Tôi hay đến Hội An vào những ngày nắng. Từng con đường nhỏ thân quen tựa như đã sống và bước đi trọn một đời người. Ở Hội An, người ta thường sống chậm. Buổi sáng tinh mơ đạp xe lang thang giữa bóng nắng vàng ươm như mật, tấp vào gánh mì Quảng ven đường, thưởng thức cho trọn linh hồn của hàng phố cổ đã trải qua trăm năm thăng trầm.
Đến Hội An, phải lòng Faifo
Không như nhiều người vẫn thường nghĩ về Hội An như một con phố bé xíu, chẳng có gì để lưu lại dài lâu, những chuyến đi của tôi đến Hội An thường kéo dài nhiều ngày. Trong thanh xuân của mình, tôi đã biết bao lần thả hoa đăng trên con sông Hoài, ngắm trăng soi đáy nước và nghe tiếng cười trong buổi lễ hội dập dìu bên sông.
Hội An trong tôi như một miền cổ tích. Từ khi còn là cô bé 18, tôi đã tự nhủ với lòng rằng một ngày, tôi sẽ đưa người thương của mình đến nơi đây. Tôi và anh sẽ cùng nhau ngồi trên chiếc thuyền gỗ nhỏ, lặng lẽ trôi trên sông, ngắm sao trên cao và ngỡ như thời gian đã dừng lại. Ở bên bờ, người qua kẻ lại, câu đối treo trên cao đợi người đến giải. Đèn lồng rực rỡ như pháo hoa, cầm chặt trên tay, soi sáng đường về. Con người, ai cũng có trong trái tim một nơi chốn để lưu luyến như thế.
Phải lòng mỹ vị
Mỗi khi đến Hội An, có vài điều tôi nhất định phải làm như một thói quen của người con xa quê hương lâu ngày hạnh ngộ. Trong buổi chiều dìu dịu, đến tiệm Mai Fish gọi một ổ bánh mì thịt nướng và uống soda mát lạnh. Mai Fish là một nhà hàng nhỏ có lối trang trí cổ điển với những dãy bàn gỗ và không gian mở. Bánh mì của nhà hàng, dù không nổi tiếng như Madam Khanh hay bánh mì Phượng, nhưng độ ngon của thịt heo tươi mới được nướng trên than hồng, ăn kèm bánh mì giòn rụm với tôi chính là mỹ vị của cuộc đời. Thế nên, cũng chỉ có ở Hội An, tôi mới đủ thỏa lòng và hạnh phúc để trả 60 nghìn cho một ổ bánh mì mà gần như tôi đều ăn mỗi ngày trong chuyến hành trình của mình.
Khi đã no bụng, tôi tiếp tục đạp xe ra biển An Bàng. Biển ở đây xanh và trong veo đến lạ. Những ngày đẹp tươi của tuổi trẻ, tôi đã nằm dài trên băng ghế dựa êm ái, thưởng thức mocktail và nghe giai điệu trữ tình của những bản tình ca xưa hòa theo tiếng gió biển. Đường đến biển An Bàng đi qua cánh đồng lúa xanh mướt trải dài tầm mắt, quê hương hiện ra với vẻ xanh tươi ngát tận chân trời.
Thỉnh thoảng, tôi và người bạn đường tri kỷ lại nổi hứng bỏ đường chính, rẽ vào những con đường phụ. Đường quê quanh co, đôi lúc chúng tôi gặp vài người nông dân vẫy tay chào, hay có khi là những chú chó đùa giỡn rượt đuổi nhau, sủa vang một góc làng. Chẳng ở nơi đâu mà quá khứ và hiện tại tồn tại song song một cách nhịp nhàng như Hội An. Một phố cổ bé nhỏ nằm gần thành phố phát triển nhất đất nước nhưng vẫn giữ cho mình gần như vẹn nguyên hơi thở của quá khứ: cây đa, giếng nước, mái đình, lễ làng và những trò chơi dân gian… Hội An nhẹ nhàng níu chân lữ khách bốn phương chính bởi những điều rất đỗi bình dị như vậy.
Phải lòng thanh tâm
Tôi vẫn nhớ lần đầu cùng bạn đường đạp xe đến làng gốm Thanh Hà. Quãng đường dài 20 phút dưới cái nắng oi ả của mùa hạ như được xoa dịu bởi nụ cười hiền hậu của anh chị chủ xưởng gốm. Chúng tôi chỉ mua vài chén gốm nhỏ làm quà lưu niệm, nhưng vẫn được tiếp đón rất mực nồng hậu. Anh chị còn mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa cùng gia đình. Bữa cơm đơn sơ chỉ có thịt xào măng, canh cải và cá cơm kho, mà sao ngon đến lạ.
