Hà Nội ô nhiễm không khí nhất toàn cầu
Hà Nội đã nhiều ngày liên tiếp duy trì mức độ ô nhiễm không khí ở thang màu tím – mức nguy hại cho sức khoẻ con người. Sáng ngày 13/12, ứng dụng Air Visual cập nhật chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu – cực kỳ nguy hại. Đây là mức cao nhất trong bậc thang ô nhiễm không khí. Mức này còn khủng khiếp hơn 4 đợt ô nhiễm từng xảy ra ở Hà Nội trong năm 2019.
Với AQI = 333, Hà Nội đã vượt qua Dhaka – Bangladesh và Sarajevo, Bosnia Herzegovina, trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu. Phải tới gần 7h30 sáng, chỉ số này mới hạ xuống 290 – màu tím. Nhưng Hà Nội vẫn đứng thứ 2 trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, sau Dhaka.
Ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5. Trong số các đô thị, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại Hà Nội cao nhất. Thời điểm hàm lượng PM2.5 cao vẫn là từ đêm đến đầu giờ sáng, đạt cực đại lúc 5-6h sáng. PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Do đó, những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém. Đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng.
Không khí Hà Nội chuyển biến xấu từ ngày 8/12, sau đó mức độ ô nhiễm liên tục tăng theo từng ngày. Có thể thấy không khí Hà Nội trong năm nay ô nhiễm liên tục, kéo dài chứ không còn theo đợt nữa.
Không chỉ có Hà Nội ô nhiễm
Không chỉ Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều tỉnh miền Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình đều ô nhiễm, xấp xỉ ngưỡng tím vào lúc sáng sớm. Tổng cục Môi trường cho rằng, Hà Nội và các vùng khác của miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa. Nên ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất năm.
Chỉ số AQI tại TP. HCM vào buổi đêm rạng sáng cũng ở mức màu đỏ – 166. Đây cũng là mức ô nhiễm khá cao và có hại cho sức khoẻ. Hơn 7h, khi mặt trời bắt đầu lên cao, xua tan mây mù, chất lượng không khí mới có phần cải thiện. Mức không khí ở TP. HCM chuyển về AQI nhóm màu cam – không tốt cho nhóm người nhạy cảm.
Mặc dù tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, người dân vẫn chưa thấy những biện pháp giảm ô nhiễm như các nước khác. Cách duy nhất có thể làm hiện tại là chấp nhận “sống chung với lũ”. Người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời. Nếu có việc cần phải đi lại, cần đeo khẩu trang đạt chuẩn. Người già, trẻ em, đặc biệt là người bệnh nên ở trong nhà để bảo vệ sức khoẻ.
Tiếp Thị Gia Đình