Dành sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn khi trẻ bị bệnh
Trẻ con luôn cần được quan tâm chăm sóc, đặc biệt khi cơ thể không khỏe, sự có mặt bên cạnh dỗ dành của bố mẹ càng trở nên quan trọng để trẻ cảm thấy dễ chịu và an tâm hơn. Nếu công việc bận rộn, ít nhất bạn cũng cần sắp xếp có một người ở bên cạnh trẻ nhiều hơn lúc bình thường, có thể nấu những món trẻ thích ăn, kể chuyện hay hát ru để vỗ về trẻ dễ ngủ hơn, ngoài ra, việc cho trẻ uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ cũng cần bố mẹ đầu tư nhiều công sức hơn.
Khích lệ trẻ biểu đạt sự lo lắng và khó chịu của mình
Khi bị bệnh, trẻ luôn cảm thấy khó chịu, lo lắng và bất an. Đối với trẻ mà nói, những trạng thái này rất khó biểu đạt. Vì vậy, người lớn cần phải quan sát tỉ mỉ tình trạng của trẻ, khuyến khích và hướng dẫn trẻ nói ra cảm giác về cơ thể mình. Ví dụ: “Con ngoan, có phải con đang lo lắng về bệnh của mình không? Chỗ nào khó chịu, con hãy chỉ bố/mẹ xem nào?” Khi thấy được quan tâm, trẻ sẽ cởi mở và dễ dàng biểu đạt tình trạng của mình, đồng thời trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ luôn ở bên cạnh và hiểu mình, bảo vệ mình.
Ngoài ra, nhiều trẻ khi gặp bác sĩ trở nên sợ hãi và kích động, bạn có thể phối hợp với người thầy thuốc dung trò chơi hoàng tử công chúa để “dụ” trẻ, chẳng hạn như bạn nói: “Nào hoàng tử/công chúa có chỗ nào không khỏe nè, để bà tiên/ông tiên giúp nhanh khỏi nhé”.
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Khi muốn trẻ nói ra bệnh tình, bạn không nên hỏi quá nhiều cùng lúc sẽ khiến trẻ bối rối và sợ hãi. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể chủ động đưa ra giả thuyết để trẻ dễ nắm bắt tình trạng của mình. Ví dụ bạn thấy trẻ bị sốt, có thể nhẹ nhàng sờ trán và hỏi trẻ có phải đầu bị đau không, sờ bụng và hỏi trẻ có bị đau bụng không v.v…
Ngoài ra, tâm lý chung của con người là luôn thấy bất an với những chuyện mình không rõ và không kiểm soát được, với trẻ nhỏ càng như vậy. Cho nên, bạn cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ biết những chuyện có khả năng phát sinh sau khi trẻ bị bệnh, ví dụ như nói với trẻ rằng bị bệnh thì cần đi khám bác sĩ, uống thuốc và ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ mới mau khỏi. Điều này giúp trẻ biết được những gì mình sẽ trải qua và đỡ bất an hơn.
Bài: LÊ PHƯƠNG
Tiếp Thị Gia Đình