Người miền Trung không hào sảng như miền Tây, cũng không cao sang và lịch thiệp như phương Bắc, nhưng lại hết mực chân thành và tử tế. Chuyện cũng đã trôi qua được 5 năm, thế mà mùi gốm nung và mực sơn vẫn thoảng qua trong hiện tại. Khi tôi nhắm mắt, buổi trưa hè hôm ấy lại quay về. Dù đã đến Hội An bao lâu, tôi đôi khi mang cảm giác của lần ban đầu. Như là bất giác, tôi chợt nghĩ về hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ:
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”
Hội An còn có một tên họi khác, thường được dùng khi người ta gán phố cổ vào những câu chuyện liên quan đến nghệ thuật: Faifo. Tôi vẫn thích gọi Hội An là Faifo, hai âm “ph” đặt cạnh nhau, dù bằng ngữ điệu nào thì thanh âm khi phát ra đều nghe rất dịu dàng. Phải rồi, Hội An chính là một nơi chốn dịu dàng. Dù đông đúc hay vắng vẻ, lữ khách đã đặt chân đến nơi đây đều sẽ đem lòng yêu mến. Chẳng cần phải lên một lịch trình quá chi tiết khi đến Hội An, bởi chính những con đường nơi đây sẽ đưa bạn đến với những điều mới lạ.
Phải lòng kỳ duyên
Chẳng ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này lại có nhiều quán xá dễ thương đến thế cùng tề tựu một chốn như Hội An. Này nhé, chỉ mỗi việc ngồi cho hết những quán nước hay ho trong phố cổ thôi, tôi đã tốn đến tận 3 ngày. Cá nhân tôi vẫn thích Cocobox nhất, một quán nước bé bé xinh xinh nằm trên trục đường chính của khu phố cổ.
Khi mặt trời lên cao, tôi dừng chân, gọi một ly sinh tố mát lạnh, thanh thản thưởng thức vị trái cây ngon ngọt của đất miền Trung và nhìn ngắm dòng lữ khách bước qua nhau. Đến đây, tôi thường may mắn chọn được chỗ ngồi sát cửa ra vào, vừa thỏa sức ngắm nhìn đường phố ngoài kia lẫn toàn vẹn không gian quán. Có đôi khi, một vài lữ khách độc hành sẽ quay sang bắt chuyện cùng tôi. Ở đây, người ta rất dễ kết bạn với nhau, chỉ bằng một nụ cười và câu hỏi đơn giản: “Này, đồ uống của bạn nhìn hấp dẫn thật đấy!”. Và thế là tôi lại có thêm những người bạn mới từ bốn phương. Chúng tôi chia sẻ những khung trời đã đi qua, những câu chuyện trên đường du lịch và tình cảm mến thương dành cho Faifo.
Ngoài mì Quảng, Hội An còn nổi tiếng với món cơm gà. Hẳn những ai đã từng tìm hiểu về Hội An đều đã nghe qua cơm gà bà Buội, cơm gà bà Ty… Ở đây, người ta gọi quán cơm bằng tên người chủ, nghe sao mà thân thiết đến lạ! Tuy nhiên, cá nhân tôi, một người đã từng thưởng thức gần như tất cả những quán cơm gà trứ danh trên, thì lại không đánh giá cao lắm. Phần nhiều là vì những nơi này hướng tới đối tượng là khách du lịch, giá cả đã bị dội lên cao và hương vị ít nhiều lẫn mùi vị công nghiệp.
Tôi thường hỏi người dân những địa chỉ người bản địa thường lui tới, nhờ vậy mà tôi đã được thưởng thức đúng vị món cơm gà trứ danh của Hội An. Để ăn ngon ở đây, bạn phải len lỏi qua những kiệt nhỏ, nơi chỉ có thể đi vì được chỉ chứ không thể tìm đến bằng cách tra bản đồ. Tôi còn nhớ đĩa cơm gà vàng ươm, đi kèm một phần gỏi trộn ngon ngây ngất chứa cả linh hồn phố cổ của chú Long, với cái giá vô cùng “hạt dẻ”: 35 nghìn đồng.
