Đọc gì trên TTGĐ 04/20?
Ngày 1/4, Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng chính phủ. Cả nước tập trung cao độ, dồn mọi nguồn lực để ngăn chăn sự lây lan của virus Covid-19. Tuy số người mắc vẫn còn tăng lên, nhưng có ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Như vậy, các biện pháp ứng phó với dịch của Việt Nam đang cho thấy hiệu quả. Đó là tín hiệu để lạc quan. Song, nhiều người lại lạc quan tới mức chủ quan!
Sau vài ngày nghiêm túc thực hiện chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”, đường phố dần đông đúc trở lại. Chợ nhộn nhịp, người mua kẻ bán “kề vai sát cánh”. Họ quên mất cự ly an toàn tối thiểu 2m. Người người vượt rào vào công viên tập thể dục, vô tư ra biển tắm. Các thanh niên vẫn bất chấp tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke và chơi ma túy… Đó là sự chủ quan và xem thường dịch bệnh. Với thái độ đó, dịch có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn tính mạng; không chỉ của bạn, gia đình bạn mà cả những người xung quanh.
Chính vì vậy, ngay lúc này, bên cạnh những hiểu biết về phòng và chống dịch, điều cần nhất ở mỗi người chúng ta là thái độ lạc quan. Làm thế nào để trở nên lạc quan trong cuộc sống khi bạn chỉ ở loanh quanh trong nhà?
Làm thế nào để lạc quan khi ở nhà?
Dễ dàng nhất là dọn dẹp lại gia trang đón hè sang (trang 10), trồng thêm mấy cây hoa trong sân nhà (trang 20), thử nấu mấy món ăn ngon (trang 38). Nâng độ khó hơn một chút, bạn tự học nhảy tại nhà (trang 30), dưỡng da với muối (trang 40), hay bắt đầu lên kế hoạch cho kỳ nghỉ sau khi dịch kết thúc (trang 50).
Bạn cũng đừng quên gia đình mình. Không mấy khi cả nhà được ở bên nhau nhiều như giai đoạn cách ly này. Lan tỏa yêu thương cũng giúp bạn có thái độ sống lạc quan. Hãy trân trọng từng phút giây bên nhau.
Cuộc chiến chống dịch vẫn còn dài. Chúng ta cần lạc quan để chiến đấu. Đừng để tư tưởng chủ quan khiến ta lơ là, mất cảnh giác và ôm đau thương, mất mát.
Võ Công Trung
Tiếp Thị Gia Đình