Chiếc áo dài là biểu tượng văn hóa của người Việt Nam. Nó chứa đựng tâm hồn dân tộc, vừa duyên dáng vừa quyến rũ, giúp tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ. Nhiều người yêu thích và luôn chọn áo dài để diện mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, trong đó có chị Lệ Hằng. Với chị, chiếc áo dài dù cổ điển hay cách tân, đều gợi lên những giá trị truyền thống đáng tự hào.
Trong buổi trò chuyện đầu năm, chị Lệ Hằng cũng chia sẻ với TTGĐ về cuộc sống cá nhân và lan tỏa tinh thần sống lạc quan, cân bằng.
Ai cũng có thể tỏa sáng với áo dài
Xin chào chị Lệ Hằng. Chị có thể chia sẻ về sở thích mặc áo dài vào dịp Tết được không?
Xin chào độc giả của TTGĐ. Tôi không chỉ mặc áo dài vào dịp đầu năm. Mà ở một số lễ hội lớn khác trong năm, tôi cũng thường xuyên diện bộ trang phục xinh đẹp này.
Tôi nghĩ nhiều người sẽ có cùng lý do yêu thích áo dài giống tôi. Đó là không có bất kỳ trang phục nào lại khiến phụ nữ trở nên quyến rũ, dịu dàng như khi đang khoác trên mình bộ áo dài. Chỉ cần chọn một chiếc áo dài phù hợp với vóc dáng, tôi nghĩ ai cũng tỏa sáng trong mắt mọi người xung quanh.
Phong cách áo dài mà chị Lệ Hằng yêu thích là gì? Truyền thống hay hiện đại?
Tôi không cực đoan đến mức chỉ chọn mặc áo dài truyền thống mà bỏ qua những chiếc áo cách tân, hiện đại. Tuy nhiên, tôi sẽ bài trừ những mẫu áo dài thiết kế hở hang, phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người phụ nữ Việt thùy mị, dịu dàng.
Mỗi phong cách dù cũ hay mới đều có vẻ đẹp riêng. Ví dụ như áo dài trắng của nữ sinh vẫn rất đẹp. Tuổi học trò ngây thơ, hồn nhiên và đầy mơ mộng, trong sáng như tà áo trắng. Mặc áo dài cũng tạo nên sự quy củ, nề nếp cho nữ sinh khi đến trường. Hay những bộ áo dài thêu thủ công rồng phượng tỉ mỉ, đính đá kết hạt cầu kỳ sẽ đem đến một vẻ đẹp khác, uy quyền, sang trọng và đẳng cấp.
Những năm gần đây, chúng ta cũng chứng kiến sự đổ bộ của nhiều mẫu áo dài cách tân, tà ngắn, váy xòe, hay mặc cùng quần jeans… Cá nhân tôi thấy cũng không cần phải lên án gay gắt. Áo dài, dù cách tân đến thế nào thì điểm mấu chốt vẫn chính là giữ đường nét cơ bản của tà áo dài truyền thống. Nó vẫn thể hiện độ tinh tế trong thẩm mỹ.
Quan trọng là người mặc. Bạn nên có sự hiểu biết về chiếc áo mà mình đang khoác lên người, cũng như hiểu được giá trị nhân văn mà tà áo quốc phục ẩn chứa.
Nhiều người suy nghĩ rằng “áo dài quê mùa, gò bó”, ý kiến của chị Lệ Hằng thế nào?
Tôi nghĩ quê mùa là khi bạn mặc không đúng nơi đúng dịp. Một bộ trang phục hiện đại đúng trend chưa chắc có thể phù hợp để diện ở bất kỳ đâu. Còn về gò bó, chắc là do may không đúng size. (Cười)
Diện áo dài trong ngày Tết không chỉ tôn lên vẻ thanh lịch quý phái của người mặc mà hơn hết còn thể hiện ý thức giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống đáng tự hào. Tết sẽ rạng rỡ hơn nếu mỗi người chọn cho mình một thiết kế áo dài để đi chùa, thăm hỏi nhau trong ngày đầu năm.
Chị Lệ Hằng có bao nhiêu áo dài trong tủ rồi?
Câu hỏi này khó quá. Sao bạn không hỏi là Tết này tôi chuẩn bị bao nhiêu chiếc áo dài mới. (Cười)
Vậy chị đã chuẩn bị một bộ sưu tập áo dài để diện các mồng phải không?
Tôi chuẩn bị “sơ sơ” 5 bộ áo dài thôi.
Không có áp lực sẽ chẳng có kim cương
Ngoài áo dài, chị Lệ Hằng còn có đam mê nào khác không?
Tôi thích uống trà và cắm hoa. Tình yêu trà và hoa với tôi là bất tận. Trong nhà tôi có một góc nhỏ. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại lúi húi trong góc đó. Trước tiên là cắm vài bình hoa tươi thật đẹp. Sau đó pha một bình trà thơm và thắp một vài ngọn nến thơm. Hương nến, trà và hoa hòa quyện cho tôi cảm giác vô cùng ấm áp, dễ chịu.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, về đến nhà và ngồi vào góc nhỏ này, tôi thấy mình thảnh thơi và hạnh phúc. Niềm vui có thể bắt đầu bằng những điều giản dị nhất mà không cần tìm kiếm đâu xa. Nó ở ngay trong sinh hoạt hàng ngày, từ trong thói quen hay sở thích của chúng ta.
Qua những chia sẻ, tôi cảm nhận cuộc sống của chị khá thoải mái, vui thú điềm nhiên. Đúng vậy không?
Cuộc sống luôn đong đầy yêu thương và những điều tốt đẹp, chỉ là mình có nhận ra nó hay không. Nhiều người không có thói quen uống trà ngắm hoa, thì họ cho thói quen của tôi là lãng phí thì giờ. Trong giai đoạn buộc phải ở trong nhà vì dịch bệnh, bạn có biết là tôi cắm đi cắm lại một bình hoa. Vậy mà tôi vẫn thấy vui như thường.
Trên đường đời, mỗi người đều gặp phải không ít chông gai trắc trở. Không có áp lực sẽ chẳng có kim cương. Nhưng hãy điềm tĩnh bước qua, rồi ta sẽ thấy bến đỗ bình yên và chuỗi ngày an nhiên tự tại. Tôi quan niệm cứ sống hết mình, nỗ lực hết sức. Và kết quả sẽ xứng đáng với công sức đã bỏ ra.
Theo chị Lệ Hằng, làm thế nào để có cuộc sống an nhiên?
Sống vị tha giúp tinh thần chúng ta an nhiên và hạnh phúc. Đôi khi, có những điều làm cho bạn tổn thương. Hẳn bạn khó quên được ngay. Nhưng nếu biết mở lòng mình ra bằng sự vị tha, bạn sẽ thấy tâm nhẹ nhàng, trí thanh thản. Chính sự thanh tịnh trong tâm hồn làm tăng năng lượng, sức sống, nhiệt huyết, và nhất là sự hỷ lạc trong tâm hồn. Tất cả sẽ tạo ra cảm giác hạnh phúc, viên mãn cho con người.
Vị tha cũng giúp cho ta tìm được những người bạn chân thành và gắn kết tinh thần đoàn kết, tăng cường mối thiện cảm trong cộng đồng. Vì thế, chúng ta hãy cảm nhận những điều tốt đẹp hơn đang hiện hữu để tâm thanh tịnh, lòng bình an.
Cảm ơn chị Lệ Hằng đã chia sẻ.
Bài: Alex Vo
Ảnh: Phan Thanh Tâm
Trang phục: La Sen Vũ
Trang điểm: Lyli Trần
Tiếp Thị Gia Đình