoang thuyền và trải nghiệm các món bánh dân dã như bánh bèo, bột lọc, nậm, ram ít, chả giò Huế, cá Vẩu gành Lăng nướng tỏi ớt, tôm đất rang khế, canh bí đao ăn kèm cơm trắng… thật ngon. Trong không gian yên tĩnh, cả nhóm thả hồn trong giọng hát mênh mang của cô ca sĩ, để hồn lặng lờ trên dòng sông rực nắng của Huế mộng mơ.
Bềnh bồng trên sông – thỏa mắt ngắm di sản
Tiếp tục, thuyền trôi đi trong cái nắng nhàn nhạt của cố kinh, khung cảnh Kim Long hiện ra làm tôi chợt nhớ câu thơ: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm yêu, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Nói không ngoa, nếu bàn về vẻ đẹp thì các vùng miền quê Việt Nam đều sản sinh các bóng hồng nghiêng nước nghiêng thành.
Song nét duyên dáng, âm điệu ngọt ngào từ giọng nói của các cô gái Huế chính là vũ khí lợi hại, đủ hấp lực chinh phục các đấng mày râu đến xiêu hồn, lạc phách đấy. Bởi trong 2 ngày quan sát, tôi nhận ra, nhiều anh chàng từ mọi miền đã đến Huế lập nghiệp, gửi trái tim yêu khi trao trọn ân tình cho một bóng hồng của xứ áo tím mộng mơ hoài cảm.
Thuyền ghé bến chùa Thiên Mụ, rồi điện Hòn Chén giữa không gian gió đưa hương trầm. Cùng lên bờ, cả nhóm tà tà vãn cảnh các di tích, thắp hương kính viếng các vong linh Huế đang yên nghỉ trên mảnh đất này. Thi thoảng, một lời cầu nguyện thầm thì hòa cùng làn khói bay bay. Tất cả cùng góp phần tạo nên cho Huế một vẻ tôn nghiêm trầm mặc.
Nhìn ra xa, Ân chia sẻ với giọng hơi tiếc nuối: “Mỗi khi mưa to, dòng Hương giang hứng toàn lũ trên núi đổ về nên nước không còn trong nữa. Nhưng nhờ vậy, cây cối được rửa sạch, xanh tươi hơn. Chị hãy nhìn qua cồn Hến với ruộng bắp xanh um nhé. Khu cồn này là nơi phát tích sản sinh ra món đặc sản chè bắp nổi tiếng cả thế kỷ rồi đấy”.
Nhìn lên bờ, con phố Lê Lợi nổi tiếng với hàng cổ thụ xanh cùng các thương hiệu nghỉ dưỡng nổi tiếng như La Residence Hotel &spa, Hương Giang, Century… đang duyên dáng khoe mình cùng không gian trầm lặng. Dường như, mọi vật ở Huế đều yên tĩnh, âm thầm đưa đón những vòng xe và bước chân thế nhân dạo chơi. Tôi không hiểu từ đâu, Huế luôn mang theo vẻ trầm mặc đặc trưng. Cái trầm mặc ấy bao trùm cả thành phố, dễ dàng khiến ta lỗi giác rằng mình đang trôi về một thời không xa lắm.
Cận kề đó, nhấp nhô mái ngói của khu nhà rường đang tọa lạc sát bờ sông nằm kế cầu Trường Tiền Phú Xuân cũng thảnh thơi, đợi đón những bước chân lãng du. Thấp thoáng xa xa, các du khách thả bộ, dạo chơi thật thanh thản. Họ vô tư chụp hình lưu niệm tại khu công viên, khoác vai nhau đi dưới hàng cây trổ hoa nắng in trên mặt đường.
Trekking thăm ngã Ba Sình
Tàu dừng tại khu vực ngã ba Sình. Đây là nơi sông Hương và sông Bồ gặp nhau, trước khi xuôi về phá Tam Giang, đổ ra biển. Xa xưa, đây là chốn tập trận của thủy binh triều Nguyễn với giai thoại vật sình vui nhộn. Tạm biệt dòng Hương giang ngày đêm cuộn phù sa đổ vào phá Tam Giang trước khi ra biển, chúng tôi cùng nhau lên bờ thay đổi phương tiện vận chuyển.
Cả nhóm nhẩn nha trekking bằng xe đạp, bon bon ghé thăm các khuôn viên tranh làng Sình. Làng hoa giấy Thanh Tiên yên tĩnh nép mình bên con đường nhỏ xanh dịu vườn cây và ruộng lúa.Sau ít phút, ngôi nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, vị chủ nhân có nghề làm tranh trên giấy dó truyền thống với lịch sử hơn 300 năm đã hiện ra trước mặt.
Thật ra, với vị nghệ nhân này, tôi thường ghé thăm ông mỗi khi thăm Huế nên không lạ lắm. Lần này trở lại, cảm giác vui vui khi thấy ngôi nhà của ông chỉn chu và trang nhã hơn xưa. Khuôn viên sân nhà được bày biện để đón các du khách ghé xem hoặc học cách vẽ tranh trên giấy. Chọn mua một bức tranh làm kỷ niệm, chúng tôi rời làng Sình khi bóng nắng dần lên cao, mang theo cái nóng miền Trung gay gắt.
Sau làng tranh, khuôn viên xinh xắn của họa sĩ Thân Văn Huy, người có công gìn giữ bảo tồn làng hoa giấy Thanh Tiên hiện ra trước mắt. Ghé vào thăm ông, chúng tôi mê mẩn ngắm những đóa sen giấy rất kỳ công được bài trí trong những chậu to thật đẹp. Trò chuyện cùng vị họa sĩ già này, tôi càng hiểu thêm sự đam mê của ông trong việc nghiên cứu sáng tạo ra những đóa sen giấy thật duyên dáng. Nhờ vậy, các sản phẩm Liên Hoa mang thương hiệu Thanh Tiên đã được du khách quốc tế yêu mến và trân trọng đón nhận.
Tạm biệt ngã ba Sình khi tia nắng dần nghiêng, tiết trời mềm mại dịu dàng hơn khi gió lăn tăn thổi dài trên đồng lúa, chúng tôi trở về kinh thành Huế để nghỉ ngơi vì sau hành trình đạp xe khá mệt. Trên đường quay về thành phố, những công trình bê-tông ngổn ngang đã khiến tim tôi hơi nhoi nhói.
Nếu Huế cứ xây dựng nhiều công trình hiện đại, e rằng vẻ đẹp u hoài, mong manh như bài thơ của Huế rất dễ bị tàn phai bởi những nét kiến trúc mới lạ, phá vỡ sự trầm tĩnh, nên thơ và cổ kính. Lúc đó, một tặng vật của thời gian cũng sẽ mất đi!
Thông tin thêm
♠ Xe buýt/tàu hỏa: Thời gian di chuyển khoảng 1 ngày để đi từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đến Huế. w Máy bay: Để đến Huế nhanh hơn, bạn nên đặt mua vé máy bay.
♠ Di chuyển ở Huế: Bạn có thể đón xe ôm để đi cả ngày lòng vòng khắp thành phố. Giá cả cũng không cao lắm và còn tùy vào quãng đường mà bạn muốn đi, giá khoảng chừng 5.000 đồng/km/ 1 người. Bạn cũng có thể thuê xe máy với giá khoảng 80.000 –100.000 đồng/xe/ngày.
♠ Người Huế thích ăn cay và mặn, nếu không quen khẩu vị này, bạn có thể dặn dò người phục vụ khi gọi món. Bên cạnh, bánh bèo, bánh nậm là những món đặc sản nổi tiếng, bánh canh Nam Phổ cũng được xếp hạng là bánh hấp dẫn ở Việt Nam, khi đến Huế bạn đừng bỏ qua nhé!
BÀI: DƯƠNG THỦY
Tiếp Thị Gia Đình