Khám phá sắc màu ngày Tết của các dân tộc Việt Nam

Tết là sự kiện mang nhiều ý nghĩa đối với đồng bào tất cả các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có nét đặc trưng văn hóa riêng, song đều góp phần tạo nên bức tranh đầy màu sắc về ngày Tết cổ truyền trên mảnh đất hình chữ S.

Cư ngụ ở vùng núi cao thuộc tỉnh Hà Giang, dân tộc Mông (H’Mông) thấy Tết đã về khi những đóa hoa mận trắng chớm nở. Ảnh: Shutterstock

Sắc màu ngày Tết: Nhạc hội cồng chiêng vui tươi của người Mường

Cộng đồng người Mường tại huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội khuấy động không khí ngày Tết với tiếng cồng chiêng. Mọi người sẽ cùng nhau hát và nhảy múa ca ngợi cây đa cổ thụ trong làng. Qua lời ca tiếng hát, họ cầu mong xóm làng yên vui, mùa màng bội thu. Sau đó, lần lượt từng người sẽ đến lấy nước từ giếng cổ và đem đổ vào bể nước ở nhà. Họ tin rằng nguồn nước linh thiêng ấy sẽ mang lại may mắn và thành công trong năm mới cho cả gia đình. Cũng theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp.

Chúng ta thường bận rộn hơn vào những ngày giáp Tết, người dân tộc Mường cũng không ngoại lệ. Nhà nào nhà nấy hối hả sửa sang lại khu vực bếp để chuẩn bị đồ ăn. Bài trí bàn thờ ngày Tết là việc quan trọng nhất. Đàn ông trong nhà có nhiệm vụ bày biện một cành đào, hai cây mía, mâm ngũ quả cùng bánh mứt tại vị trí linh thiêng này.

Nâng ly rượu ngày Tết với dân tộc Sán Dìu

Ngược về phía Bắc, cách Hà Nội hơn 50km là tỉnh Bắc Giang – nơi người dân tộc Sán Dìu đang sinh sống. Nói về sắc màu ngày Tết trên mảnh đất hình chữ S, người Sán Dìu có phong tục nấu rượu để mời khách. Sớm mùng 1, người Sán Dìu tới suối lấy nước về nấu đồ ăn cúng ông bà tổ tiên.

Một điều đặc biệt là vào ngày đầu năm mới, dân tộc Sán Dìu không ăn mặn mà ăn chay. Cháo chè được nấu bằng gạo nếp, đỗ xanh và đường tạo nên một món ăn chay thanh đạm nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng.

Tục ăn Tết sớm của người dân tộc Mông

Cư ngụ ở vùng núi cao thuộc tỉnh Hà Giang, dân tộc Mông (H’Mông) thấy Tết đã về khi những đóa hoa mận trắng chớm nở. So với các dân tộc anh em khác, sắc màu ngày Tết của người Mông rõ nét hơn. Bởi họ là dân tộc bắt đầu ăn Tết sớm nhất – từ tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch). Nhưng trước đó, các gia đình phải thu gom củi để dùng trong cả tháng. Ngoài ra còn phải dự trữ cỏ cho gia súc trong 1 tuần khi người dân đi trẩy hội.

Tết cũng là dịp cho những ai đến tuổi cặp kê tìm kiếm một nửa để nên duyên vợ chồng. Người Mông sẽ dán tiền vàng mã lên nông cụ nhằm tỏ lòng biết ơn. Trong quan niệm của họ, nông cụ giúp trồng lúa, trồng ngô. Họ đặt chúng dưới bàn thờ với ý nghĩa đồ vật cũng ăn Tết như con người. Sáng mùng 1, mọi người ngủ thẳng giấc mà không ai được đánh thức. Đặc biệt hơn là vào ngày đầu năm, người vợ được nghỉ ngơi còn chồng sẽ vào bếp nấu ăn. Đàn ông nấu ăn phải cẩn thận, không để lửa bén vào người và bữa cơm tuyệt đối không nấu món canh.

Thức thâu đêm đón giao thừa với người dân tộc Thái

Người Thái ăn 3 cái Tết, nhưng Tết Nguyên đán vẫn là Tết quan trọng nhất. Trước khi dọn dẹp nhà cửa, họ thắp hương báo cáo với tổ tiên. Chỉ có người đàn ông là trụ cột trong nhà mới được phép dọn dẹp bàn thờ. Ngày 30 Tết, các gia đình thức thâu đêm để đón giao thừa. Đèn luôn sáng, bếp luôn đỏ và hương trên bàn thờ tổ tiên không được tàn. Mọi người chú ý lắng nghe xem tiếng của con vật nào kêu trước tiên và dựa vào đó để dự đoán vận hạn năm mới.

>> Xem thêm: Vì Covid-19 mà Tết này nhà mình không gặp nhau

Lạ lùng tục “bắt chồng” vào dịp Tết của dân tộc Chu Ru

Trong khi các dân tộc miền núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì người Chu Ru ở Tây Nguyên lại có tập quán ngược lại. Đó là tục “bắt chồng”. Điều này làm phong phú thêm sắc màu ngày Tết các dân tộc Việt Nam. Từ mùng 1 Tết Âm lịch cho đến hết tháng 3, mùa bắt chồng của các thiếu nữ Chu Ru diễn ra trong không khí tươi vui. Đây là nét văn hóa đặc trưng của một dân tộc theo chế độ mẫu hệ.

Khi một cô gái Chu Ru phải lòng chàng trai nào đó, bố mẹ cô sẽ tới nhà trai để hỏi cưới. Vào mùa xuân, nhà gái chọn ngày tốt lành mang sính lễ qua nhà trai. Họ sẽ trao cho anh ta chiếc nhẫn. Chàng trai đeo nhẫn vào tức là chấp nhận cuộc hôn nhân. Còn nếu anh ta trả lại, đại diện nhà gái sẽ tạm quay về. Họ hứa trở lại lần nữa cho đến khi gia đình nhà trai đồng ý mới thôi.

Sắc màu ngày Tết vui hết mình với dân tộc Chăm

Lễ lớn nhất trong năm được xem như Tết chính của người Chăm theo đạo Bà la môn là Păng-Katê (tháng 7 lịch Chăm). Còn với người Chăm theo đạo Hồi là Tết Ramưwan diễn ra vào đầu tháng 9 lịch Hồi. Song, hòa chung không khí vui xuân trên cả nước, đồng bào Chăm cũng coi Tết Nguyên đán như một dịp để chào đón năm mới. Các gia đình sẽ mổ heo và bày tiệc trái cây, bánh ngọt. Không có điều gì phải kiêng kị vào ngày đầu năm nên người Chăm vui vẻ hết mình.

Họ lan tỏa niềm hạnh phúc ấy bằng những lời hỏi thăm, chia sẻ với hàng xóm láng giềng.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua