Food stylist Meo Thùy Dương: Muốn tiến xa phải có kỹ năng chuyên môn lẫn bán hàng

“Ở level tư vấn concept cho khách hàng, food stylist không chỉ đơn thuần là nghĩ ra ý tưởng, mà còn phải biết làm sao bán được ý tưởng đó”

Food stylist Meo Thùy Dương

Food stylist Meo Thùy Dương

Một chiều tháng 5, tôi hẹn gặp Meo Thùy Dương ngay tại studio của cô ở quận 2 (Tp. HCM). Với cá nhân tôi, được phỏng vấn nhân vật với chủ đề xoay quanh chuyện nghề diễn ra ngay chính nơi làm việc của họ, quả thật rất tuyệt vời. Tôi đã vô cùng hào hứng khi tận mắt nhìn thấy gian bếp xinh xắn mà cô dành nhiều thời gian, công sức lẫn tâm huyết cho công việc food stylist và food blogger.

Không cạnh tranh với các bạn trẻ

Vài năm gần đây tại Việt Nam, food stylist phát triển khá nhanh. Mức độ cạnh tranh của nghề này như thế nào?

Ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh, đặc biệt nhóm ngành liên quan tới sáng tạo thì càng gay gắt hơn. Nhân tố mới luôn xuất hiện. Các bạn trẻ ở thế hệ gen Z rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận thông tin và học hỏi. Thao tác với máy móc hiện đại, xử lý các thông số kỹ thuật trong thiết bị cũng là ưu điểm của các bạn trẻ.

Food stylist Meo Thùy Dương đối diện với sự cạnh tranh thế nào?

Trước tiên mình phải chấp nhận việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Sự cạnh tranh vẫn có mặt tích cực của nó, cho bản thân mỗi food stylist và cho cả khách hàng. Cá nhân tôi không đặt nặng áp lực cho việc này.

Thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu, tôi đã chủ động chọn hướng đi riêng cho mình. Đó là editorial food stylist. Khi đã xác định con đường và ở trong trạng thái không có quá nhiều lựa chọn, mình buộc phải dồn hết tâm sức, tập trung hoàn thiện và phát triển. Như vậy mới mong gặt hái thành công cao trong sự nghiệp.

Thứ hai, vì đã làm nghề khá lâu, tôi tự tin bản thân có nhiều kinh nghiệm. Đối với tôi, food stylist không đơn thuần là sắp xếp đồ ăn trên đĩa, mà nó còn là hệ thống tư duy về ẩm thực và nghệ thuật. Nó phải có sự tương tác và kết nối với nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Tôi không cạnh tranh với các bạn trẻ. Hiện tại tôi không còn nhận nhiều dự án. Thay vào đó, tôi đang tập trung đào sâu nghiên cứu, hệ thống kiến thức và kinh nghiệm làm nghề. Tôi có dự định sẽ giảng dạy. Đó sẽ là con đường phù hợp với tôi thời gian tới.

Cột mốc nào sẽ đánh dấu công việc giảng dạy của Food stylist Meo Thùy Dương?

Thực ra với kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi tự tin mình có thể giảng dạy. Tuy nhiên, phần giáo án vẫn chưa hoàn thiện và đủ nền tảng bao quát. Tôi là người kỹ tính. Tôi sẽ không đứng lớp và chỉ bạn những công thức học thuộc lòng, những cách xếp bố cục rập khuôn. Tôi xuất thân từ một graphic designer. Góc nhìn của tôi không phải từ phía đầu bếp nấu món ăn. Tôi muốn truyền đạt cách suy nghĩ, tư duy với món ăn.

Vậy là thời gian này bạn dồn tâm sức để nghiên cứu giáo án?

Đúng vậy. Để có được một giáo án ưng ý, tôi cần phải đầu tư thêm nhiều thời gian hơn nữa. Food stylist có 2 level. Ở trình độ cơ bản, bạn sẽ phải làm việc với các menu nhà hàng, quán cà phê. Sau đó, ở trình độ cao hơn, bạn sẽ bắt đầu công việc tư vấn concept trong vai trò art director hoặc creative director. Lúc này công việc của bạn không phải trực tiếp chỉnh sửa từng lá rau, cọng ngò.

Đa năng nhưng không ôm đồm tất cả

Nghề food styling cần làm việc team work hay làm việc độc lập?

Để thực hiện một sản phẩm hình ảnh mang tính thương mại, buộc phải có một ê-kíp với nhiều khâu, bộ phận khác nhau. Làm việc team work là yếu tố tiên quyết để theo nghề này. Nếu như không có ê-kíp hùng hậu, thì bản thân mình cũng phải đa năng, đa nhiệm nhưng không phải là ôm đồm tất cả.

Tôi đã từng làm một mình tất cả mọi thứ, từ chuẩn bị nấu nướng, bài trí cảnh, lắp đặt thiết bị, chụp hình rồi hậu kỳ. Tất nhiên một mình bạn vẫn có thể làm được mọi thứ với những dự án cá nhân, dự án đơn giản. Tuy nhiên, có một team vẫn là tốt nhất. Khi đó, bạn chỉ phải tập trung tối đa cho phần việc của mình.

Food stylist có gặp khó khăn trong việc truyền tải ý tưởng cho cả team không?

Ý tưởng nằm trong đầu một người. Làm sao để “truyền” trọn vẹn nhất sang những cái đầu khác đôi khi là một vấn đề. Cho nên, việc giao tiếp trong team rất quan trọng.
Food stylist không phải là người duy nhất được đưa ra ý tưởng chủ chốt và bắt cả ê-kíp phải theo. Mọi người trong team vẫn có thể, thậm chí là nên đưa ra ý kiến để hoàn thiện. Tuy nhiên, nó phải đi đúng hướng, đúng concept đã đề ra để giúp công việc hoàn thành dễ dàng, trơn tru hơn.

Vậy còn việc trình bày, truyền tải ý tưởng cho khách hàng thì sao?

Không phải khách hàng nào cũng hiểu về nhiếp ảnh, bố cục, ánh sáng… Thậm chí có những trường hợp còn không biết gì về ẩm thực.

Ở level tư vấn concept, food stylist không chỉ đơn thuần là nghĩ ra ý tưởng, mà còn phải biết làm sao bán được ý tưởng đó. Đôi lúc trong giai đoạn mọi thứ còn khá thô sơ, mình cần có cách nói làm sao thuyết phục được khách hàng chịu mua ý tưởng đó. Thế cho nên, food stylist phải có kỹ năng chuyên môn lẫn bán hàng.

Theo Food stylist Meo Thùy Dương, sự sáng tạo của food stylist đến từ đâu?

Sự sáng tạo đến từ 2 phía. Thứ nhất là yếu tố bên trong con người. Đó là các giác quan, cảm xúc khi ta tương tác với bất kỳ sự vật hay sự kiện nào trong cuộc sống. Thứ hai là yếu tố bên ngoài. Đó là gu của người tiêu dùng, mong muốn của khách hàng, nhu cầu của thị trường, xu hướng của xã hội…

Nếu không cân bằng hai yếu tố này, sản phẩm làm ra khó được thị trường chấp nhận. Đồng thời food stylist cũng không để lại được dấu ấn thương hiệu cá nhân.

Cảm ơn Food stylist Meo Thùy Dương đã chia sẻ. Chúc bạn ngày càng thành công trên con đường phía trước.

Thông tin thêm:

Sau 6 năm gắn bó với nghề, Meo Thùy Dương cho biết người làm food stylist ngoài thật sự chịu khó, tỉ mỉ trong từng nguyên liệu làm nên món ăn, cần kể được câu chuyện, thông điệp ẩn giấu đằng sau.

Meo Thùy Dương thường xuyên chia sẻ công việc, dự án cá nhân và blog cá nhân tại www.meothuyduong.com.

Bài: Alex Võ
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua