Đầu tháng 5 vừa qua là một cột mốc đáng nhớ của doanh nhân Đoàn Thị Anh Thư và thương hiệu Vua Cua. Lễ ký kết đầu tư đợt 2 với Shark Đỗ Liên không chỉ tiếp thêm động lực phát triển, mà còn hiện thực hóa giấc mơ phủ kín nhà hàng khắp Việt Nam và tiến ra quốc tế trong những năm tiếp theo. Hãy cùng TTGĐ trò chuyện với thủ lĩnh của chuỗi Vua Cua.
Trong giai đoạn này, nhượng quyền là chân lý
Xin chào doanh nhân Đoàn Thị Anh Thư. Shark Liên đã đồng hành cùng chị thời gian qua, và tiếp tục trong tương lai. Ngoài vốn đầu tư, Vua Cua còn nhận được gì khác từ shark?
Ngay từ lần ký kết đầu tiên, Shark Liên giống như là người chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm và cảm hứng cho tôi cùng đội ngũ có được cũng như giữ vững lòng tin. Ngoài ra, cô cũng đưa ra lời khuyên, góp ý cho những kế hoạch phát triển của Vua Cua. Còn lại liên quan đến số liệu, sổ sách, giấy tờ… đều được đội ngũ của cô hỗ trợ.
Điều gì chị ấn tượng nhất ở Shark Liên?
Tôi nhớ hoài câu nói cô đã chia sẻ với mình. Đó là: “Người làm kinh doanh phải có cảm xúc và cảm giác được những gì mình đang làm”. Tôi ý thức được điều này nên rất thận trọng trong từng quyết định, trong mỗi bước đi. Shark Liên rất bận. Cô không thể lúc nào cũng kề bên, cầm tay chỉ việc hay bắt mình phải đi theo hướng của cô. Cô không can thiệp vào quá trình vận hành của Vua Cua. Tuy nhiên, bất cứ khi nào cần sự trợ giúp, cô luôn cho đội ngũ đến.
Sau 6 năm có mặt trên thị trường, Vua Cua mới bắt đầu chiến lược nhượng quyền. Tại sao lại là thời điểm bây giờ mà không phải sớm hơn?
Tôi chỉ mới bắt đầu tính đến chuyện nhượng quyền gần đây. Cụ thể là sau dịch. Trước đây tôi không thích nhượng quyền vì một suy nghĩ đơn giản: Mình có vốn thì tại sao phải nhượng quyền. Tuy nhiên về lâu dài, khi mở rộng hệ thống, tôi phát hiện ra một điều bất cập. Đó là tôi không thể vận hành tốt và quản lý hệ thống nằm ngoài TP. HCM.
Hiện tại Vua Cua có một chi nhánh ở Nha Trang. Tôi không thể có mặt ở đó liên tục để quản lý cũng như không thể hiểu rõ nhu cầu, khẩu vị của thực khách ở khu vực này. Chỉ có người địa phương làm quản lý thì họ mới biết được đường hướng phát triển như thế nào là phù hợp. Đó cũng là bài học rất lớn để chúng tôi cân nhắc linh động chính sách nhượng quyền.
Còn lý do nào khác để đẩy mạnh nhượng quyền thương hiệu?
Trụ sở chính của Vua Cua đặt tại TP. HCM. Chúng tôi có thể mở chi nhánh ở Hà Nội, nhưng không thể kiểm soát vận hành mọi thứ khi mình đang ở rất xa. Dù cố gắng đến mấy nhưng khó đảm bảo mọi thứ trơn tru, suôn sẻ theo ý mình bởi nhiều yếu tố khách quan.
Với các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền, mình đưa cho họ quy trình, checklist, công thức chế biến… họ sẽ làm đúng như vậy. Thậm chí, họ còn là tốt hơn mình. Hơn ai hết, khi bỏ tiền, ai cũng muốn kinh doanh tốt để có lời. Nếu muốn có khách, họ phải làm món ăn ngon, dịch vụ tốt.
Tốc độ mở rộng của hình thức nhượng quyền là rất nhanh. Mặc dù Vua Cua đã có 6 năm hoạt động, mọi khâu vận hành đều đã đi vào nề nếp chuẩn chỉnh, nhưng chúng tôi không thể tự mở 5 chi nhánh trong một tháng. Nếu 5 chi nhánh đó của 5 chủ đầu tư khác nhau thì khả thi hơn.
Tổng hợp các yếu tố đã kể trên, ở giai đoạn này, chúng tôi nhận ra nhường quyền là chân lý.
Doanh nhân Đoàn Thị Anh Thư đặt target 100 nhà hàng trong năm 2023
Khi nãy chị có nhắc tới linh động chính sách nhượng quyền. Cụ thể như thế nào?
Đó là không ràng buộc phải theo chính xác 100% menu gốc của Vua Cua. Họ chỉ cần đáp ứng hai điều: bán đầy đủ sản phẩm đóng gói của công ty và bán đủ 5 sản phẩm chiến lược. Đó là cua xốt trứng muối, mai cua đút lò, cơm chiên cua tay cầm, bò Kobe xốt tiêu đen và bánh mì tươi. Những món ăn này đại diện cho 5 nhóm món chính của thực đơn gốc. Còn lại, nhà hàng nhượng quyền có thể thay đổi menu tùy theo địa phương đó. Thậm chí, giá bán có thể được cân đối, điều chỉnh cho phù hợp với mức sống ở đó. Miễn sao họ vẫn đảm bảo chi phí vận hành và lợi nhuận.
Phía Vua Cua cam kết gì với những nhà đầu tư tham gia nhượng quyền?
Chúng tôi cam kết đồng hành cùng nhà hàng nhượng quyền xuyên suốt từ ngày bắt đầu ký hợp đồng cho đến khi họ… không muốn bán nữa! (Cười).
Điểm đặc biệt của Vua Cua là không thu phí nhượng quyền hàng năm, mà chỉ lấy 5% trên doanh số để phục vụ cho đội ngũ hỗ trợ thiết lập và vận hành. Mỗi thời điểm, doanh nghiệp sẽ có mục tiêu khác nhau. Ở thời điểm này, khi bắt đầu mở rộng nhà hàng thông qua nhượng quyền, chúng tôi không đặt vấn đề lợi nhuận đầu tiên. Mục tiêu lớn nhất là độ phủ sóng, nhận diện thương hiệu và tạo sự tiện lợi cho khách hàng khi tiếp cận các sản phẩm của Vua Cua.
Nhà đầu tư có phải tuân thủ những ràng buộc gắt gao nào không?
Mặc dù khá thoải mái, linh động nhưng vẫn phải có ba ràng buộc cụ thể. Thứ nhất là phải nhập cua từ Vua Cua. Đây là cách để kiểm soát chất lượng cua trên toàn hệ thống. Chúng tôi bán chủ đạo vẫn là cua thịt Cà Mau. Thứ hai là các loại nước xốt chế biến do công ty sản xuất. Thứ ba là các sản phẩm đóng gói mang thương hiệu Vua Cua.
Còn lại, toàn bộ các loại hải sản khác và rau củ quả, chủ cửa hàng được chủ động hoàn toàn. Nếu có được nguồn hàng chất lượng và giá tốt, họ vẫn có thể bán ra thành phẩm rẻ hơn mức giá đề xuất của công ty và vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Doanh nhân Đoàn Thị Anh Thư kỳ vọng con số bao nhiêu cho việc triển khai nhượng quyền?
Trong năm nay, tôi kỳ vọng sẽ có từ 30 đến 50 nhà hàng mới. Đến hết năm 2023, con số nhà hàng sẽ đạt mốc 100.
Để đạt được con số này, chị sẽ sẵn sàng nhượng quyền cho bất kỳ ai có nhu cầu?
Không hẳn là vậy. Chúng tôi cần cân nhắc và có sự lựa chọn nhà đầu tư mong muốn nhượng quyền. Nếu cảm thấy họ không đủ kiên nhẫn với mô hình này, không dành thời gian chăm chút cửa hàng, hoặc thuộc týp người tham lam, thì tôi sẽ từ chối ngay. Bất cứ mô hình kinh doanh nào cũng cần thời gian để hoàn vốn và có lãi. Trong kinh doanh, quá tham lam cũng khiến người ta thất bại. Bạn không thể muốn lời nhiều hơn khi biên độ vận hành không cho phép.
Cảm ơn doanh nhân Đoàn Thị Anh Thư đã chia sẻ. Chúc chị thành công với kế hoạch của mình.
Thông tin thêm
Vua Cua ký kết mua gói bảo hiểm sức khỏe bảo vệ thực khách sử dụng món ăn tại nhà hàng lên đến 5 tỷ đồng. Đây như một lời cam kết cho chất lượng món ăn không những ngon mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài: Trung Võ
Tiếp Thị Gia Đình