Du lịch Tasmania: Vì nàng đẹp như một bông hồng

Giờ này, thế giới vẫn đang mùa Hè. Nhưng ở Úc châu, mùa Đông đã đến. Mời bạn cùng đến Tasmania, một hòn đảo (hay chính xác hơn là một tiểu bang) thuộc nước Úc

Tasmania, được người Úc gọi tên thân mật là Tassie.

Đến Úc, tôi phát hiện ra đây là dân tộc khá… lười, ít nhất là về mặt ngôn ngữ. Họ toàn dùng từ lóng hoặc từ viết tắt; thay cho những từ thông dụng thường nhật. Những ngày đầu đặt chân đến đây, tôi khá khổ sở mới làm quen được với phương ngữ của đất nước Kangaroo.

Ví dụ nhé: từ Vegetables, người Úc gọi là Veggies; Laptop là Lappy; Lipstick là Lippy; và Tasmania thì là Tassie như tôi vừa đề cập ở trên. Để đến Tasmania, tôi thức dậy từ 3h sáng, rồi chọn chuyến bay sớm nhất từ Sydney. Chuyến bay kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, khiến tôi không cảm thấy mệt mỏi nhiều. Cơn ngái ngủ như trôi vào quên lãng, khi Tassie đón tôi bằng một màn mây tựa như thiên đường; bao bọc lấy hòn đảo có diện tích khoảng 70.000 km2 này. Lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu Tasmania là một cô gái; hẳn “nàng” sẽ luôn nằm trong top những khuôn mặt cuốn hút nhất hành tinh.

Tasmania được ví là thiên đường của nước Úc.

Ngày tôi đến, Tasmania chớm Đông. Thời tiết se lạnh. Không biết có phải vì là mùa Đông hay không; sân bay Hobart (1 trong 2 sân bay chính ở đây), khá vắng lặng. Trên đường từ sân bay về khách sạn; tôi có thể cảm nhận rõ cái rét mướt luồn trong gió. Lạnh, nhưng lại bình yên vắng vẻ, đó là cảm giác đầu tiên Tasmania mang đến cho tôi. Lúc này, anh tài xế người địa phương mới cho chúng tôi biết rằng; nếu mang theo bằng lái quốc tế, chúng tôi có thể thuê xe và tự lái, rong ruổi trên những chặng đường Tasmania.

Chín giờ sáng, thị trấn còn chìm trong sương dày đặc như mây. Tôi thích thú, đùa với chúng bạn rằng: Đó giờ chuyện Tuyết rơi mùa Hè chỉ có trong âm nhạc, hóa ra điều đó cũng không phải quá vô lý, ít nhất là tại Tassie.

Lúc này, tôi quyết định chỉ rong ruổi loanh quanh thị trấn, để tận hưởng không khí. Tối đầu tiên, trong lúc đang đi dạo; tôi còn được may mắn gặp mặt một “em” Wallaby. Đây là một giống động vật, nhỏ bằng nửa Kangaroo; có màu lông sáng hơn và vẫn sống chung với con người.

Khi đem lòng tò mò hỏi một người bạn địa phương, tôi nhận được câu trả lời khá bất ngờ: Chính quyền cùng người dân Tassie và Australia luôn làm hết sức mình để bảo tồn thiên nhiên; và mang đến môi trường sống tuyệt vời cho động vật. Ở đây, các tour du lịch chỉ làm nhiệm vụ lái xe chở du khách đến đường mòn vào rừng rồi dừng lại từ xa cho du khách ngắm những con thú vô tình đi qua. Du khách chỉ ngắm chứ không được quấy nhiễu chúng. Kangaroo hay Koala, Wallaby là những con thú phổ biến ở Tassie. Ban ngày, khi có người xe qua lại, chúng thường núp trong rừng cây. Khi đêm xuống hoặc lúc trời hửng sáng, mới là thời gian hoạt động của các loài thú này.

Con wallaby ở Tasmania.

Chính quyền Tasmania rất quan tâm bảo tồn thiên nhiên.

Phải lòng đặc sản Tassie

Không chỉ bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, tôi còn được biết rằng quyền Tassie bảo vệ nông dân và nông sản rất cẩn thận. Ngay từ sân bay, tất cả trái cây đều không được mang vào đảo, dù đó là trái táo bạn đang ăn dở, hay có xuất xứ từ những nơi khác của Australia, để tránh những rủi ro sâu bệnh cho cây trong đảo.

Ngày tôi đến, nền nhiệt độ Tassie chỉ ở khoảng 5–7oC, nhưng không vì thế mà những nông sản địa phương ở đây kém hấp dẫn. Sáng thứ Bảy hằng tuần, vỉa hè và khu đường phía trước tòa thị chính của Tassie, tổ chức chợ nông phẩm mang tên Salamanca Market. Tại đây, mỗi gian hàng sẽ được phân chia thành từng ô, có mái che – một hình thức khá giống như phiên chợ cuối tuần hoặc flea market tại TP. HCM vài năm nay.

Phiên chợ nông sản ở Tasmania.

Đi dọc theo con đường, tôi được thấy những củ cà rốt nhỏ xíu xinh tươi màu hồng, tím các loại… Chúng bé xíu, xinh xắn và ngập tràn sắc màu. Vào tiết trời chớm Đông, những sắc màu ấy lại điểm xuyết cho cuộc sống, khiến bạn sẽ yêu hơn bao giờ hết vẻ đẹp của thiên nhiên.

Ai ai cũng tranh thủ mua sắm, chiêm ngưỡng nông phẩm và niềm đam mê của người bán thể hiện qua cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm tâm huyết của họ. Ngoài rau củ quả hay các món đồ thủ công, hoa lavender… bạn cũng có thể chọn một đĩa phô mai nhiều loại và chai rượu vang, rồi cùng bạn bè tìm ra góc vườn ngoài trời tán gẫu. Dưới nhiệt độ Tassie ngày chớm Đông, tôi khuyến bạn nhất định phải trải nghiệm thú vui này.

Ngày rời Tassie, tôi đã để quên con tim

Tassie yên bình, tĩnh mặc, nhưng đồng thời thiên nhiên cũng rất hùng vĩ. Một trong những mục đích chính của tôi khi đến hòn đảo này, là để đến đỉnh Wellington. Đỉnh Wellington cách trung tâm Hobart nửa giờ lái xe. Ai cũng nên ghé khi đến thăm hòn đảo này.

Đường lên đỉnh Wellington khá dốc. Thời tiết thì lạnh. Cũng vì thế mà khi đặt chân đến đỉnh Wellington, mọi người đều có một “nghi thức” quen thuộc: gài áo thật chặt, quấn kín khăn choàng và nón. Vì cái lạnh trên đỉnh núi quanh năm mà cây ở đây không sống được, gần như là đồi trọc với đá và bàng bạc màu lá khô. Đứng từ đây, tôi bỗng thấy lòng nhẹ nhõm đến lạ. Tôi quên hết mọi bộn bề của thành phố mình quen sống, để trong khoảnh khắc ấy, bao bọc lấy tôi là sự yên bình tĩnh lặng.

Tạm biệt Tassie. Hẹn gặp lại vào một ngày không xa. Chắc chắn là thế rồi!

Thông tin cho bạn 

◗ Nếu chọn đi tour, bạn có thể đến Tasmania theo theo lịch trình Melbourne – Tasmania – Sydney của công ty du lịch Vietravel

◗ Giá tour tham khảo: 63.990.000 đồng/người. Thông tin chi tiết truy cập www.travel.com.vn

Đừng bỏ qua