Để du lịch Yamanouchi, tôi nhảy tàu ba lần: Kyoto–Nagoya, Nagoya–Nagano, Nagano–Yudanaka Station để đến Yamanouchi. Thị trấn bé nhỏ phía Đông Bắc tỉnh Nagano–Honshu mới lạnh khủng khiếp làm sao, –14ºC, tôi muốn ngất xỉu dưới năm lớp áo len. Nikita, cô bạn ở vùng này, đã đón và khoác ngay lên người tôi cái áo lông ấm áp, tôi tỉnh người và giơ tay hứng bông tuyết bay mịt mù.
Gia đình Nikita thết đãi tôi thịnh soạn hết sức với mì soba làm bằng lúa kiều mạch đen do ba má Nikita trồng ngon tuyệt, thêm tôm, rau cải chiên giòn, nấm ngọt lịm. Món Jibu-ni vịt nấu cùng đủ thứ khoai thơm nồng nàn khiến tôi ăn một lúc ba bát lớn, rồi còn bánh oyaki đủ thứ nhân. Cả nhà Nikita thấy tôi ăn uống tưng bừng như vậy thích lắm. No nê, tôi đánh một giấc ngon lành trong phòng ngủ ấm áp, lò lửa sực nức hương gỗ thông. Sáng hôm sau thức dậy nhìn qua cửa sổ, ôi chao tuyết chất cao ngùn ngụt ngoài sân nhà.
Ba má với anh chị em của Nikita, 11 người, quyết tâm cùng đi với tôi lên công viên khỉ tuyết Jigokudani. Đã nghe nói về giống khỉ tuyết tồn tại duy nhất ở Nhật Bản, tôi chỉ muốn gặp chúng đầu tiên trước khi viếng các nơi khác khi du lịch Yamanouchi.
Chúng tôi đón xe buýt tại Shiga Kogen Sun Valley. Xe dừng lại ở trạm Kanbayashi Onsen, chúng tôi bắt đầu đi bộ. Đường đầy tuyết trơn trợt và dốc, may mà tôi được gia đình Nikita tặng đôi giày có đinh dưới đế, phía trong lót lông vừa ấm vừa bám tuyết chắc chắn để không bị ngã. Chúng tôi đi xuyên qua rừng cây cao vút cực kỳ đẹp, hùng vỹ và lãng mạn, cứ có cơn gió bay qua là tuyết từ các ngọn cây cao bay tứ tán hệt bông gòn.
Đường mòn ven núi nhỏ xíu. Từ đây, tôi có thể thấy rừng cây thoai thoải trải dài tít đáy vực sâu thật chóng mặt, cảm giác sờ sợ mà thinh thích. Sau 35 phút lội rừng ngập tuyết, tấm bảng “Công viên khỉ tuyết Jigokudani” cuối cùng hiện ra làm cả đoàn phấn khích. Lúc xuống trạm xe buýt, đã có rất nhiều bảng báo như vậy, song bây giờ Nikita nói đây mới là bảng cuối cùng.
Chưa vội mừng, chúng tôi còn leo thêm gần trăm bậc thang đá nhỏ xíu chỉ vừa vặn một người đi. Mở ra trước mắt chúng tôi là trên trảng đất trống phủ đầy tuyết trắng xóa có mấy đốm vàng vàng đang lấy tay lúi húi đào bới, bốc tuyết cho lên mồm nhai nhồm nhoàm. Nhìn cảnh ấy, tôi thích thú tới ngẩn người ra: Bầy khỉ tuyết! Chúng chẳng thèm đếm xỉa tới những du khách bàn tán um sùm về mình.
Qua một chiếc cầu nữa, chúng tôi thấy các dòng suối nước nóng phun tia cao gần hai mét đầy khói bốc lên. Có nhiều hồ nước nóng tự nhiên trong khu vực này, quanh hồ được kè đá làm ranh giới để khách không trèo xuống hồ. Trong hồ, rất nhiều khỉ đang ngâm mình hưởng thụ dòng nước nóng tỏa hơi nghi ngút. Chúng có lông dày màu vàng rộm. Mặt con nào con nấy đỏ hoe. Tôi chứng kiến hai con khỉ đuổi nhau vòng vòng mặt hồ, chúng có tài bơi lội hết sức siêu đẳng.
