Góc khuất đến từ mạng xã hội mà không phải ai cũng nhìn thấy

Mạng xã hội không xấu, xấu hay không là do người dùng. Bên cạnh rất nhiều lợi ích vượt trội, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Nổi bật nhất là văn hóa ứng xử kém văn minh!

mạng xã hội

Ảnh: Shutterstock

Trung tuần tháng Mười, dải đất miền Trung nắng gió trải qua cơn đại hồng thủy lịch sử; phải oằn mình chống đỡ những cơn mưa lũ triền miên. Trong thời điểm cả nước hướng về khúc ruột miền Trung đó; người ta càng nhận thấy tầm quan trọng của mạng xã hội.

Tuy nhiên, trên các trang Facebook hay Instagram của cá nhân hay các group hội nhóm; bên cạnh những lời kêu gọi ủng hộ người dân vùng lũ, những chuyến đi của đoàn cứu trợ mang nhu yếu phẩm đến với đồng bào… vẫn còn đó không ít lời bình luận tiêu cực; không mang tính xây dựng mà chỉ nhằm mỉa mai, đả kích người khác. Đó chính là hai mặt tốt – xấu của mạng xã hội được đề cập trong bài viết này.

Hình ảnh đẹp thắp sáng lòng nhân

Ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành, vợ chồng diễn viên Lương Thế Thành – Thúy Diễm… công khai số tiền quyên góp được cho người dân vùng lũ chỉ sau vài ngày kêu gọi trên trang cá nhân. Bất cứ ai đang có cái nhìn không mấy thiện cảm về mạng xã hội cũng phải thay đổi quan niệm của mình.

Họ thừa nhận, nếu không có sự trợ giúp đắc lực của Facebook và Instagram; các nghệ sĩ của chúng ta dù có lòng đến đâu cũng khó có được số tiền ủng hộ lớn đến thế. Ngược lại, những người dân muốn đóng góp cứu trợ một cách nhanh chóng, không gì hiệu quả hơn là lên mạng xã hội. Ta tìm được nguồn quyên góp uy tín để thể hiện tấm lòng với bà con đang gánh chịu thiên tai.

Nhưng mạng xã hội không chỉ có thế! Ở thời đại mà khi bắt đầu một ngày mới, việc đầu tiên của đại đa số người trẻ là lướt Facebook cập nhật thông tin; thì rất nhiều người cảm thấy “phấn khởi, vui lây” khi sáng ra đã đọc được những tin tức tốt lành.

Đó là hàng loạt chia sẻ trên trang cá nhân bày tỏ niềm vui khi chứng kiến sự hồi sinh thần kỳ của cặp chị em Trúc Nhi – Diệu Nhi sau khi được mổ tách; là lời kêu gọi khẩn thiết của cư dân mạng mong cứu giúp một em bé vừa bị mẹ bỏ rơi; là clip ghi lại khoảnh khắc đầu đội chiếc nón lá cũ mèm, quần xắn cao, tay khệ nệ mang những phần quà cứu trợ trao tận tay cho người dân vùng lũ của Thủy Tiên, Thúy Diễm, Thái Thùy Linh… Những hình ảnh ấy lan truyền nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của công cụ mang tên mạng xã hội. Người này chia sẻ hình ảnh lượm lặt được từ người kia. Chẳng mấy chốc cả cộng đồng mạng tràn ngập những hình ảnh đẹp.

Cư dân mạng không phải nhà báo. Những lời chia sẻ của họ cũng không hoa mĩ văn vẻ. Nhưng chính sự chân thật, mộc mạc trong từng câu chữ, tấm ảnh đã đánh động tâm thức của rất nhiều người. Để rồi khi ai đó vô tình bắt gặp một thông điệp nhân văn, cũng cảm thấy “Mình cần làm một điều gì đó”. Thế là ngay lập tức, các nhà hảo tâm giúp sức để tạo điều kiện sống tốt nhất cho em bé bị bỏ rơi; số tiền trong quỹ ủng hộ miền Trung cứ thế nhiều lên, và những người muốn trực tiếp ra Huế, Quảng Bình… cứu trợ ngày một đông đảo.

Thậm chí, nếu không có điều kiện góp của, chỉ một bình luận, một động tác “Like” và “Share” cũng giúp lan tỏa thông điệp nhân văn ấy đến với nhiều người.

Những “con sâu” làm rầu nồi canh

Tiếc thay, bất cứ công cụ nào cũng tồn tại mặt trái, và mạng xã hội không ngoại lệ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta dùng cụm từ “anh hùng bàn phím” để nói về những Facebooker chuyên lên mạng xã hội bình phẩm, chê bai, thậm chí moi móc đời tư người khác.

