Hồn bản địa của dòng nhạc Bolero Latin

Bolero có sức sống bền bỉ vì nhiều lý do nhưng chắc chắn có hai yếu tố: hay và gần gũi với tiếng lòng của người dân

Bolero là một thể điệu âm nhạc Mỹ Latin có nhịp độ chậm đi kèm vũ điệu. Có hai thể Bolero là Bolero Tây Ban Nha và Bolero Cuba, cả hai đều có chỗ đứng riêng và có nguồn gốc khác biệt nhau. Tại Tây Ban Nha, vũ điệu Bolero là điệu nhảy nhịp 3/4 xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII, kết hợp giữa contradanza và sevillana. Phần lời ca gồm năm đến bảy âm tiết mỗi dòng và mỗi đoạn nhạc gồm bốn dòng. Nhạc này được viết theo nhịp ba, thường có một liên ba ở phách thứ hai của mỗi nhịp. Tại Cuba, Bolero là sự tổng hòa nhạc và lời, được sự công nhận ở tầm quốc tế. Với nhịp 2/4, vũ điệu Bolero Cuba đã lan truyền ra nhiều quốc gia khác. Đến mỗi quốc gia, Bolero đã hòa vào nhịp sống, hơi thở của người bản địa và nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cũng như đánh dấu một giai đoạn lịch sử âm nhạc.

Dòng nhạc thịnh hành nhất hiện nay

Bolero Latin du nhập vào Sài Gòn từ thập niên 1950 và phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam từ đó đến nay. Điệu Bolero không chỉ sử dụng trong các ca khúc nhạc vàng mà còn xuất trong các nhạc phẩm khác của nền Tân nhạc Việt Nam. Hầu hết các bài hát điệu Bolero ở Việt Nam đều có đặc tính chung là giai điệu đều đều, chậm, lời ca vần và dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý. Không chỉ Sài Gòn, Bolero luôn ở giữa lòng người yêu nhạc cả ba miền nửa thế kỷ qua, vẫn vang tiếng nơi phố thị, ngân nga khắp ngõ xóm, thôn nghèo, làng quê, quặn thắt trong tâm tưởng những người xa quê hương. Tại sao đi qua binh biến khỏi lửa, thời cuộc xoay vần nhưng Bolero vẫn sống dai dẳng, phục hưng và sáng đèn hàng đêm?

Bolero 001

Một ca khúc hay là ca khúc sẽ trở thành tiềm thức của khán giả. Những tình khúc thời kỳ Bolero sở dĩ trở nên bất hủ vì chỉ cần cất lên, rất nhiều người Việt Nam đều thấy thân thương, gần gũi, lòng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày tháng cũ với người thân, với những cuộc tình đã qua hay chỉ là phút vỗ về tâm tình trong cõi nhân sinh còn nhiều bon chen, vất vả.

Đi qua tháng ngày đầy thăng trầm và hy hữu

Nhìn xa hơn, về nơi khởi phát của Bolero, có một hiện tượng hy hữu là trong khoảng thời gian chỉ hơn 20 năm, tinh hoa văn nghệ trí thức ba miền đều đổ về miền Nam. Làn sóng văn nghệ này đã tạo nên một thời kỳ huy hoàng có một không hai trong lịch sử văn nghệ Việt. Tiếp nối những tinh hoa dòng nhạc tiền chiến (trước 1954) lấy cảm hứng từ sự lãng mạn của âm nhạc cổ điển phương Tây, thế hệ nhạc sĩ thời 1954–1975 đã đa dạng hóa và bản địa hóa hầu hết các tiết điệu âm nhạc Tây phương. Thành công rõ rệt nhất chính là Bolero, tiết điệu Latin nhưng khi chuyển hóa thành dòng nhạc vàng Sài Gòn thì nó đã gần như là dòng nhạc bản địa của miền Nam Việt Nam. Trong dòng nhạc nguồn gốc Latin có hồn vía bản địa, tính cách người dân nước Nam, hơi thở thời cuộc, nỗi u sầu trong tiềm thức những cư dân khẩn hoang mở cõi về phương Nam, mang vẻ đẹp sâu lắng của một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và đa sắc.

