Dự án Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh bước vào năm thứ hai

Dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu gương điển hình là một trong 3 mô hình và cách làm hay trong cả nước trong Lễ Phát động trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ

dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh

Lễ khởi động năm thứ hai dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh

Ngày 21/3 vừa qua, công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN) triển khai Lễ khởi động năm thứ hai dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh. Chương trình được thực hiện với chuỗi các hoạt động chính. Bao gồm tổng kết hoạt động năm nhất và tổ chức Lễ Khởi động năm thứ hai; trực tiếp trồng cây tại đất lâm nghiệp của hộ gia đình trên địa bàn thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa; Trao tặng cây giống lâm nghiệp, trồng cây và thiết bị văn phòng cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Chalo và trồng cây tại đơn vị và Thăm; và đánh giá rừng trồng năm thứ nhất tại rừng cộng đồng bản Kè xã Lâm Hóa huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Mở rộng địa bàn trồng rừng đầu nguồn trong năm thứ hai

Tại lễ khởi động dự án, ông Ngô Văn Hồng – Phó giám đốc VARS đã chia sẻ về mục tiêu Phủ xanh các cánh rừng đầu nguồn trong năm tới. Ông nói: “Để góp phần ngăn chặn và giảm thiểu tác động của thiên tai; từ mô hình Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh tại huyện Tuyên Hóa; VARS tiếp tục mở rộng ra với 100ha rừng đầu nguồn sông Thu Bồn ở Quảng Nam; 100ha rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn ở Quảng Trị. Đồng thời tại Quảng Bình tiếp tục mở rộng địa bàn các xã thuộc huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa với 100ha rừng đầu nguồn sông Gianh”.

Ông Ngô Văn Hồng – Phó giám đốc VARS.

Ông Đinh Xuân Thương – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa đã đánh giá cao các kết quả hoạt động của dự án; và cam kết đồng hành cùng chương trình các đóng góp của dự án trong một năm qua và khẳng định tính phù hợp của dự án. Ông chia sẻ: “Trồng rừng cây bản địa là không dễ, đòi hỏi kỹ thuật phải đảm bảo. Tuy nhiên qua một năm triển khai, chúng tôi thấy rằng rừng dự án đã thực hiện trồng rừng trên diện tích 80ha tại 8 xã. Tỉ lệ cây sống cao trên 90% là động lực và kinh nghiệm để thực hiện các chương trình tiếp theo. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với dự án trong thời gian tới để thực hiện công tác trồng rừng và nâng cao nhận thức của cộng đồng”.

Đinh Xuân Thương – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa.

Kết quả khả quan trong năm đầu tiên

Các chuyên gia của VARS cũng đã phối hợp với chính quyền xã Lâm hóa đánh giá chất lượng cây trồng sau đúng một năm (từ ngày 21/3/2021 – 21/3/2022) tại rừng cộng đồng của người Mã Liềng tại Bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Sau khi đo đếm, khảo sát đoàn nhận định cây rừng phát triển tốt, đạt chất lượng; trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật và nếu tiếp tục thực hiện chăm sóc, bảo vệ tốt sẽ đảm bảo mục tiêu.

“Tùy theo thổ nhưỡng và loại cây thì có thể có cây phát triển nhanh hoặc chậm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển và phương pháp chăm sóc đúng kỹ thuật như hiện tại; thì cây sẽ phát triển đúng theo tiêu chuẩn. Sau 3 năm rừng có thể khép tán” – Thạc sĩ Lê Công Nam, chuyên gia lâm nghiệp khẳng định.

Ông Đinh Xuân Chiểu – hộ dân trồng rừng

Để đạt được các kết quả trên, dự án và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong toàn bộ quá trình đảm bảo cây đã trồng sẽ thành rừng. “Năm vừa rồi, để trồng được diện tích 80ha; dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm khảo sát tới 2000ha diện tích rừng đăng ký. Nhưng chỉ chọn ra được một số diện tích đảm bảo điều kiện về pháp lý và có sự cam kết của người dân để có thể triển khai hiệu quả thực hiện”, ông Ngô Văn Hồng chia sẻ thêm.

Tại xã Sơn Hóa, nơi thực hiện lễ khởi động dự án; trong năm thứ nhất đã triển khai trồng 5ha rừng và đạt hiệu quả tốt. Đó là động lực giúp lan tỏa việc trồng rừng cho người dân cũng như giúp lan tỏa trồng rừng bằng cây bản địa tại cộng đồng. Những ngày đầu của năm thứ hai, đã có thêm 11ha rừng được đăng ký trồng. Cụ thể, ông Phạm Đình Chiểu (3ha), Đinh Thế Hùng (5ha), Võ Đức Hoài (3ha) trên các diện tích keo trước đó đã thu hoạch.

Cây gáo vàng cao 1.2 m

Cộng đồng hưởng ứng bằng hình thức đóng góp vào quỹ

Sau khi tiến hành lễ khởi động trồng rừng tại xã Sơn Hóa, dự án cũng đã phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thực hiện khởi công trồng rừng tại diện tích rừng do đơn vị quản lý. Bước đầu, dự án trao tặng 500 cây giống và phân bón để đơn vị triển khai trồng đợt một năm 2022; và tặng thiết bị văn phòng cho đơn vị. Tại khu vực đồn đóng quân, đa số đồng bào dân tộc thiểu số Chứt và Bru-Vân Kiều nghèo; là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; và là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng sạt lở đất do mưa lũ.

Cây cao 1m sau 1 năm trồng

Để có kết quả trên và tạo đà cho năm tới, VARS đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và các đơn vị thông qua các hình thức góp quỹ. Tính tới thời điểm 6/1/2022, tổng số tiền quỹ đã nhận được là 2.665.989.250 đồng; với tổng số 1,153 lượt đóng góp. Trong đó có 10 doanh nghiệp, tổ chức. Cùng với đó, sự lan tỏa của thông điệp “Người là cây, cây là người”; “Góp một cây để có rừng” với sự tham gia của các nghệ sĩ và nhiều người dân. Tất cả đã góp phần vào thực hiện mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tự trồng; bảo vệ cây xanh trong công chúng.

Nhìn lại kết quả dự án năm vừa qua: VARS và đối tác, chính quyền địa phương và người dân đã tiến hành trồng các cây lâm nghiệp bản địa trên 80ha như: De, Lát Hoa, Gáo vàng, Lim, Vàng tâm, Sưa đỏ, Huỷnh… với tỉ lệ sống 90% tại các xã: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình với 43 hộ và cộng đồng tham gia.

Cây nhỏ nhất cao 40 cm

VARS và dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu gương điển hình là một trong 3 mô hình và cách làm hay trong cả nước trong Lễ Phát động trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ (06/02/2022)

Về Dự án Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh

Dự án “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh” là dự án được thực hiện bởi những người sáng lập Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS). VARS đăng ký hoạt động từ tháng 12/2020; theo hình thức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa.

Mục tiêu chính của dự án này là khôi phục rừng tự nhiên bằng hình thức trồng cây rừng bạn địa với nguồn vốn thông qua vận động cộng đồng đóng góp 50.000 đồng/cây lâm nghiệp bản địa (bao gồm chi phí cây giống, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng). Ngoài trồng rừng, thì để đảm bảo sinh kế trước mắt, bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Nếu bạn muốn chung tay trồng một cây để có rừng hưởng ứng chương trình 1 tỷ cây xanh của chính phủ, hãy đóng góp tài khoản: ACB 213216 chi nhánh Minh Khai, Hà Nội; và ngân hàng Techcombank: 19036682427014, chi nhánh Hai bà Trưng, Hà Nội.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua