Hoàng Su Phì ơi, một thoáng nhớ Đông Bắc

Tôi ngắm những tấm ảnh trong chuyến du khảo Đông Bắc vừa trải nghiệm vào đầu tháng Tư, Hoàng Su Phì là một vùng đất mang đến nhiều cảm giác dễ chịu

M ột cảm xúc man mác, bâng khuâng ùa về, những tấm ảnh đã gợi lên trong tôi nỗi nhớ về Hoàng Su Phì xa xôi mà gần gũi. Hoàng Su Phì, vùng đất của núi non điệp trùng mây giăng bao phủ, nơi có những ruộng bậc thang tuyệt đẹp, những mùa hoa nở rộ cùng phiên chợ thấm đẫm tình người qua những sắc màu trang phục độc đáo.

Hoang Su Phi shutterstock-484640095

Hoàng Su Phì mùa nước đổ

1. Tìm đến vùng đất có huyền thoại vàng

Tẩn mẩn ngắm những rặng núi xanh xanh kéo dài không chán mắt, tôi hỏi Kiên, người bạn đường kiêm hướng dẫn viên chuyến du lịch này: “Vì sao vùng này lại có tên Hoàng Su Phì?”. Mỉm cười, Kiên cho biết: “Theo truyền khẩu, đây là vùng đất chứa vàng của Then (ông Trời) để ban tặng cho con người”.

Kiên tiếp tục kể rằng con người là động vật thông minh, được Then thương yêu. Song con người cũng lóa mắt trước vàng nên đã tàn sát nhau. Quá giận dữ, Then đã hóa phép vàng trở thành những mảy bụi bay trong không gian, bám vào đất đá và trôi dài theo các dòng suối đổ ra sông Chảy ngày đêm không dứt.

Từ đó, nhân loại không còn sung sướng như xưa. Họ phải tận lực làm việc để kiếm cái ăn trong nỗi u buồn khi sống trong mảnh đất đầy vàng nhưng đói nghèo vẫn luôn rình rập. Do vậy, cái tên Hoàng Su Phì là một ký ức nhắc mọi dân tộc nhớ rằng: ngày nào con người hòa thuận yêu thương nhau, lúc đó vàng sẽ tự tụ lại để mọi người cùng chung hưởng niềm vui hòa bình và hạnh phúc.

Câu chuyện của Kiên đã giúp nhóm chúng tôi bớt nhọc mệt bởi hành trình vượt qua cung đường quanh co với con số khoảng 600 lần xe phải qua những “cua gắt” đã làm tất cả ê ẩm. Mọi người vẫn háo hức như trẻ thơ khi sắp được chiêm ngắm nét đẹp dung dị của các dân tộc ở vùng đất Đông Bắc đẹp như tranh cổ tích.

Dọc hành trình, chúng tôi ngó mông lung, tìm kiếm đình chùa hay đền, miễu, nhà thờ nhưng vẫn không thấy bóng dáng những di tích tâm linh đâu. Kiên giải thích thắc mắc này rằng các dân tộc vùng sơn cước có thờ tự tổ tiên, nhưng hiện nay, các nghi thức tâm linh này khá đơn giản. May ra, giờ đây, chỉ còn vài bản vẫn tồn tại các nghi lễ do thầy mo, thầy cúng. Và họ cũng chỉ thực hiện các nghi lễ này vào dịp lễ hội mừng cơm mới hoặc chữa bệnh và mai táng.

2. Lạc vào phiên chợ sắc màu

Hoang Su Phi shutterstock-519456841

Sáng hôm sau, cả nhóm đi chơi chợ phiên vào dịp cuối tuần trong không gian lành lạnh bởi cái rét nàng Bân. Giữa đất trời mù mù mây phủ, hình ảnh các cư dân trong những bộ trang phục dân tộc thật đẹp, độc đáo cùng gùi hàng, xách rọ, mang vác những sản vật do mình tự nuôi trồng như lợn cắp nách, dê ,thỏ, ngan ngỗng, gà vịt, rồi đến măng, thảo quả, miến dong, cùng các gia vị tìm hái trong rừng như mắc khén, hạt dổi, tam thất, ba kích… làm nhóm du khách mắt tròn mắt dẹt. Chúng tôi cũng lập tức tranh thủ săn những tấm ảnh đẹp, hiếm gặp này.

Tại khu trái cây, các gùi cam, khóm (thơm), nhót, táo mèo, trà cùng các loại lan rừng được bày biện đầy sắc màu rộn một góc chợ. Lời chào mời mua bán lao xao với những âm giọng lạ tai khiến chúng tôi không hiểu hết nhưng nụ cười hiền của bà con nơi đây đã làm cả nhóm cảm thấy hồn nhiên, lòng vui như trẻ thơ đi chợ Tết.

Có đi Hoàng Su Phì, bạn sẽ ngộ ra một điều: chợ phiên là dịp để vui chơi, mua sắm và cũng là nơi nam thanh nữ tú có cơ hội hẹn hò, mong tìm cho mình một ý trung nhân gầy duyên nợ. Vào ngày này, các cô gái thích vận bộ trang phục sặc sỡ nhất, họ đi thành nhóm nhỏ, tung tẩy bộ cánh và cười duyên khi ăn hàng, mua sắm, huyên thuyên chuyện trò và liếc mắt đi tìm người trong mộng.

