Giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM theo tiêu chí “ai ở đâu thì ở đó” đã khiến lượng máu tiếp nhận ở các điểm hiến máu cố định như bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy… vô cùng hạn chế. Trong đó, thiếu trầm trọng là hai nhóm máu O và A.
Trước đó, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TPHCM, cho biết từ tháng 5-2021 đến nay, đặc biệt là trong hai tháng 7 và 8, các hoạt động hiến máu nhân đạo tại TPHCM gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hàng loạt đợt hiến máu tại các bệnh viện quận huyện và TP. Thủ Đức đều bị hủy do người dân e ngại dịch bệnh.
Dự án chuyển đổi số trong công tác hiến máu nhân đạo tại TPHCM
Hội chữ thập đỏ TP.HCM hôm 17/8 đã tổ chức buổi họp trực tuyến nhằm trao đổi và góp ý bổ sung dự án chuyển đổi số trong việc nâng cao năng lực quản lý hiến máu. Các đơn vị nêu trên đã thành lập tổ dự án chuyển đổi số trong công tác hiến máu nhân đạo. Trong đó có website www.giotmauvang.org.vn hoạt động thử nghiệm và app phục vụ công tác hiến máu sắp ra mắt trong thời gian tới.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, phụ trách xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho công tác hiến máu nhân đạo tại TPHCM. Ông khẳng định số hoá quy trình hiến máu nhân đạo nói chung và app phục vụ hiến máu tình nguyện nói riêng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm thời gian; đồng thời lập kho dữ liệu về công tác này.
Hiện nay, tổ dự án đã xây dựng hoàn chỉnh website cùng ứng dụng cho smartphone và đang thử nghiệm. Nền tảng sẽ cho phép người tình nguyện đăng ký hiến máu trực tuyến. Sau đó thông báo thời gian địa điểm rõ ràng, tránh tụ tập đông người và giảm thời gian chờ đợi.
Nền tảng cũng xây dựng được các chứng nhận số, dễ dàng tra cứu cho người hiến máu tình nguyện hơn so với chứng nhận giấy. Do được số hoá nên khâu sàng lọc tiếp nhận được thực hiện ngay từ đầu để giảm công tác xét nghiệm tốn kém, đảm bảo vệ sinh an toàn máu.
Mỗi lần hiến máu, bạn có thể mang lại cơ hội cứu sống 3 người
Thể tích máu được ước tính là chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Như vậy, một người trưởng thành nặng trung bình 50kg sẽ có lượng máu khoảng 5000 ml. Tuy nhiên, quy định hiến máu mỗi lần là không quá 9 ml/kg và không quá 500 ml trong một lần hiến. Vậy nên, lượng máu cho đi là không quá nhiều.
Hơn thế nữa, khi một lượng máu trong cơ thể bị mất đi, hệ thống tủy xương sẽ có phản ứng tạo ra nguồn máu mới. Chính điều này giúp máu trong cơ thể có cơ hội được thay đổi. Chất lượng hồng cầu được trẻ hóa nên sẽ làm việc hiệu quả hơn.
>>Xem thêm: Đưa tay đây nào, hiến máu ngay bạn nhé!
Nhờ chu kỳ sinh lý của máu, hiến máu hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe nếu thể tích máu hiến phù hợp với thể trạng cũng như tần suất hiến hợp lý. Thậm chí, hiến máu còn được xem là một cơ hội giúp sức khỏe được tăng cường tốt hơn.
Ngoài ra, hiến máu đem lại cho bạn cảm giác tuyệt vời vì có thể cứu giúp mạng sống của ai đó. Phần máu bạn hiến được chia thành nhiều thành phần theo nhu cầu của bệnh nhân. Mỗi lần bạn hiến máu, bạn có thể giúp được 3 – 4 người nhận.
Sau khi hiến máu, việc thiếu máu tạm thời có thể khiến bạn cảm giác hơi mệt. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi. Bạn sẽ cần nằm nghỉ một chút sau khi hiến xong. Sau đó, trở lại làm việc nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc. Lượng máu sẽ nhanh chóng hồi phục.
Tiếp Thị Gia Đình