Số còn lại là những con khỉ ngoan ngâm mình dưới nước, mắt lim dim, con thò tay chải lông cho bạn kế bên. Vui nhất là bầy khỉ nhỏ, con nào con nấy mập mạp, lông mịn màng hệt khỉ nhồi bông. Chúng lăng xăng nhảy nhót, bám vào các dây thừng để đùa giỡn. Có khỉ con ôm ghì khỉ mẹ, con lon ton hết tảng đá này sang tảng đá khác. Có vẻ như chúng thích nhất là trò nhặt tuyết ăn lép nhép. Tôi bỏ mấy nắm đậu phộng ra, lập tức cả đàn xúm lại tranh nhau chí chóe. Tôi đứng sát bên một khỉ con để chụp ảnh, nó còn giơ tay rờ lên ống kính của máy, khỉ mẹ thì dạn dĩ thò tay vào túi áo tôi lục soát.
Khỉ tuyết ở Jigokudani được nuôi bán hoang dã, không hề vây lồng hay rào nhốt. Mùa đông, chúng ngâm mình trong các hồ nước nóng chống lại cái lạnh khắc nghiệt. Đúng giờ, nhân viên công viên sẽ đem thức ăn cho chúng. Vào các mùa khác, chúng tha hồ lang thang trên các núi rừng Yamanouchi. Thung lũng đầy khỉ tuyết thật ra rất nguy hiểm, núi lửa vẫn hoạt động âm ỉ dưới lòng đất, chính vì thế vùng này mới có nhiều suối nước nóng như vậy, chỉ cần đào sâu vài mét là nước nóng phụt lên liền.
Cả ngày vui chơi, chụp ảnh, xem khỉ ngụp lặn dưới hồ nước nóng khi du lịch Yamanouchi, đến chiều xế bóng, chúng tôi mới nuối tiếc ra về. Hôm sau, cả nhà lại đi trượt tuyết ở Shiga Kogen, khu trượt tuyết lớn nhất nhì thế giới, gồm 21 bãi trượt dốc thoai thoải.
Chia tay gia đình Nikita, tôi nhớ Yamanouchi một mùa đông băng giá mà rực lửa tình người cùng mấy chú khỉ tuyết mặt đỏ lông vàng. Mong có ngày gặp lại nhé xứ núi tuyết ơi.
Thông tin thêm
♦ 1.000 yen khoảng 200.000 đồng.
♦ Các trung tâm thông tin du lịch Yamanochi tại ga Nagano sẽ hướng dẫn bạn cách bắt xe buýt và lịch trình xe lửa địa phương đi đến công viên khỉ, đồng thời cung cấp cho bạn cuốn sách nhỏ với một bản đồ tiện cho việc đi bộ từ trạm xe buýt đến công viên.
♦ Công viên khỉ tuyết cách trạm xe buýt công viên hoặc trạm Kanbayashi Onsen khoảng 30 phút đi bộ. Tham khảo chi tiết tại http://www.nagaden-net.co.jp/news/docs/SMR_08-09P(Kanbayashi).pdf. Giờ mở cửa: 8 giờ 30 đến 17 giờ (mùa hè, tháng 4 – tháng 10)/9–16 giờ (mùa đông, tháng 11 – tháng 3). Giá vé: 500 yen (khoảng 100.000 đồng)/người lớn.
♦ Ngoài công viên khỉ tuyết Jigokudani, khi du lịch Yamanouchi, bạn đừng quên trượt tuyết bằng ván trượt tại Shiga Kogen. Tôi đã có những khoảnh khắc thật khó quên khi ngồi trên cáp treo để lên đỉnh đồi ngắm quang cảnh ngoạn mục của núi rừng phủ đầy tuyết trắng. Lớp lớp rừng thông lượn sóng phản chiếu ánh nắng mặt trời lóng lánh tựa những cây san hô treo các hạt trân châu kim cương hồng ngọc. Tôi may mắn tới đúng lúc đỉnh điểm mùa tuyết rơi nhiều nhất, thiên hạ nô nức đổ xô tới đây thưởng lãm cảnh đẹp và trượt tuyết. Trên đồi có nơi cho thuê áo quần bảo hiểm, dụng cụ trượt tuyết đầy đủ, tôi phóng mình từ đỉnh đồi xuống để tận hưởng cảm giác bay bổng trong không gian. Tôi bị ngã lộn mèo hai, ba lần nhưng không sao hết vì tuyết dày êm hơn nệm nhung, thêm quần áo bảo hộ nên chẳng xây xát gì cả.
♦ Bên cạnh nơi này, khi du lịch Yamanouchi, bạn cũng có thể đến Khu vực trượt tuyết Okushiga Kogen; công viên Mt. Yokote; công viên trượt tuyết Ryuoo Ski; bảo tàng nghệ thuật Sake Storehouse – phòng tranh Tamamura Honten; khu nghỉ dưỡng có suối nước nóng Shibu Onsen.
Dương Văn Minh Lộc
Tiếp Thị Gia Đình