Điểm lại 5 bộ phim bất hủ về tình mẫu tử của điện ảnh châu Á

Nhân dịp Ngày của Mẹ, hãy cùng TTGD điểm lại 5 bộ phim được mệnh danh là “bất hủ” với chủ đề tình mẫu tử

Điện ảnh châu Á vốn là cái nôi của những tác phẩm xuất sắc về tình cảm gia đình. Nhân dịp Ngày của Mẹ, hãy cùng TTGD điểm lại 5 bộ phim được mệnh danh là “bất hủ” với chủ đề tình mẫu tử.

Người Mẹ (Mother)

Nhắc đến những tác phẩm điện ảnh châu Á được giới mộ điệu đánh giá cao thì không thể bỏ qua Người Mẹ (Mother). Đây là bộ phim thứ 4 trong sự nghiệp của đạo diễn tài ba Bong Joon Ho.

Người Mẹ thuộc thể loại trinh thám ly kì pha lẫn yếu tố chính kịch. Song tình mẫu tử vẫn là chủ đề được khắc hoạ rõ nét xuyên suốt bộ phim.

Nhân vật chính trong phim là một goá phụ thậm chí còn không có tên (do Kim Hye Ja thủ vai). Bà là người mẹ hết mực thương yêu cậu con trai Do Joon (Won Bin) chậm phát triển. Dù đã 27 tuổi nhưng tâm trí cậu chỉ như đứa trẻ lên 3. Đến một ngày, Do Joon trở thành nghi phạm trong vụ sát hại nữ sinh trung học nhưng chỉ có mẹ là tin cậu vô tội. Bộ phim là hành trình người mẹ bất chấp hiểm nguy để tìm ra sự thật. Cứu đứa con trai duy nhất thoát khỏi vòng lao lý.

Bộ phim dành được giải thưởng cao nhất tại Lễ trao giải phim Rồng Xanh. Bên cạnh đó là đề cử và giải thưởng tại hàng chục lễ trao giải uy tín. Trong đó có cả Liên hoan phim Cannes.

Ngày Không Còn Mẹ (The Preparation)

Ngày Không Còn Mẹ là bộ phim Hàn Quốc ra rạp năm 2017. Không ngôi sao điện ảnh, không có chiến dịch quảng bá hoành tráng nhưng tác phẩm lại đạt được doanh thu phòng vé ấn tượng. Đồng thời được xếp vào những bộ phim lấy đi nước mắt người xem ngang ngửa với Điều Kì Diệu Phòng Giam Số 7.

Phim xoay quanh gia đình bà Ae Soon (Ko Du Shim) và cậu con trai mắc chứng thiểu năng In Kyu (Kim Sung Kyun). Sau khi biết mình bị ung thư não, Ae Soon bắt đầu dạy con cách tự lập. Bà chưa bao giờ oán trách cuộc đời vì đã sinh ra đứa con khiếm khuyết. Bà cũng không sợ phải ra đi khỏi thế giới này. Điều duy nhất bà lưu luyến chỉ là đứa con trai của mình.

Đường Sơn Đại Địa Chấn

Đường Sơn Đại Địa Chấn là một trong những tác phẩm kinh điển trên màn ảnh rộng xứ Trung năm 2010. Tác phẩm đã mang về cho đạo diễn Phùng Tiểu Cương hàng loạt đề cử ở các LHP quốc tế. Phim có doanh thu 100 triệu USD chỉ tính riêng thị trường nội địa.

Trận động đất kinh hoàng tại Đường Sơn (Trung Quốc) năm 1976 chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 23 giây nhưng nó đã thay đổi cuộc đời của 2 mẹ con Lý Nguyên Ni – Phương Đăng. Người mẹ sống suốt 32 năm trời trong dằn vặt. Tự dày vò bản thân vì không thể cứu được cả 2 đứa con. Cô con gái lớn lên với vết thương lòng sâu sắc về câu nói của mẹ: “Hãy cứu lấy con trai của tôi.”

Một trận động đất kinh hoàng đã chia lìa họ suốt 32 năm trời, và một trận động đất khác lại đưa họ về với nhau.

Người Phụ Nữ Nhân Hậu (Her Love Boils Bathwater)

Người Phụ Nữ Nhân Hậu là cái tên quen thuộc khi nhắc đến chủ đề “tình mẫu tử” trong phim LHP Nhật.

Đúng như tên gọi, bộ phim kể về Futaba – một bà mẹ đơn thân vô cùng nhân hậu. Thế nhưng số phận của cô lại gặp nhiều bi kịch. Chưa kịp định thần vì nhà tắm hơi công cộng của gia đình buộc phải đóng cửa, Futaba bàng hoàng khi hay tin bản thân bị ung thư.

Những ngày tháng cuối đời, cô lên kế hoạch thu xếp mọi việc trong gia đình. Từ thuê thám tử tìm người chồng mất tích đến gây dựng lại nhà tắm hơi. Nhờ sự ủng hộ từ mẹ, cô con gái lớn của Futaba là Azumi đã dám đứng lên đấu tranh với nhóm bắt nạt tại trường.

Áo Lụa Hà Đông

Bàn đến những bộ phim bất hủ về tình mẫu tử thì không thể bỏ qua Áo Lụa Hà Đông. Phim lấy bối cảnh Việt Nam năm 1954, khi cuộc chiến chống Pháp đang dần tới hồi kết. Dần (Trương Ngọc Ánh) là một người phụ nữ lam lũ hết mực thương yêu con cái. Vì muốn kiếm tiền may áo dài cho con đến trường, chị chấp nhận làm vú nuôi. Nhưng bi kịch ở chỗ dòng sữa quý giá của chị không phải để nuôi một đứa trẻ. Mà là cho một ông già người Tàu ở cái tuổi thất thập cổ lai hy.

Tủi nhục và đau xót nhưng chị vẫn luôn vì con mà cố gắng. Cho đến một ngày anh Gù – chồng chị phát hiện ra. Cực chẳng đã, Dần đành đem cắt chiếc áo dài cưới cho 2 cô con gái thay nhau mặc đến trường. Tuy nhiên sau này, chiến tranh tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của con gái lớn Hội An.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua