Tình người sau cơn mê vẫn xanh

Xin mượn lời một bài hát quen thuộc để mở đầu cho bài viết về một vấn đề nổi lên giữa mùa dịch Covid-19. Đó là có không ít người đang dùng cả tình yêu thương và tấm lòng của mình để tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn thời dịch bệnh. Họ là ai?

Ảnh: Shutterstock

Những ngày giữa tháng 2 vừa qua, hình ảnh người dân xếp hàng mua bánh mì thanh long lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Đó như một điểm sáng lóe lên giữa thời điểm dịch viêm phổi Covid-19 u tối. Người cha đẻ của loại bánh đặc biệt đó, không ai khác chính là “vua bánh mì” Kao Siêu Lực. Lý do khiến ông nghiên cứu, thử nghiệm loại bánh mới; theo như ông tâm sự là: “Tôi đi công tác miền Tây, thấy thanh long chín đầy ruộng; đọc báo biết nông dân không bán được hàng do ảnh hưởng dịch viêm phổi Covid-19. Tôi nghĩ đến việc thử làm bánh mì thanh long”.

Như vậy là, xuất phát từ ý định muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những người nông dân đang bị tồn đọng hàng tấn thanh long; ông Lực đã ra tay giải cứu nông sản theo chuyên môn của mình. Đó là thổi hồn vào loại trái cây vốn đã quá quen thuộc với người dân Việt. Và biến nó thành một món ăn mang hương vị mới lạ và độc đáo.

Cách giải cứu rất sáng tạo của ông Lực tuy âm thầm nhưng chứa đựng tấm lòng yêu thương và nhân ái; tạo cảm hứng cho rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp khác.

Không chỉ có ông Lực, đâu đó trong xã hội, “tình người” vẫn luôn tồn tại. Nó được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Bất kể không gian và thời gian. Bất chấp bình yên hay sóng gió dịch bệnh.

dịch viêm phổi Covid-19

Bánh mì thanh long đỏ gây “bão” thời gian qua. Ảnh: Internet

Thiên thần áo trắng giữa đời thực

Khi thông tin về em bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc nhiễm Covid-19 rộ lên; bên cạnh nỗi lo lắng dành cho bệnh nhi còn quá nhỏ tuổi, còn có một băn khoăn khác. Ai là người trực tiếp theo dõi bệnh tình và chăm sóc cho em? Một nhóm 4 y bác sĩ được phân công làm công việc khó khăn này. Hồi hộp xen lẫn lo lắng, họ thay phiên nhau chăm sóc bệnh nhi; bất chấp mối nguy lây nhiễm chéo luôn rình rập trên đầu.

Chỉ đến khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm nCoV âm tính của bé; điều dưỡng Phùng Thị Liên Tỉnh – 1 trong 4 y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bé, mới thở phào nhẹ nhõm. Chị khẳng định: “Giá trị nghề điều dưỡng là theo sát, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh bằng tất cả tâm huyết của mình. Rồi dịch bệnh sẽ được kiểm soát, chúng ta rồi sẽ được đoàn tụ bên gia đình”.

Không may mắn như các y bác sĩ ở Việt Nam, tại Trung Quốc – nơi khởi nguồn dịch bệnh. Có hàng nghìn bác sĩ, điều dưỡng không may nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Nhiều người trong số họ đã qua đời.

Đó là bác sĩ Peng Yinhua mới 29 tuổi, tạm hoãn ngày cưới để chiến đấu với Corona. Khi anh nằm xuống, tấm thiệp cưới vẫn còn mãi trong ngăn bàn; lấp đi cả ước mơ và tương lai của chàng trai trẻ tuổi.

Bước vào cuộc chiến chống dịch viêm phổi Covid-19, các y bác sĩ đều xác định ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang bàn tay. Đã bước chân qua cánh cửa cách ly, có khi chẳng có ngày trở về. Nhưng họ vẫn dấn bước. Vì cái tâm của vị lương y như từ mẫu thôi thúc họ phải hành động, phải xả thân. Bệnh nhân cần họ, cả cộng đồng cần họ, và họ xứng đáng được xã hội trân trọng, tôn vinh.

 

Hoạt động phát khẩu trang diễn ra khá phổ biến khắp cả nước trong dịch viêm phổi Covid-19. Ảnh: Internet

Những chiếc khẩu trang biết nói trong dịch viêm phổi Covid-19

Câu chuyện về những chiếc khẩu trang nhỏ bé đã chiếm quá nhiều spotlight trong mùa dịch bệnh. Trước thực tế người dân không thể tìm mua khẩu trang cho mình; nhiều cá nhân và doanh nghiệp đứng ra phát miễn phí cho người dân, như một cách truyền tải thông điệp về cách phòng ngừa dịch bệnh.

Những cái tên như nha khoa Răng Xinh, Invietnhat… đã trở thành điểm sáng, khi các doanh nghiệp này cùng chung tay, mang tới những chiến dịch phát khẩu trang miễn phí cho cộng đồng. Còn có nhiều chị em lập nhóm tình nguyện may khẩu trang vải tặng tiểu thương, bà con để phòng dịch.

Lan rộng lòng nhân ái quanh ta

Không có công thức chung cho cái gọi là “lan rộng lòng nhân ái”. Chỉ một điểm sáng nhỏ cũng đủ để trở thành đốm lửa lớn nếu được nhân rộng bởi những tấm lòng yêu thương. Bạn và tôi, hãy tiếp sức cho những con người đang phải gồng mình vượt qua thời dịch viêm phổi Covid-19.

Hãy dừng lại một phút để mua giúp người nông dân một quả dưa hấu, đôi ba ký thanh long; đừng xa lánh những y bác sĩ ngày ngày phải tiếp xúc, chữa trị cho người bệnh.

Trên hết, đừng tiếp tay cho kẻ xấu có cơ hội trục lợi từ việc kinh doanh vô đạo đức.

Mỗi người một tay là đủ để đánh thức tình người trong cộng đồng. Đó là thứ vũ khí lớn nhất giúp chúng ta bình an đi qua dịch viêm phổi Covid-19.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua