Lại nói về chuyện con cái đối đãi với cha mẹ. Một đêm nọ, người con trai dẫn cha mình đến một nhà hàng sang trọng dùng bữa. Sau khi ngồi xuống bàn ăn, người con bắt đầu xem thực đơn, gọi món và dùng bữa cùng cha. Vì đã già yếu, đôi bàn tay cha hay run rẩy khi cầm thìa. Mỗi lần múc, thức ăn lại rơi vãi xuống bàn và dính trên quần áo ông. Thực khách trong nhà hàng ai nấy cũng tỏ vẻ khó chịu. Số ít còn lắc đầu ngán ngẩm trước tác phong ăn uống vụng về của người cha.
Trong khi đó, với sự điềm tĩnh và bình thản, người con trai vẫn ngồi đó dùng hết bữa tối cùng cha. Thỉnh thoảng, anh còn bón thức ăn cho cha, lau những vệt thức ăn cho cha, mặc bao ánh nhìn nghi ngại hay những cú chau mày cau có đang dồn về phía hai cha con. Dùng xong bữa tối, người con trai dìu cha đến bồn rửa mặt, cẩn thận lau sạch hết những mẩu thức ăn vương vãi trên miệng và trang phục ông. Anh ân cần chải lại mái tóc cha, sửa sang trang phục cha và không quên đeo cặp kính lão đã tụt xuống trong lúc cha đang ăn.
Trước cảnh tượng đó, bầu không khí im lặng bao trùm khắp nhà hàng. Những gương mặt trước đó còn đang nhăn nhó khó chịu, bỗng trầm mặc. Số khác vẫn còn ngơ ngác, tự hỏi họ là ai, chuyện gì đã xảy ra với người cha, tại sao người con lại làm như thế… Những thực khách còn lại thi đang ngậm ngùi tự vấn bản thân một câu hỏi nặng lòng: liệu mình có kiên nhẫn đến thế với cha mẹ mình hay không?
Người con trai đến quầy thanh toán, lấy áo khoác cho cha và bắt đầu dìu ông rời khỏi nhà hàng. Lúc đó, một thực khách lớn tuổi gọi anh lại và hỏi: “Này cậu ơi, cậu có để quên gì lại không?”.
“Dạ không, cháu không để quên gì đâu ạ!”, chàng trai từ tốn đáp lời.
Người đàn ông tiếp lời: “Ta không nghĩ vậy. Cậu đã để lại một món quà quý giá và ý nghĩa cho chúng ta. Đó là một bài học sâu sắc cho những người con và niềm hy vọng cho những người cha”.
Cảm xúc như chực trào, người con trai bắt đầu rưng rưng. Sự im lặng lại một lần nữa bao trùm lấy nhà hàng. Nhưng lần này, đâu đó như vang lên những tiếng nghẹn dằn nén, những thanh âm sụt sùi, thút thít. Những suy ngẫm đang ôm chầm lấy nhau, quyện vào cảm xúc yêu thương của tình cảm thiêng liêng: tình phụ tử.
Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày
– Ca dao
Khi những đứa trẻ đùa nghịch hay thậm chí làm chuyện ngớ ngẩn nơi đông người, cha mẹ không bao giờ cảm thấy xấu hổ hay phiền lòng vì điều đó. Vậy thì cớ sao khi cha mẹ già yếu và chậm chạp, người ta lại phải ngượng ngùng và né tránh? Chăm sóc đấng sinh thành là một niềm vinh hạnh lớn lao và đáng tự hào. Đến một độ tuổi nào đó, bạn sẽ nhận ra, một trong những hạnh phúc của cuộc đời ta là vẫn còn cha mẹ bên cạnh.
Ngay từ khi lọt lòng, cha mẹ đã hết mực yêu thương và chăm sóc ta từng chút, từ những bước đi chập chững đầu đời đến ngày ta đăng khoa tiến cử, thành danh lập nghiệp. Ngay cả khi ta mắc sai lầm, cha mẹ vẫn không ngừng yêu thương ta vô điều kiện. Ai rồi cũng sẽ già đi, khi nhìn thấy cha mẹ cũng là khi ta nhìn thấy chính mình trong tương lai. Sinh hữu hạn, tử vô kỳ. Hãy yêu thương, tôn trọng và chăm sóc cha mẹ mình trước khi quá muộn.
Bài: Philippe
Tiếp Thị Gia Đình