Bolero 002

Dòng nhạc trữ tình Bolero từng được chơi một cách đầy học thuật, với những nhạc công chính là những nhạc sĩ tài năng, kỹ thuật thu âm analog khắt khe theo sát công nghệ thu âm thế giới, chính các đài phát thanh Pháp, Mỹ, Nhật vẫn thường phát những bản nhạc của Việt Nam. Ít ai biết rằng, gần nửa thế kỷ trước, nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ đã dàn dựng những nhạc kịch Bolero tại phòng trà Maxim với vũ đạo rực rỡ.
Nhiều nghệ sĩ hiện nay chọn tiếp bước tiền nhân, kể tiếp câu chuyện tình, chuyện đời Bolero. Có người hát vì nó ra tiền, vì nhiều người thích, có kẻ hát bằng sự tri ân của thế hệ hiện sinh biết coi trọng giá trị văn hoa và ký ức. Đạo diễn Vũ Thành Vinh, người đứng đằng sau những chương trình truyền hình về Bolero thành công nhất hiện nay chia sẻ: “Chúng ta khi dàn dựng một tiết mục, một chương trình về Bolero thì phải làm giàu thêm, đẹp thêm cho ký ức đó, chứ không được làm dở, làm xấu. Khi thực hiện những chương trình về dòng nhạc này, bạn đang động chạm đến tình yêu và tiếng lòng của nhiều người dân yêu nhạc khắp ba miền”.

Không nên tranh cãi về sang – sến

Nên xóa mờ ranh giới quan niệm sang và sến vốn gây tranh cãi lâu nay. Chính chúng ta, những khán giả đã phán xét Bolero và các tác giả Bolero, trong khi bản thân đang thụ hưởng tâm huyết, mồ hôi, nước mắt của tiền nhân. Nếu âm nhạc được vang lên với thái độ trân trọng, hết lòng, đầu tư nghiêm túc thì chỉ còn vẻ đẹp của tác phẩm. Và cái nhìn trân trọng hơn với di sản nghệ thuật, với những nghệ sĩ, nhạc sĩ dòng nhạc Bolero, nhạc xưa mà trong đó không ít người đã ra thiên cổ. Không có sang hay sến trong nghệ thuật, chỉ có nghệ thuật đẹp hay không đẹp, thuyết phục hay không thuyết phục.

Bolero-006

Bolero như một tên gọi ước lệ về thời kỳ âm nhạc giai đoạn 1954–1975. Do đó, ngoài tiết tấu Bolero là màu sắc chủ đạo, các chương trình treo biển Bolero vẫn tôn vinh các tác phẩm có tiết tấu khác như Slow, Boston, Valse, Tango… Bởi lẽ, di sản âm nhạc mà chúng ta quen gọi là nhạc xưa phong phú hơn thế, chính cách chúng ta gọi tên theo kiểu khẩu ngữ thói quen như nhạc vàng, nhạc sến, nhạc sang đã vô tình gây ra những tranh cãi không đáng có. Bởi lẽ, các tượng đài dòng nhạc này như Anh Bằng, Trúc Phương, Lam Phương, Thanh Sơn, Lê Dinh, Châu Kỳ… cũng sáng tác nhiều nhạc phẩm ở nhiều tiết điệu khác nhau.

Bạn có nhận thấy đời sống đang gấp gáp và khô cằn trong trái tim mỗi người hơn không? Vì vậy, những bản nhạc sâu lắng, đánh đúng vào tâm tình của con người Việt Nam sẽ là nguồn ủi an đáng quý, như sự sẻ chia, nhắc nhở nhau về cái đẹp và sự lương thiện luôn là vốn quý của người Việt. Bolero không lên gân, không hô hào, nó cứ nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người bao thế hệ là thế. Tin tôi đi, chúng ta đã dựng những vở kịch âm nhạc Bolero và rất có thể nay mai, bạn sẽ được xem musical với phong cách âm nhạc Bolero là chủ đạo. Đó là điều mà chúng ta có thể mang ra sân chơi toàn cầu. Vì thế giới đã phẳng từ lâu rồi.

Chúng ta đã dựng những vở kịch âm nhạc bolero và rất có thể nay mai, bạn sẽ được xem musical với phong cách âm nhạc bolero là chủ đạo

Bài: Nguyễn Hậu
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua