Tiếp theo phần 1, chúng tôi mang đến cho độc giả góc nhìn về tục Giỗ Tổ sân khấu:
– Tại sao cúng Tổ ngày 11, 12 âm lịch tháng 8?
Tháng 8 tiết trung thu, vua chúa cũng chơi trung thu. (Trung Thu là tiết cúng trăng, sau lễ trùng bát 8-8 âm lịch trở đi đến rằm; người dân cúng tế nhiều, các nhà địa lý nhìn Trăng Trung Thu để xem vận hạn đất nước, mùa màng). Đêm rằm 15/8 vua chúa coi hát coi tạp kỹ nhiều nên các đoàn nô nức kéo nhau về kinh đô. Họ diễn cho vua xem, cho quan lại xem, cho dân thường xem…
Có diễn sẽ có sự cầu xin bình an và thành công nên họ lập bàn để cúng tế. Cúng ai? Cúng các vị hộ độ cho đoàn hát, đoàn diễn của họ. Nói Tổ là Tổ chung chung nhưng đều có nghĩa Tổ là Thánh Nhân từng là người sống – khác hẳn Trung Quốc. Thời gian trôi qua nên có tam sao thất bổn về các tích của Tổ Sân khấu.
– Tổ sân khấu của người Việt có nhiều tuồng tích, trong đó có hai tuồng được phổ biến rộng rãi nhất
Tích Tổ là ông ăn mày không danh không phận là phổ biến nhất. Sau này nghệ sỹ cũng tự coi mình như kẻ ăn mày lòng thương của khán giả là vì thế. Nghệ sỹ cũng kiêng cho tiền người ăn xin, nếu muốn cho họ đưa tiền nhờ người khác cho hộ. Còn tổ cải lương/sân khấu của miền Nam, được lưu truyền là hai vị thái tử.
Đại ý: Ngày đó cung vua có hát, hai vị thái tử bị bệnh không được đi nên đêm lén trốn đi coi hát. Lúc diễn xảy ra cháy, họ bị dẫm chết! Vua than khóc, mang về làm lễ táng, thờ ở cung. Ngài cấm ca hát. Nhưng sau tang chế, có ca hát lại, người trong một đoàn hát thấy có 2 bé trai áo đỏ và áo xanh dương như gấm bào đứng coi hát. Tả ra thì đó chính là hai thái tử. Vua nghe tin làm tước sắc cho là Thần bảo hộ nghiệp hát. Dân gian cúng bái và thành Tổ hiển linh.
Từ đó, cải lương có cái tích ôm đứa nhỏ trong tấm vải đỏ, đóng vai con nít ẵm bồng
Quấn trong vải đỏ chính là cái khúc cây tạc tượng thái tử. Nếu xem các tuồng xưa sẽ thấy ẵm trong đó đều là khúc cây quấn vải đỏ. Còn một điều nữa, dân sân khấu rất kị quả Thị, cúng thị là khỏi diễn. (tự hiểu he). Cải lương có cái Song Loan; là nhịp phách quan trọng chủ đạo quyết định của cái lương xưa. Nếu đã xem bộ phim Song Lang gần đây; hẳn bạn sẽ để ý nó là nhạc cụ gõ nhịp trên tay chàng trai Liên Bỉnh Phát.
– Giỗ Tổ sân khấu người Việt là tín ngưỡng dân gian lâu năm
Những câu nói kiểu ai hát đầu tiên mới là Tổ thì nên bỏ đi. Vậy ai hát? Và họ thờ là thờ ai? Đơn giản là vị thủ hộ phù trợ cho nghề hát, không có trước không có sau, chỉ có đại nghiệp và đam mê, trách nhiệm và thiện nghiệp. Chuyện tâm linh không có cái đối chứng. Vua chúa sắc chỉ gia phong cũng dựa vào dân gian lưu truyền và các quốc sư hiến bày. Do vậy chỉ có phong kiến mới có phong thần phong thánh, vì họ có cái quyền sắc phong đó.
– Nghề hát có trước. Tổ các đời có sau
Tổ đầu tiên không ai biết. Có nói cũng không đối chứng. Nhưng xác định không dính tới Trung Quốc. Tổ nghề rèn, Tổ nghề may, Tổ nghề mộc, Tổ nghề xây… Rõ ràng nhất liên quan và cụ thể là nghề rèn. Nghề rèn bên Trung Quốc thờ tổ chủ yếu là lửa Nam Du Huê Quang, Thái Thượng Lão Quân, Chúc Dung, Táo Hỏa… vì rèn thì nhờ lửa. Nhưng ở Quán Trấn Vũ ở Hà Nội, đền phía Bắc của Thăng Long Tứ Trấn có thờ tổ nghề rèn đồng. Vì làng chỗ quán Trấn Vũ là làng nghề đồng nổi tiếng lại rất tốt.
– Tóm lại, cái Đạo thì cao hơn Tín ngưỡng
Thế nên mới có câu làm gì cũng phải có đạo. Nghề nào cũng có Tổ, không phải vì sự u mê mà vì họ thiêng liêng hóa công việc mình đang làm. Nghệ sỹ tin có Tổ Sân Khấu thì sân khấu sẽ thành Thánh Đường.
Đả kích tín ngưỡng hay Đạo là thái độ không hay. Tín ngưỡng tâm linh thường tốt đẹp, chỉ có con người làm cho điều đó xấu đi. Trước khi chỉ trích lẫn nhau, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt và luôn nhớ sự chia rẽ chỉ làm người Việt yếu đi chứ không mạnh hơn.
Bài: NGUYỄN HẬU
Tiếp Thị Gia Đình