Hay một sáng đạp xe lang thang, nhìn thấy một bảng hiệu vẽ bằng phấn gọn lỏn chữ: ‘’Phở’’, tôi tấp vào và ngỡ ngàng nhận ra phở ở miền Trung khác hoàn toàn phở Sài Gòn. Ở đây, người ta ăn phở kèm đu đủ chua ngọt. Bánh phở cũng là loại dai và thịt bò tái, ăn kèm nước lèo mằn mặn. Món phở đơn giản như chính con người của mảnh đất miền Trung nắng gió này.
Nhưng rồi, cũng sẽ như tôi, sẽ có một ngày trong nhịp sống hối hả, chúng ta chợt nhớ da diết cái dư vị đơn giản vô cùng ấy. Và rồi ta nhận ra sẽ chẳng có hạnh phúc nào bằng được niềm vui thong dong đạp xe trong buổi sáng tính mơ, tấp vào ven đường để thử một món ăn lạ. Hơn cả mùi vị của món ngon, đó là mùi vị của tự do.
Phải lòng quý hữu
Đến Hội An, bạn đừng vội chọn khách sạn sang trọng để lưu trú, bởi lẽ Hội An chính là mảnh đất của vô vàn homestay và guesthouse xinh đẹp. Hãy chọn một homestay nằm ngoài trục phố chính, để một sáng thức dậy nghe chim hót trong vườn, thấy nắng xuyên qua kẽ lá và tiếng người khúc khích nói cười.
Hầu hết mọi homestay ở Hội An đều cung cấp xe đạp miễn phí cho khách lưu trú, kèm bữa ăn sáng do chủ nhà nấu. Ngoài ra, khách cũng có thể yêu cầu bữa tối và trưa theo nhu cầu cá nhân. Có một hôm, cơn lười ngăn cản bản tính hiếu kỳ về những món ngon vật lạ ngoài hàng, tôi mạo muội hỏi thăm cô chủ nhà liệu mình có thể phụ cô tiền chợ một hôm để khỏi phải cất công ra ngoài tìm nơi lấp bụng hay không.
Và thế là hôm đó tôi được cô thết đãi bữa cơm gia đình không thể ấm cúng và trọn vị hơn. Tôi đảm bảo đó sẽ là trải nghiệm bạn không thể nào quên được. Nhất là khi bạn đi du lịch một mình, bạn sẽ được chăm chút như chính thành viên trong gia đình vậy. Dẫu là đang đi xa, mà nghe như ta đã trở về.
Phải lòng thời gian
Có quá nhiều điều để nói về Hội An, cũng như có quá nhiều điều để khám phá nơi này. Chúng ta không thể chỉ lướt qua một lần hoặc vài lần là hiểu được Hội An. Một con phố đã đi qua bao thăng trầm thời gian, trải qua bao đời biến cố, nhất định là một nơi chốn có linh hồn.
Với tôi, Hội An là tuổi trẻ. Khi thanh xuân còn tràn đầy, tôi hào hứng nhìn ngắm khắp mọi nơi, ăn những đặc sản ngon nhất, tựu về trong lễ hội hoa đăng đầy tiếng nói cười. Và có khi đâu ngờ, Hội An cũng sẽ là tuổi già, khi người ta lặng lẽ ngồi trên bậc thềm, tìm bạn đối ẩm, chơi cờ. Ai cũng có thể đến Hội An, dù là lứa đôi hay kẻ độc hành. Hội An là nơi chốn dành cho tất cả mọi người và dù là ai, bạn hẳn sẽ chẳng bao giờ thất vọng về Hội An.
Những đêm trăng sáng nghe điệu hò trên sông Hoài. Những buổi ban trưa lang thang qua từng ngõ ngách, rồi lại dừng chân bên đường ăn một bát tào phớ thơm mát. Những buổi chiều chập choạng, cùng nhau ngồi bên bờ sông, cảm nhận một chiều an nhiên nhẹ buông trên mí mắt. Chỉ một chuyến xe buýt với cuống vé 20 nghìn, băng qua một miền thăm thẳm của những ký ức xưa cũ, chúng ta đến Hội An để rong chơi và cũng là cảm nhận tâm hồn của chính mình.
Câu chuyện Hội An của tôi xin dừng lại. Phần của bạn, hãy viết tiếp câu chuyện của chính mình. Có lẽ, sẽ như tôi, Hội An chính là nơi chốn đã nằm trong trái tim từ thuở ban sơ, đang chờ bạn trở về. Như người tôi rất thương đã từng khẽ nói vào tai: “Faifo mà sao nghe như phải lòng…”
Bài: Dao Ninh
Tiếp Thị Gia Đình