Cảm giác chẳng muốn làm gì khiến bạn mãi không đạt được mục tiêu. Nếu chưa biết cách tạo động lực cho bản thân, cảm giác này sẽ còn ghé thăm bạn thường xuyên. Đáng sợ nhất là khi nó ở lì trong tâm trí, khiến bạn chẳng làm được gì hết ngày này qua tháng nọ. May mắn thay, chúng ta vẫn có khả năng giải phóng bản thân khỏi trạng thái lười biếng này.
Tự tạo động lực để vượt qua tâm lý không muốn làm gì
Khi còn nhỏ, bố mẹ thường khuyến khích chúng ta làm những điều tốt bằng cách trao cho ta một phần quà nào đó. Ví dụ như nếu ta chịu dậy sớm để đi học đúng giờ. Bố mẹ sẽ mua một món đồ chơi mà ta thích. Món đồ chơi đó trở thành động lực để ta vượt qua cơn buồn ngủ mỗi sáng. Và sau đó là hoàn thành yêu cầu “dậy sớm” từ bố mẹ.
Lớn lên, không còn nhiều người giúp ta tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình nữa. Thay vào đó ta phải tự thân vận động.
Tuy nhiên “động lực” cũng là một điều gì đó khá mơ hồ. Nó có thể xuất hiện rồi lại biến mất nhanh chóng như những xúc cảm hỉ nộ ái ố. Tìm kiếm động lực từ những hình ảnh hay câu chuyện truyền cảm hứng cũng chỉ là phương pháp nhất thời. Làm thế nào để duy trì động lực một cách bền lâu?
Lên danh sách phần thưởng xứng đáng
Hãy thử viết ra ít nhất 5 phần thưởng khác nhau mà bạn sẽ nhận được khi hoàn thành một nhiệm vụ. Bắt đầu với những phần thưởng nho nhỏ cho các công việc đơn giản. Sau đó giá trị phần thưởng sẽ tăng dần lên tương đương với “độ khó” của nhiệm vụ.
Ví dụ như sau khi dọn dẹp nhà cửa xong, bạn sẽ:
– Ăn một thanh chocolate
– Xem video trên Youtube
– Nghỉ ngơi trong 30 phút
– Mua một món đồ yêu thích
– Thưởng thức một bản nhạc hay
Đừng ngại tự thưởng cho bản thân vì đã nỗ lực. Để việc nhận thưởng thú vị hơn, hãy biến nó trở nên ngẫu nhiên. Đôi khi bạn viết ra cả những phần thưởng lớn và nhỏ, rồi để số phận quyết định xem mình sẽ nhận được gì.
Những phần thưởng “đáng sợ”
Với cách này, bạn tập trung thúc đẩy bản thân tránh điều gì đó hơn là đạt được nó. Tất cả những gì cần làm là tìm ra những cách “trừng phạt” bản thân vì làm việc không hiệu quả. Một số ý tưởng bạn có thể tham khảo:
– Nếu không thể dậy sớm để tập thể dục, nửa kia/người thân/ hay bất kì ai chung phòng với bạn có quyền xịt nước cho đến khi bạn tỉnh dậy
– Nếu không đến phòng gym sau giờ làm việc, bạn sẽ phải ăn một thứ gì đó bạn ghét (ví dụ như một quả cam chua)
– Nếu chưa hoàn thành bài luận trong ngày hôm nay, bạn sẽ phải xoá tất cả các ứng dụng yêu thích trên điện thoại (như Facebook, Instagram…)
Đôi khi nghiêm khắc với bản thân một chút sẽ giúp bạn có động lực để vượt qua cảm giác không muốn làm gì.
Động lực khởi động
Chắn chắn bạn sẽ không có nhiều động lực khi phải chinh phục một nhiệm vụ quá sức. Thay vì ép bản thân hoàn thành 100%, nên chia nhỏ nhiệm vụ ra.
“Hôm nay mình sẽ thực hiện 10% thôi” – tự nhắc bản thân như vậy để làm quen với công việc. Ví dụ như bạn dự định thực hiện bài tập thể dục với 50 cái chống đẩy. Hãy bắt đầu với 5 cái mỗi ngày. Đây là một phương pháp đơn giản và rất dễ thực hiện.
Điều tốt ở đây là gì? Khi đã chia nhỏ mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, bạn có khả năng thực hiện nhiều hơn chỉ 10%. Bạn có thể chống đẩy tới 10 cái chứ không phải 5 như ban đầu. Các huấn luyện viên đời sống gọi đây là “động lực khởi động”.
Hy vọng với những phương pháp trên, bạn sẽ có động lực để vượt qua cảm giác không muốn làm gì. Nên lưu ý, động lực không phải là bạn cảm thấy được truyền cảm hứng hay bất cứ điều gì quá hoa mỹ. Mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra sự thôi thúc hành động để bạn đạt được mục tiêu.
Tiếp Thị Gia Đình