Không chỉ nổi tiếng quang cảnh tuyệt đẹp, thiên nhiên đa dạng, phong phú, những quốc gia dưới đây còn đi đầu trong việc bảo vệ môi trường. Nếu có du lịch tại những đất nước này, ngoài việc thưởng thức ẩm thực, thiên nhiên xinh đẹp, bạn có thể hoà mình vào nhịp sống của họ, học hỏi lối sống xanh của họ để góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường tại quê nhà.
Học cách “sống xanh” như Iceland
Iceland sử dụng địa nhiệt tự nhiên và thuỷ nhiệt để giữ ấm cho nhà cửa và đường phố. Tại Iceland, người dân không cần dùng đến bình nóng lạnh hay lò sưởi. Bởi nơi đây được sưởi ấm bằng các đường ống nước nóng. Chúng chạy từ các mạch nước nóng phun tự nhiên và các suối nước nóng trực tiếp sử dụng trong các tòa nhà. Iceland cũng chỉ sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo, không dùng năng lượng hoá thạch. Hệ thống đường ống nước nóng ở Iceland được xem là hình mẫu lý tưởng để các nước khác áp dụng và học cách “sống xanh” hơn.
Ngoài ra, trong nông nghiệp, họ không sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu cho rau và trái cây. Đây cũng là lý do vì sao người dân có tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất thế giới.
Thuỵ Sĩ
Vào tháng 9/2016, Thuỵ Sĩ đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên bỏ phiếu cho việc áp dụng nền kinh tế xanh. Theo đó, Thuỵ Sĩ đặt mục tiêu đạt được 100% năng lượng tái tạo, bảo vệ và lưu trữ 50% đất và đại dương. Đồng thời chuyển đổi sang nền nông nghiệp thải ra ít carbon và có thể cải tạo.
Một yếu tố khác giúp Thuỵ Sĩ trở thành quốc gia thân thiện với môi trường là hệ thống tái chế rác thải hàng đầu thế giới. Với khả năng tái chế lên đến hơn 50%. Phân loại rác thải là một trong những biện pháp giúp việc tái chế dễ dàng hơn. Chính phủ còn khuyến khích các nhà bán lẻ hạn chế đóng gói không cần thiết, bán những sản phẩm trực tiếp từ kệ hàng. Đồng thời sử dụng túi mua sắm có thể dùng nhiều lần. Đất nước này còn thu thuế đối với rác thải hộ gia đình. Cách này sẽ khiến các hộ gia đình suy nghĩ kĩ hơn trước khi vứt bất cứ món đồ nào mà có thể tái sử dụng hoặc tái chế.
Đối với giao thông vận tải, người Thuỵ Sĩ ưa chuộng đi bằng tàu lửa hoặc các ứng dụng gọi xe công nghệ. Thay vì mỗi người di chuyển bằng phương tiện riêng. Nhờ đó mà lượng khí thải được cắt giảm đáng kể.
Costa Rica
Costa Rica được xem là hình mẫu bền vững lý tưởng để các nước có khí hậu cận nhiệt đới học cách “sống xanh” hơn. Chính phủ nước này đã đặt ra rất nhiều kế hoạch để cải thiện môi trường. Bao gồm đến năm 2035, dấu chân carbon sẽ ở mức 0; thay đổi hệ thống giao thông và mở rộng diện tích rừng. Theo đó, toàn bộ xe buýt và taxi sẽ chạy bằng điện trước năm 2050. Chính phủ còn cho xây dựng hệ thống tàu chạy bằng điện. Hệ thống này sẽ kết nối 15 khu phố với nhau tại thủ đô San Jose. Tiền thuế đánh vào năng lượng hoá thạch sẽ là nguồn quỹ để trồng cây gây rừng.
Mauritius
Khi đại văn hào Mark Twain ghé thăm Mauritius vào năm 1896, ông nói:
“Mauritius được tạo ra trước rồi mới đến thiên đường. Thiên đường nếu có cũng chỉ là bản sao của hòn đảo này.”
Với những bờ biển cát trắng trải dài, những loài chim độc đáo và hệ sinh thái biển đa dạng, Mauritius quả thực là thiên đường nhiệt đới. Không chỉ vậy, hòn đảo này còn là hình mẫu để các nước khác học cách “sống xanh” hơn. Ngày nay, chính phủ Mauritius đang thực hiện từng bước để đảm bảo hòn đảo này có được nền kinh tế xanh. Nhằm bảo tồn rừng, cuộc sống hoang dã và đại dương xung quanh.
Giống như Thuỵ Sĩ, Mauritius tăng cường việc tái chế. Chính phủ còn cho xây lò phân huỷ những chất thải độc thải và nguy hiểm. Thay vì đổ trực tiếp chúng ra biển. Mauritius còn trồng thêm 3 khu rừng với những loại cây đặc thù của địa phương. Diện tích mỗi khu lên đến 200 – 300 hecta. Ngoài ra, đất nước này còn nhắm đến việc áp dụng chính sách không sử dụng nhựa trước năm 2030.
Bên cạnh đó, hệ thống tàu điện mới sẽ được xây dựng. Hệ thống này sẽ có kiến trúc hạ tầng bền vững và sử dụng năng lượng sạch.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: Pebble Mag