Những người “nghiện mua sắm” thường rất khó để kiểm soát chi tiêu của bản thân. Điều này dẫn đến tình trạng nợ nần, thậm chí ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân. Liệu bạn có phải là một “tín đồ” mua sắm và làm thế nào để thoát ra khỏi nó?
Dấu hiệu cho thấy bạn là một “tín đồ” shopping
Giống như những kiểu nghiện ngập khác, mua sắm quá đà khiến bạn phải trả cái giá rất đắt. Các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần đã sử dụng một thang đo để xếp hạng mức độ nghiện mua sắm. Từ đó chỉ ra 6 dấu hiệu phổ biến nhất ở một “tín đồ” shopping.
- Luôn bị ám ảnh về việc mua sắm.
- Mua sắm chỉ để cải thiện tâm trạng.
- Mua sắm nhiều đến nỗi nợ nần chồng chất.
- Thường che giấu các khoản chi tiêu của mình bởi vì sợ người khác chỉ trích.
- Mua sắm nhiều đến mức ảnh hưởng đến hạnh phúc của bản thân.
- Nhiều lần cố gắng cắt giảm chi tiêu nhưng không thành công.
Nếu xuất hiện từ 4/6 dấu hiệu kể trên thì có thể kết luận bạn đang nghiện mua sắm.
>> Xem thêm: Bí quyết mua sắm đồ online “chuẩn không cần chỉnh” trong mùa dịch Covid-19
Làm thế nào để thoát khỏi cảm giác “nghiện” mua sắm?
Những tín đồ mua sắm cần được trị liệu giống như bất kì loại bệnh tâm lí nào. Khi trị liệu, người nghiện shopping sẽ có cơ hội làm việc với chuyên gia để nhìn nhận vấn đề của bản thân. Đồng thời đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó và xác định nguyên nhân, yếu tố kích hoạt cũng như nguy cơ.
May mắn là bạn có thể thay đổi hành vi mua sắm của mình bằng một số chiến thuật. Nhằm hạn chế ham muốn thêm những món đồ mới vào giỏ hàng, bao gồm:
- Huỷ đăng kí nhận tin khuyến mãi từ email cửa hàng.
- Chờ thêm một ngày trước khi thanh toán giao dịch mua hàng mà bạn đang nhắm tới.
- Học cách biết ơn với những gì đang có.
- Lập danh sách cho việc chi tiêu, đồng thời dành ra một khoản nhỏ để thoả mãn nhu cầu mua sắm của bản thân.
- Thử thách bản thân bằng cách “không mua sắm” trong một khoảng thời gian cụ thể.
- Tạo và duy trì một khoản tiết kiệm để việc rút tiền không còn dễ dàng như trước.
- Tránh thanh toán bằng thẻ tín dụng trả trước.
- Xoá bớt những chiếc thẻ tín dụng, ví điện tử ra khỏi điện thoại.
Điều quan trọng là phải nỗ lực để đạt được mục tiêu. Nếu không bạn sẽ nhanh chóng rơi vào thói quen cũ. Thói quen mua hàng có phần bốc đồng đôi khi là do bạn đang mắc chứng FOMO (Fear of Missing Out) hay còn gọi là Hội chứng sợ bỏ lỡ.
Đối với người thích mua sắm online, hãy cứ thêm món đồ yêu thích vào giỏ hàng nhưng đừng vội thanh toán ngay. Hãy quay lại sau khi suy nghĩ kĩ xem có thật là bạn không thể sống thiếu nó hay không? Cố gắng để cảm xúc lắng xuống trước khi quyết định. Đây là bí quyết để thoát khỏi cảm giác nghiện mua sắm.
Tiếp Thị Gia Đình