Riêng các chàng trai thì đơn giản hơn, họ hay mặc quần áo có sắc đen, xanh thẫm hoặc xanh chàm. Quan sát tại chợ, chúng tôi thấy khá nhiều cư dân vùng cao sử dụng xe gắn máy. Họ vô tư quăng xe vào một góc nào đó, nhấm nháp món thắng cố tỏa vị thơm thơm của gừng, tợp ly rượu ngô trong vắt. Tôi không hiểu do rượu hay vì trời quá lạnh mà đôi má ai cũng ửng bồ quân.
Chơi chợ phiên, chúng tôi cũng lưu cho mình vài món quà lưu niệm như nón lá truyền thống của người Tày và các gói gia vị dùng để ướp thịt nướng rất ngon, lạ miệng. Cả nhóm cũng thi nhau đóng gói các túi trà Shan tuyết để đem về Sài Gòn làm quà biếu.

Hoang Su Phi shutterstock-519421513

Người dân tộc đang hái chè

Kiên tư vấn: Trà vùng này thuộc hàng nổi tiếng nhất Việt Nam. Mùa xuân là dịp trà ra lá non và ngon nhất trong năm. Khi đã đến đây, mọi người hãy đem về những gói trà thơm, uống để nhớ mãi hương vị Shan tuyết trên đỉnh Tây Côn Lĩnh quanh năm mây trắng.

3. CẢM XÚC ĐỌNG LẠI

Vào tháng Sáu, du khách rủ nhau lên Hoàng Su Phì để săn ảnh mùa nước đổ; riêng tháng Chín, tháng Mười, cả khu ruộng bậc thang hùng vĩ này đượm một sắc vàng óng, hây hây mùa lúa chín thơm hương; còn khi thời tiết chuyển rét báo hiệu mùa đông và kéo dài cho đến hết tháng Ba, nơi đây rộn ràng vui đón hoa tam giác mạch, hoa đào, hoa lê, hoa mận thi nhau nở rộ. Chúng làm lưu luyến mọi trái tim khi chạm ngõ khung cảnh thần tiên của núi rừng rực rỡ muôn sắc hoa tươi nở.

Hoang Su Phi shutterstock-518262166

Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín

Có thể nói, Hoàng Su Phì có quá nhiều tiềm năng về du lịch bởi vùng đất này là chốn tụ họp của 22 dân tộc chung sống. Những nét văn hóa đầy sắc màu cho đến tài nguyên rừng trù phú cùng các di sản ruộng bậc thang, đỉnh Chiêu Lầu Thi hay khí hậu đã làm say lòng mọi du khách. Song cho đến nay, có thể Hoàng Su Phì vẫn chưa phát huy hết tiềm năng du lịch có sẵn.

Hoang Su Phi shutterstock-400510063

Trẻ em ở Hoàng Su Phì

Nguyên nhân có lẽ do việc giao thông chưa thuận tiện, kế hoạch quảng bá cho Hà Giang là điểm đến hấp dẫn vẫn chưa được chú trọng. Đặc biệt, các sản vật quý của vùng đất này vẫn chưa được bảo tồn, khai thác và phát triển xứng tầm vóc để giúp cho cư dân Đông Bắc có cơ hội đổi đời từ nguồn kinh tế du lịch xanh. Chia tay vùng đất giai thoại qua câu chuyện Vàng và máu của nhà văn Thế Lữ, tôi ước mơ sẽ quay trở lại đây thật sớm, sẽ tham dự những lễ hội Lồng Tồng, lễ mừng cơm mới và khoác vào mình những bộ trang phục đẹp tuyệt vời của các dân tộc để làm duyên. Ngửa mặt nhìn những ngọn trà Shan xanh xanh, rung rinh như cánh tay chào tạm biệt. Chợt nhớ lắm mùi ngọc am tỏa hương trong căn phòng ngủ, nhớ vị nồng say của chén rượu thóc nàng Đôn đối ẩm với món gỏi dê ngon ngọt mát lành. Nhớ món bánh Dằng thơm thơm, tỏa hơi ấm cùng nụ cười xinh của cô bán hàng e lệ trong bộ trang phục H’Mông đầy quyến rũ. Và tôi nhớ cả đôi mắt to tròn của em bé ngơ ngác nhìn cả khu chợ phiên rộn ràng sau lưng mẹ rồi bình thản ngủ say.
Hoàng Su Phì ơi! Lòng nhớ vùng đất vàng này rất nhiều cho dù không có ai ở đây mong chờ tôi cả.

Thông tin thêm
♠ Tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), vé xe khách đi Hoàng Su Phì là 260.000–300.000 đồng/người.
♠ Nếu đi bằng xe máy thì có thể di chuyển theo cung đường Hà Nội – Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì.
♠ Bạn nên mang theo quần áo, kẹo bánh để cho trẻ em ở Hoàng Su Phì. Bạn cũng không nên thể hiện sự quá tò mò khi thấy người dân tộc ở đây.

BÀI: DƯƠNG THỦY

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua