Việc khí thải CO2 tăng đáng kể cho thấy các quốc gia đã không thể theo đúng kế hoạch để đạt được mục tiêu của Hiệp Định Paris 2015. Trong đó, các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng lên 1.5 độ C.
Lượng khí CO2 thải ra cao hơn dự đoán
Năm 2019, thế giới được cho là sẽ thải ra 37 tỉ tấn khí CO2. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu dầu mỏ và khí đốt. Số liệu này được đưa ra trong báo cáo thường niên của Global Carbon Project – tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu những sáng kiến tập trung vào sự bền vững. Bài báo cáo này đã được công bố tại Hội Nghị COP25 vừa qua ở Madrid, Tây Ban Nha.
Trong khi đó, số liệu từ Carbon Burget 2019 lại cho thấy khí thải CO2 từ nhiên liệu hoá thạch tăng 0.6% so với năm 2018. Sự gia tăng này nhanh hơn rất nhiều so với những năm trước đó.
Lượng khí thải CO2 tăng 1.5% vào năm 2017 và 2.1% trong năm 2018. Trong khi đó, vào những năm 2014 – 2016 thì nó lại ở mức ổn định.
Các nhà khoa học cảnh báo lượng khí thải sẽ còn tiếp tục tăng vào thập kỷ tới. Chỉ khi nào ngành công nghiệp năng lượng, giao thông và các chính sách công nghiệp được thay đổi đáng kể trên khắp thế giới thì lượng khí thải mới có thể giảm lại hoặc ở mức ổn định.
Những quốc gia có lượng khí thải CO2 nhiều nhất
Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và Ấn Độ là những quốc gia và vùng lãnh thổ đóng góp hơn 1/2 lượng khí thải trên toàn cầu.
Tín hiệu đáng mừng là lượng khí thải CO2 ở Mỹ và châu Âu giảm 1.7% so với năm ngoái. Chủ yếu là nhờ cắt giảm việc dùng than để làm nhiên liệu ở mức đáng kể. Theo bài báo cáo của Global Carbon Project, than chiếm gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.
Lượng than được sản xuất ở Mỹ giảm 10.5%. Còn ở châu Âu giảm 10%. Trong 15 năm qua, lượng than được sản xuất ở Mỹ đã giảm gần phân nửa.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai đất nước có tốc độ phát triển nhanh nhất nhưng cũng ô nhiễm nhất thế giới. Việc sử dụng than làm nhiên liệu cũng đã giảm so với năm trước. Thế nhưng, lượng khí thải CO2 ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ tăng trong năm nay. Được dự đoán lần lượt là 2.6% và 1.8%. Bởi khí thải từ dầu và khí đốt tự nhiên vẫn đang tiếp tục tăng ở hai quốc gia này.
Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên thải ra ít CO2 hơn. Nhưng chúng lại góp phần làm Trái Đất nóng lên. Theo dự đoán của các chuyên gia, lượng khí thải từ dầu mỏ sẽ tăng 0.9% trong năm 2019. Còn khí thải từ khí đốt tự nhiên sẽ tăng 2.6%. Đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất từ trước đến nay.
Trái Đất đang nóng đến mức nào?
Hiện tại, Trái Đất đang nóng hơn 1.1 độ C so với thời kì đầu của Cách Mạng Công Nghiệp. Tháng trước, báo cáo của Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) 2019 cảnh báo rằng những cam kết hiện tại của các quốc gia vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Theo UNEP, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 3.2 độ C nữa trước năm 2100. Để nhiệt độ chỉ tăng 1.5 độ C như cam kết ban đầu, khí nhà kính phải giảm ít nhất 7.6% mỗi năm.
Việc giảm khí thải CO2, đặc biệt là từ giao thông, và chuyển sang sử dụng năng lượng xanh là cực kì cần thiết để kiểm soát lượng khí thải trên toàn cầu. Đồng thời còn có thể cứu hàng nghìn mạng sống khỏi ô nhiễm môi trường.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: CNN