Điện năng lượng mặt trời và những thông tin cơ bản bạn cần biết

Thời gian qua, nhu cầu lắp đặt, sử dụng điện mặt trời ngày càng cao. Bên cạnh đó, những chính sách mới về giá thu mua của Chính phủ đã tác động không nhỏ tới tốc độ khai thác nguồn năng lượng vô tận này

Điện năng lượng mặt trời

Ảnh: Shutterstock

Giá điện tăng cao từng gây xôn xao dư luận. Nhiều hộ dân phản ánh hóa đơn tiền điện bỗng tăng đột biến từ 50% – 70%. Trong giai đoạn “sốt ruột” chờ đợi sự điều chỉnh từ Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhiều gia đình đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù điện năng lượng mặt trời không phải quá xa lạ, nhưng để hiểu và ứng dụng hiệu quả nó vào đời sống thì không phải ai cũng nắm rõ.

Điện năng lượng mặt trời và thông tin cơ bản bạn cần biết

Chỉ cách đây vài năm, chúng ta sử dụng năng lượng mặt trời chủ yếu làm nguồn nhiệt năng để cung cấp nước nóng sinh hoạt ở hộ gia đình, bệnh viện hay các khách sạn, resort. Giờ đây, chúng ta khai thác nhiều hơn nguồn năng lượng vô tận này nhờ vào công nghệ tiên tiến của các tấm pin mặt trời. Chúng hấp thụ tia nắng, sản sinh nhiệt và chuyển đổi thành điện. Điện sản xuất từ những tấm pin mặt trời cần chuyển đổi sang dòng điện xoay chiều AC mới sử dụng được cho các thiết bị như tivi, quạt, đèn…, thậm chí là cả máy lạnh.

Các tấm pin mặt trời dễ dàng lắp đặt ở khu dân cư, trung tâm thương mại và các dự án tập trung khai thác điện mặt trời. Với hộ gia đình, các tấm pin này thường lắp đặt trên mái nhà hoặc khoảng sân trống. Công suất vào khoảng 5 đến 20 kWp, tùy thuộc vào diện tích bề mặt lắp đặt.

Wp (Watts peak) là đơn vị đo lượng năng lượng sinh ra của các thiết bị năng lượng mặt trời. Thông số Wp là công suất tối đa tấm pin có thể sản xuất được trong điều kiện tối ưu. Trong thực tế, tấm pin chỉ có thể tạo ra lượng điện khoảng 50% công suất. Chỉ khi vào thời điểm có nắng mạnh và có cường độ khúc xạ cao thì tấm pin mới đạt được công suất tối đa.

Trung bình, tấm pin 100 Wp sẽ có công suất thực bằng 50 Wh.

Nếu mỗi ngày có 10 giờ nắng sẽ sản xuất ra 500 Wh. 1 kWp pin mặt trời (1 kWp = 1.000 Wp) chỉ có khả năng sản xuất ra 4-5kWh/ngày, tức 150kWh/tháng. Sự chênh lệch hiệu suất còn phụ thuộc vào thời gian, mùa và vùng miền khác nhau.

Trên thị trường hiện nay, các nhà sản xuất phân chia hệ thống điện mặt trời thành 3 loại. Bao gồm hệ thống độc lập, hệ thống hòa lưới điện và hỗn hợp. Với hệ thống sản xuất điện mặt trời độc lập, lượng điện sản xuất dư thừa; không sử dụng hết sẽ tích trữ vào bình ắc quy.

Hệ thống hòa lưới điện sẽ không cần bộ ắc quy trữ điện. Lượng điện dư thừa sẽ được đưa vào lưới điện của quốc gia và bán lại cho EVN theo giá Chính phủ đã công bố. Chính vì không cần phải trang bị ắc quy tích trữ nên chi phí lắp đặt hệ thống điện này rẻ hơn; phù hợp hơn cho các hộ gia đình. Thậm chí, họ có thể thu lại tiền nhờ vào việc bán điện.

Giải pháp năng lượng mặt trời tại nhà. Ảnh: Shutterstock

Cân nhắc gì trước khi quyết định đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời?

Nhiều người hy vọng việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời sẽ cắt giảm đáng kể hóa đơn tiền điện hàng tháng; đồng thời có thể hòa vốn khi bán lại điện cho nhà nước. Một số đơn vị lắp đặt cũng quảng cáo đầy hứa hẹn rằng sẽ thu hồi chi phí ban đầu sau 7–8 năm sử dụng.

Tuy nhiên, khi vận hành thực tế, lượng điện sản xuất không phải lúc nào cũng như kỳ vọng. Các đơn vị cung cấp vì muốn bán được hàng nên mới đưa ra các dữ liệu lý tưởng như số giờ nắng cao, công suất phát điện cao. Nhưng khi sử dụng thực tế thường bị hao hụt nhiều.

Để một hệ thống điện năng lượng mặt trời hoạt động hiệu quả phải kết hợp được 2 yếu tố: vị trí lắp đặt và nhu cầu sử dụng.

Lắp đặt ở nơi thường xuyên có nắng là điều tiên quyết. Nhưng vị trí địa lý cũng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Bởi các tỉnh thành khu vực miền Bắc hay Bắc Trung bộ sẽ không nắng quanh năm như miền Nam và một số tỉnh Nam Trung Bộ. Thông thường, các tấm pin mặt trời được đặt trên nóc nhà, thông thoáng, không có vật cản. Nếu nhà bạn đang ở bị che chắn bởi nhiều nhà cao xung quanh thì không nên lắp đặt.

Nhu cầu sử dụng là điều rất cần quan tâm. Bởi chi phí sản xuất điện mặt trời không hề rẻ. Nếu hộ gia đình bình thường sử dụng ít điện, hóa đơn khoảng 1–2 triệu đồng; thì không nên lắp điện mặt trời. Hệ thống này chỉ đem lại hiệu quả kinh tế với những hộ đang phải chi trả tiền điện với mức giá cao nhất (2.927 đồng/kWh chưa tính VAT).

Bên cạnh đó, 2 yếu tố phụ khác cũng cần lưu ý đó là thời gian sử dụng và chi phí bảo dưỡng. Hệ thống điện năng lượng mặt trời chỉ sản xuất điện trong giờ “hành chính”; tầm 7 sáng đến 5 giờ chiều khi có nắng. Một gia đình đông người nhưng ban ngày tất cả đều đi làm, không ai sử dụng điện. Tối về mới dùng điện thì sẽ không tận dụng được hiệu quả. Bởi khi lắp đặt hệ thống hòa lưới, điện sản xuất trên mái nhà ban ngày không để dành được đến tối. Bạn phải bán lại cho EVN với giá 1.943 đồng/kWh.

Chi phí duy trì bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống hàng năm không nhiều. Nhưng vẫn tiêu tốn một khoản nhất định. Hiệu suất của pin mặt trời cũng sẽ bị giảm dần theo thời gian sử dụng. Chúng không thể giữ hiệu suất như ban đầu.

Cẩn thận với những tấm pin kém chất lượng

Pin năng lượng mặt trời khá đa dạng về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ. Những loại pin của châu Âu, Nhật Bản thường có độ bền cao hơn. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí lắp đặt, nhiều khách hàng thường chọn các loại pin giá rẻ. Hiện nay, khoảng hơn 70% pin cung ứng trên thị trường có xuất xứ Trung Quốc. Các loại pin này có giá thành rẻ hơn nhiều so với pin cùng loại nhưng nhập từ nơi khác.

Mặc dù có in dòng chữ “Technology in Germany/USA/Japan…” nhưng những tấm pin giá rẻ. Chúng có thể được lắp ghép từ các tế bào quang điện (solar cell) thải có độ nứt gãy cao và không đồng nhất. Sau khi dùng một thời gian, từ 1 đến vài năm, sẽ dễ xảy ra hiện tượng mất áp. Từ đó giảm tuổi thọ rất nhanh do các vết nứt gãy bên trong giãn nở dưới nắng nóng. Hỏng 1 cell sẽ làm hỏng cả tấm pin do các cell nối tiếp nhau. Thành ra, thay vì kỳ vọng sử dụng được trên 30 năm thì lại chỉ sử dụng được vài năm.

Hiện mức giá lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đã giảm khoảng 15% so với những năm trước đây. Nguyên nhân do có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này dẫn đến cạnh tranh về giá. Chi phí khoảng 17–18 triệu đồng cho mỗi kWp điện. Chi phí lắp đặt pin trung bình từ 5 triệu đồng trở lên tùy công suất.

Đối tượng nào thích hợp sử dụng điện năng lượng mặt trời?

Đó là những văn phòng, tòa nhà, cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà ga, sân bay… tiêu thụ lượng điện năng lớn vào ban ngày.

Những hộ gia đình ở vùng địa lý có nhiều nắng có thể đầu tư. Đối với những hộ dân có mức tiêu thụ điện bình thường, nên cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu hóa đơn điện từ 1 triệu/tháng trở lên có thể bắt đầu với hệ thống nhỏ nhất 1.5kWp; chỉ với mức đầu tư vài chục triệu đồng.

Bài: EI VEE
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua