Đừng xuống tinh thần sau mỗi lần họp hành với sếp

Không một ai là hoàn hảo. Việc hôm nay bị “ăn chửi” từ sếp cũng không phải là tận thế

Đừng đem tâm trạng ủ dột từ phòng họp đến bàn làm việc. Ảnh: Shutterstock

Sáng đầu tuần, cả team cùng họp với sếp lớn. Bầu không khí căng thẳng. Những vấn đề tồn đọng được đưa ra. Những sai phạm bị chỉ trích. Thực tế không mấy vui vẻ. Nhiều người xuống tinh thần, tâm trạng lửng lơ sau họp hành với sếp. Đừng để tuần mới của bạn bắt đầu như thế!

Bạn có thể làm tốt hơn thế!

Hãy thành thật với bản thân rằng bạn đã làm tốt chưa? Thời gian cách ly toàn xã hội vừa qua, bạn có thực sự làm việc ở nhà một cách nghiêm túc? Bạn hoàn thành công việc cho đúng deadline, hay làm bằng niềm vui thích?… Dù câu trả lời có thế nào, dù lý do này nọ biện minh, thì người duy nhất có thể quyết định thay đổi, đó là bạn. Bạn hoàn toàn có thể làm tốt hơn ngày hôm qua, chỉ cần bạn muốn làm và nỗ lực để làm. Vội vàng, qua loa không đem lại kết quả tốt. Thậm chí, nó có thể biến mọi nỗ lực của bạn thành tro bụi.

Bạn có thể vượt qua cảm xúc tiêu cực nhanh mà!

Chẳng ai vui khi nhận lấy những chỉ trích. Nhưng nỗi buồn đó có thể sinh ra tiêu cực. Tiêu cực rất độc hại cho nội tâm con người. Nó có thể vô tình khiến ta buông một lời xúc phạm khiến ai đó bị tổn thương. Hoặc nặng nề hơn là những hành động quá khích, gây nguy hiểm cho nhiều người xung quanh… Quá sức tệ hại. Vậy hãy triệt tiêu nó. Cho phép mình buồn chút thôi, rồi nhanh chóng quên đi. Một ngày dài đang chờ bạn. Một tuần mới đang đến. Cớ gì phải buồn so rồi thêm âu lo!

Sẽ không bao giờ là đủ

Bạn có chắc là mình hạnh phúc với những gì ở hiện tại. Bạn liệu rằng mình đã đủ đầy mọi thứ? Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống con người phát triển. Nhưng để đi cùng sự phát triển ấy, bạn phải nỗ lực không ngừng và không được phép hài lòng với những gì mình đang có. Hãy bổ sung kiến thức mỗi ngày. Khi có kiến thức, chúng sẽ khiến chúng ta thay đổi tư duy. Từ đó, ta sẽ sáng tạo thêm những cái mới, cách thức mới giải quyết công việc tốt hơn.

họp hành với sếp

Mọi thay đổi đều bắt đầu từ chính bạn. Ảnh: Shutterstock

Bạn không hề đơn độc đâu!

Buồn chuyện công việc, bạn thường tâm sự với ai? Người yêu, chồng/vợ, bạn thân, hay ba mẹ của bạn? Bất cứ ai, hãy nhắn cho họ một cái tin, gọi ngay một cuộc gọi vào giờ nghỉ trưa. Có thể họ chưa hoặc không cho bạn lời khuyên nào. Bạn cũng chưa hoặc không cần đến lời khuyên của họ. Ngay lúc này, điều bạn cần là được nói ra những cảm xúc buồn còn đeo mang. Nói hết rồi thì quên luôn ngay nhé!

Không bao giờ là quá trễ để thay đổi

Sau khi họp hành với sếp, công việc đang chờ bạn. Sếp muốn nhìn thấy sự thay đổi từ bạn. Chính vì vậy, bạn phải cố gắng. Đừng để bản thân cảm thấy mục tiêu là điều gì đó quá xa vời. Việc nghĩ rằng mình không thể làm gì hoặc không biết làm gì sẽ càng khiến bạn khó trở lại làm việc hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể làm việc một cách hiệu quả được. Chia mục tiêu lớn ra thành những bước nhỏ dễ thực hiện; liệt kê danh sách những điều cần làm ngay hôm nay và tuần này. Sau đó phân chia thời gian sao cho bạn có thể xử lý từng việc một mà không phải cảm thấy hối hả, gấp rút.

Khi họp hành với sếp, họ chỉ là muốn tốt cho bạn và cho công ty

Sếp là người có nhiều kinh nghiệm. Họ có cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau. Sau khi họp hành với sếp, những góp ý từ sếp chỉ nhằm 2 mục đích. Một là muốn bạn tốt hơn. Hai là muốn tình hình công ty cải thiện. Bạn đừng cố đổ lỗi do hoàn cảnh khách quan hay châm ngòi nổ cho những cuộc tranh cãi gay gắt hơn. Thay vào đó, hãy sẵn sàng gật đầu chịu trách nhiệm về mình và cố gắng sửa sai, cải thiện và thay đổi.

Không một ai là hoàn hảo. Hôm nay họp hành với sếp và bị “ăn chửi” cũng không phải là tận thế. Cố gắng duy trì thái độ tích cực, tập trung chuyên môn để làm tốt công việc của mình. Hít thở thật sâu và trở lại làm việc thật tốt nào. Mọi chuyện sẽ ổn nếu bạn thực sự muốn giải quyết.

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua