Thủ tướng nhấn mạnh chuẩn bị phương án cho “làn sóng Covid-19” thứ 2

Từ bây giờ đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị, nhất là ngành y tế, các địa phương, các lực lượng, đơn vị liên quan cần bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp cho làn sóng lây nhiễm thứ 2 của Covid-19

làn sóng covid-19 thứ 2

Chiều ngày 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan, thành phố Hà Nội và TP.HCM để bàn giải pháp ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ 2 (Ảnh: Chính phủ)

Không được chủ quan, thực hiện nghiệm cách ly xã hội đến ngày 15/4

Những ngày qua, Việt Nam có ít ca nhiễm mới hơn. Số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều. Một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực. Nhiều người ca ngợi trình độ của y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì thế chúng ta không được chủ quan, coi thường dịch bệnh.

Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Đây cũng là chủ trương mà các địa phương và thành phố lớn đều thống nhất để giữ vững thế chủ động chống dịch.

Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị. Hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.

Từ nay đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ 2. Nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm cách ly xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng thì sẽ không có đỉnh dịch. Từ đó sẽ không có thiệt hại về người và ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.

Cần phải truy tìm được F0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta cần phải tìm được F0, từ những dấu vết ở hai ổ dịch ở Hà Nội và TP.HCM. Các cơ quan, chính quyền địa phương cần quản lý chặt những cơ sở thờ tự, tôn giáo, siêu thị, các phương tiện công cộng… Mục đích ngăn chặn, đề phòng lây lan.

Các địa phương xuất hiện ca nhiễm cần xét nghiệm sớm những người có nguy cơ. Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân lớn cần thực hiện nghiêm việc ngăn ngừa lây nhiễm. Bảo đảm đầy đủ dụng cụ phòng hộ, tuân thủ các chỉ đạo phòng chống dịch. Các địa phương cần có phương án đề phòng lây nhiễm, đôn đốc, kiểm tra ở những cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch ở những khu vực này.

Chuẩn bị thêm bệnh viện dã chiến, máy thở cho làn sóng Covid-19 thứ 2

Thủ tướng đề nghị hoàn thiện phương án thiết lập bệnh viện dã chiến. Yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nắm tình hình, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, như xét nghiệm, công nghệ, thuốc. Điều phối các nguồn lực cho địa phương. Hướng dẫn, đào tạo năng lực, hỗ trợ, công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế có chương trình tổng thể trong vấn đề này. Đồng thời trực tiếp giải quyết vấn đề chuyên môn.

Máy thở có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phòng chống dịch. Do đó, Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.

Chống dịch đi đôi với chống phá sản

Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh; và giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi kiểm soát được dịch. Tinh thần là chống dịch nhưng cũng chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc. Hỗ trợ người nghèo kịp thời. Thủ tướng đã biểu dương một số địa phương đã tự trích ngân sách hỗ trợ người khó khăn do làn sóng Covid-19.

Đại dịch gây ra nhiều thiệt hại đối với kinh tế, việc làm. Nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho chúng ta. Do đó Thủ tướng yêu cầu các các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân tập trung khai thác cơ hội. Như đổi mới phương thức làm việc. Có những ngành công nghiệp mới, dịch vụ mới. Thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch. Nhất là Chính phủ số, thương mại điện tử… Tạo cơ hội cho xuất nhập khẩu.

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: NẾU KINH DOANH THỜI TRANG, LÀM SAO SỐNG SÓT QUA NẠN DỊCH COVID-19?

Đừng bỏ qua