Hẳn nhiều người không quên status khá dài của một nữ MC chỉ để nói về… bộ trang phục của ca sĩ Thủy Tiên khi đi từ thiện. Thay vì bày tỏ lòng cảm phục với “cô Tiên giữa đời thường”; nữ MC kia lại chỉ trích việc mặc đồ hiệu sang trọng; rồi mỉa mai rằng “Giờ đi từ thiện là phải đẹp, phải xài đồ xịn thì mới quyên được nhiều tiền”.

Thêm nữa, nhiều người còn rảnh rỗi đến mức đề nghị Đại Nghĩa, Trấn Thành… giải trình chi tiết số tiền vận động quyên góp khiến các nghệ sĩ này bức xúc kêu lên: “Vậy có lẽ tôi không làm nữa đâu”. Hay gần nhất là hình ảnh hoa hậu H’Hen Niê khóc ấm ức vì bị chế giễu: “Hoa hậu nổi tiếng gì mà làm từ thiện có 50 triệu đồng”.

Nghiêm trọng hơn, đời tư của rất nhiều nghệ sĩ cũng bị lôi ra làm đề tài cho thiên hạ tha hồ vào “đoán”. Nào là “Nghe đồn vợ chồng ca sĩ A ly hôn rồi đấy!”; “Lộ nhan sắc thật chưa qua chỉnh sửa của dàn hot girl Việt”… Còn có những “tin giật gân” kiểu như: “Danh hài D qua đời” khiến người trong cuộc cũng tá hỏa vì đọc tin mới biết mình đã… tạ thế.

Tất nhiên, những bình phẩm chẳng mấy tốt đẹp đó đã bị số đông lên án. Không biết chủ nhân của chúng có nhận ra mình đang sai không; hay họ thấy ý kiến của mình chẳng ảnh hưởng đến ai nên vẫn tiếp tục cho bản thân quyền được lên tiếng. Khi nghĩ như vậy, họ không lường trước được rằng, mình đã gián tiếp gây ra hậu quả không hề nhỏ đến các cá nhân có liên quan.

Ai không chạnh lòng khi ý tốt quyên tiền từ thiện của mình lại bị nghi ngờ về tính minh bạch? Ai muốn xông pha ra vùng lũ cứu trợ nữa nếu bị nói “Đi từ thiện như đi tiệc” hay “Cô/Anh này diễn sâu!”.

Trước đây, nhiều người thắc mắc khi được cảnh báo: “Muốn bước chân vào thế giới mạng xã hội, phải luyện được thần kinh thép”. Điều này không sai, nhất là khi hiện tại, số “anh hùng bàn phím” đang ngày một nhiều; đe dọa tra tấn tinh thần những ai có thần kinh không vững.

Showbiz xứ Hàn là một ví dụ về sự khắc nghiệt của mạng xã hội. Hầu như năm nào cũng chứng kiến một vài ca tự tử của nghệ sĩ. Nguyên nhân là họ không thể chịu nổi áp lực dư luận. Ở Việt Nam, một nữ diễn viên từng rơi vào trạng thái trầm cảm khi bị “cả thiên hạ” nhảy vào chê bai thân hình phát tướng sau sinh; còn một nam ca sĩ có tiếng phải lui về ở ẩn một thời gian khi nghe được quá nhiều lời đồn không hay về giới tính của mình.

Vậy, có nên tiếp tục dùng mạng xã hội nữa không?

Nên chứ! Lúc mới ra đời, mạng xã hội mang theo một sứ mệnh đẹp: “Là phẳng” thế giới, kết nối mọi người, truyền tải thông điệp nhân văn. Tiếc rằng theo thời gian, sứ mệnh này đã bị những “con sâu” vô ý thức phá hỏng. Để rồi giờ đây, bên cạnh những giá trị tốt đẹp, mạng xã hội còn chứng kiến khá nhiều câu chuyện không hay.

Là người dùng mạng xã hội hàng ngày, chúng ta cần tỉnh táo và có nhận thức đúng đắn. Những thông tin ngập tràn trong Newsfeed tưởng chừng như ảo ấy lại có thể gây ra rất nhiều tác hại thực; và tác động xấu tới đời sống của từng người và cả cộng đồng. Song song đó, chúng ta cũng cần cẩn trọng và có trách nhiệm với những chia sẻ; bày tỏ ý kiến cá nhân. Theo luật mới, những phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc, vu khống có thể bị khởi kiện.

Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua