Tác phẩm Biển mặn của tác giả Nguyễn Trinh dự thi Vòng sơ khảo cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018. Mời bạn đọc thưởng thức và đừng quên Like bình chọn để tác giả có cơ hội bước vào vòng Chung kết nhé!
Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018
Xế chiều.
Nền trời phả đều một màu xanh trong như hủ màu nước đã được mặc định của anh họa sĩ pha sẵn cho những người mới tập vẽ để vẽ nền trời. Phía xa xa, những con thuyền đang nhấp nhô ẩn hiện di động khắp mặt biển như những quân cờ dưới tay vị tướng chỉ huy – thần mặt trời.
Những con sóng chiều hiền hòa ôm ẵm nhau; dịu dàng như một người mẹ đang vuốt ve, âu yếm đứa con yêu dấu của mình sau bao ngày xa cách trở về.
Tôi và Nhiên ngồi trên bãi cát; tay con bé cứ không thôi vân vê những nắm cát trắng mịn. Rồi khi cơn sóng trào lên làm ướt cát, nó lại móc chỗ này rồi đắp chỗ kia, hì hụp mãi rồi cũng nắn thành cây cầu cát be bé bắt qua hai cái ụ cát nho nhỏ. Mỗi lần nhìn thấy cảnh đó, tôi lại thấy khó hiểu vì chiều nào ra biển nó cũng chơi cái trò này.
Khoảng thời gian đầu, nó làm không khéo và tham lam nên cái cầu cát cứ sập. Sau những lần thất bại đó nó cũng rút ra được kinh nghiệm cho bản thân. Sau này, tôi thấy nó lấy hai cái cây củi nhỏ rồi bẻ những nhánh nhỏ đặt lên hai cái cây ấy như các bậc thang, rồi sau đó nó đắp cát ướt lên thành một cây cầu hoàn chỉnh. Nhiều lần tôi cố ý hỏi nó “Em đắp cầu để làm gì vậy?”
Nó chỉ cười rồi kêu: “Bí mật”.
Ừ, thì bí mật.
Trẻ con mà khi nó có bí mật thì nó làm ra vẻ to đùng như cái khinh khí cầu chẳng chịu xì hơi ấy chứ. Mặc trò chơi thường lệ của con bé, tôi nằm xuống bãi cát hít một hơi thật sâu để cho cái mùi biển nồng the thé căng phồng khắp lồng ngực rồi cố thở ra một hơi thật mạnh để những ngổn ngang trong lòng…bung tỏa.
***
Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018
– An ơi! Nấu thêm lon cơm nữa nha con. Chắc trưa nay anh mày về đấy. Giọng mẹ tôi văng vẳng từ hàng dừa nói vào.
– A! Anh hai chuẩn bị về rồi. Em sắp có quà rồi chị tư ơi! Thích quá! – Con Nhiên hét to và nhảy cẫng lên vì vui sướng.
Tôi nói nó thế thôi; chứ tôi cũng như nó. Cứ mỗi lần anh hai điện về cho má nói còn mấy ngày nữa về là cả nhà xôn xao cả lên: má thì giặt mền gối mới cho anh; tôi thì thay hồ cá thật sạch để anh khen; con Nhiên thì lo vẽ những bức tranh và dán thủ công những con ốc thành những hình lưu niệm khác lạ để khoe anh…
Nhà tôi có bốn anh em: Bình, Minh, An, Nhiên.
Hai anh tôi và ba tôi đều làm nghề biển. Hai anh tôi đi hai ngư trường khác nhau kẻ Nam người Bắc. Còn ba tôi; ông cũng là một dân chài kì cựu nhưng vì giờ cũng đã có tuổi nên ông không lênh đênh trên những chuyến biển xa như thời trẻ nữa mà chỉ đánh cá lưới sâu, đi về trong ngày.
Gia đình tôi và cả làng ven biển chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Từ già đến trẻ, đa số đàn ông trong làng đều theo nghiệp biển. Với họ, biển chính là người mẹ hiền mang đến nguồn sống cho gia đình và cũng là nơi giúp họ trả cái nợ mưu sinh.
Dẫu cho có lúc đói, lúc no; nhưng những con người b ình dị nơi đây chẳng có ý đoạn tuyệt với biển bao giờ. Họ ra khơi rồi lại trở về. Vòng tuần hoàn ấy cứ tiếp diễn hết đời này sang đời khác.Con Nhiên đang chơi lò cò nhà hàng xóm bỗng hét to.
– A! Anh hai về! Anh hai về!
Tôi và má mừng rỡ chạy ra đón anh vì ngót một năm tròn giờ anh mới về. Má mồ hôi mồ kê nhễ nhại; nụ cười toẹt cả khóe môi, đôi tay chưa kịp lau vội những giọt nước men mẻn đang chảy ào xuống mép lông mày đã vội xoa đầu anh nói lớn:
– Trời ! Tèo! Sao lần này con ốm và đen quá vậy con?
– Dạ. Con cũng vậy mà má. Con trai mà trắng chi cho nhiều. Ở biển, trắng quá kiếm sao cho ra vợ. Anh hai vừa nói vừa cười hí hửng.
– Tổ cha mày! Già đầu rồi mà vẫn cà rà cà rởn vậy à. Mau mau vào nhà nghỉ xíu, tắm rửa rồi ăn cơm.
– Anh hai! Anh có mang cá bảy màu về cho em không vậy?
– Chết! Út ơi! Đợt này cá bảy màu anh hổng thấy bán nữa nên anh chưa mua được nhưng bù lại anh có mua búp bê cho Út nè.
– Hông. Út chả thích đâu… thích cá bảy màu cơ. Nói rồi con nhỏ mắt ươn ướt quay ngoắt một trăm tám mươi độ bỏ đi không nói tiếng lớn tiếng nhỏ nào nữa. Cả nhà nhìn theo cái dáng đi đỏng đảnh của nó vừa thấy tội nghiệp vừa không nhịn được cười.
Bữa cơm trưa thịnh soạn được bày ra.
Cả nhà vừa ăn, vừa nói, vừa cười oang oang khắp cả góc nhà. Anh hai nói anh về nhà chơi nửa tháng rồi đi tiếp chuyến biển cuối cùng sau đó ở nhà cưới vợ. Anh đã hứa với chị Mi – người yêu của anh rồi. Nhà chị muốn cưới về hai vợ chồng anh góp vốn làm ăn trên bờ; không muốn anh nay đây mai đó nữa.
Ba má tôi nghe thấy thế cũng lấy làm vui lắm. Con Nhiên đỏng đảnh quên chuyện con cá bảy màu ngay lập tức và nó năn nỉ anh hai cho nó được bưng một quả và đứng giữ bình bông cho cô dâu…
(Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018)
Câu chuyện đang rôm rả. Bỗng, anh hai hỏi “Mấy nay thằng Minh có gọi về không má ?” thì ba má im bặt. Má nói “Con biết tính nó rồi đấy! Khi nào nó về là mình biết về thôi. Nói hoài nó cũng vậy…”. Nói chưa dứt câu, mặt má mêu mếu; các nếp nhăn ở khóe mắt co dúm lại…
Anh ba tôi đi ngư trường phía bắc; tính anh thì khác với anh hai. Anh hai vui vẻ, quan tâm chúng tôi bao nhiêu thì anh ba lại hoàn toàn ngược lại. Lúc nào anh cũng im im và khuôn mặt thì lạnh lùng méo xệch như các diễn viên thủ vai phản diện.Anh hai ba mươi tuổi.
Anh ba hai tám tuổi. Anh hai và anh ba vốn ít thích nhau, cứ gặp là đấu khẩu. Sở dĩ có chuyện như vậy vì hồi trước hai anh đều có tình cảm với chị Mi. Nhưng chị Mi thì chỉ yêu anh hai nên anh ba thất tình rồi bỏ đi biển biền biệt. Anh đi nhanh thì một năm lâu thì đến tận hai, ba năm mới về.
***
(Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018)
Sáng. Mặt trời còn ngái ngủ vắt lơ lửng giữa mặt biển và bầu trời. Những dải da cam sậm màu mỗi lúc một nhạt dần, mặt trời lù lù lú lên như một chiếc mâm đồng khổng lồ. Khắp đại dương bao la phủ đầy một màu trắng lấp lánh của hàng tỉ những hột sáng, óng ánh như dát vàng.
Gió biển hì hục thổi từng luồng mát lạnh. Cái thanh âm thanh bình của một làng chài bước vào một ngày mới cứ nhịp nhàng như vậy. Chưa hết, cứ nhắc đến làng chài thì chắc ai ai cũng biết đến một mùi đặc trưng riêng rất dễ nhận ra, dù cho có người dân nơi đây có cố ý pha trộn thêm với một vài mùi khác đi chăng nữa.
Cái mùi ngờ ngợ như hơi khai, hơi nồng, vừa mằn mặn mà vừa tươi mát phả đều khắp không gian cao rộng của bờ, bến, bãi. Sáng dậy dù muốn, dù không, dù vui, dù buồn thì người ta cũng phải hít thở một hơi thật sâu để sinh tồn. Mặc cho, lắm lúc người ở xa đến hay kẻ xa quê lâu ngày trở về phải bịt mũi lại rồi nhổ phẹt một đống nước bọt…vì cái mùi khai nồng họ cho là rất khó ngửi ấy.
Sáng nay, anh hai lại vô Vũng Tàu đi biển.
Anh nói chuyến này là chuyến cuối. Anh đi khoảng nửa năm nữa rồi về quê cưới vợ luôn. Lúc anh sắp đi, con Nhiên lại dặn mua con cá bảy màu nữa. Chả hiểu anh hai nói gì cho nó biết về con cá bảy màu mà nó theo đòi miết cho bằng được. Mặc cho lắm lần, tôi dụ cho bánh kẹo mà nó cũng chẳng chịu hé răng.
***
(Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018)
Lại đến mùa đông. Cái mùa mà những gia đình theo cái nghiệp biển lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Thời buổi bây giờ khí hậu đang dần biến đổi thất thường nên dự báo thời tiết đôi khi cũng chẳng biết đâu mà lần. Một năm gì mà đến mười mấy cơn bão?
Ở đất liền, những người bà, vợ, con, mỗi ngày đều thắp nén hương cầu mong cho những người con, chồng, cha của mình đang lênh đênh ngoài đại dương bao la kia gặp được nhiều may mắn và lưới bạc bội thu cá , mực. Nơi đó, tất cả họ – những người con của biển chỉ có một mái nhà chung là cả vòm trời quê hương cao rộng.
Còn phía dưới chân, là mạn thuyền gỗ và cách nó trong gang tấc là những hiểm nguy, rủi ro đang rình rập. Và hơn ai hết chính họ thôi, chính họ hiểu rằng, sự sống của bản thân không thể đánh cược với biển cả bao la. Nhưng họ là con của biển! Vậy nên, khi những chiếc thuyền mà vị mặn đã ngấm và tan chảy trong từng thớ vỏ chuyển động cùng những cánh buồm no gió thì họ lại tiếp tục ra khơi.
Biển động. Ba ở nhà.
Ông ôm khư khư cái cái ti vi và cập nhật thông tin về thời tiết từng bản tin một. Má thì đứng ngồi không yên giục ba gọi điện cho hai anh. Anh ba ở ngư trường phía bắc thì ổn, anh nói cuối năm anh về. Còn anh hai thì đang ở trong vùng có bão nên không liên lạc được. Cả nhà đứng ngồi không yên.
– “Tít…tít….tít”
– A lô. Anh Năm… – Giọng người đàn ông ở đầu dây bên kia ngập ngừng.
– Anh ơi! Thằng Tèo… mất rồi…Tối hôm qua bão đến, sóng lớn quá…Tèo mất rồi…từ tối đến giờ tụi em vẫn chưa tìm được …thằng bé…
Ba tôi thả máy xuống đất. Má tôi té ngửa ra sàn. Tim tôi như ai móc ra khỏi lồng ngực. Con Nhiên lăn lộn, khóc ré lên…
Ba tôi bắt xe vào liền Vũng Tàu. Thuyền anh tôi đi trả tiền tàu máy cho ba chiếc thuyền khác khoanh vùng nhờ tìm xác hộ. Thế nhưng sau ba ngày vẫn không tìm được thi thể anh. Đại dương bao la, mênh mông quá! Nó là nhà nhưng chẳng giúp chúng tôi tìm thấy người thân của mình.
Nước mắt ba tôi giàn giụa.
Cái khí chất cứng rắn của một người dân chài trong ông đã ngã quỵ. Ông bất lực cố hét lớn giữa đại dương một tiếng kêu nhưng chẳng còn đủ sức, bởi tiếng gió gào thét và dòng nước mặn đắng như nước mắt kia đã nén chặt tâm can ông. Khóe mắt ông ráo hoảnh, đỏ hoe và những giọt nước kia dẫu có cố ép thì cũng chẳng thể chực trào.
Tưởng như, đại dương bao la kia đã chứa đầy nước mắt và nó chẳng thể bao dung thêm cho một giọt nước mắt nào rơi xuống nữa và ông xụi xuống…
Đám tang diễn ra sau năm ngày tìm kiếm anh tôi mất. Má tôi khóc xỉu lên xỉu xuống. Anh ba tôi cũng mới kịp về. Ba tôi không nói không rằng cứ ngồi lặng nhìn vào di ảnh của anh hai.
Đám tang anh tôi khác lắm. Khác nhiều. Khác…vì không có thi hài. Không có tiễn quan tài về nơi hoàng tuyền như thông lệ… Người ta đến viếng, ai cũng xót thương cho số kiếp của anh tôi. Chị Mi chết lặng nằm bều ở một góc tường. Con Nhiên mắt sưng húp ngồi lẩm bẩm chuyện con cá bảy màu giữa anh với nó. Tiếng kèn, tiếng nhạc, tiếng khóc hòa lẫn tiếng sóng biển rì rào… ai oán cả một xóm.
***
(Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018)
– Nhiên! Kể chuyện con cá bảy màu cho chị nghe đi.
– Chị ơi! Anh hai nói con cá bảy màu là con cá phép thuật đó. Nó có bảy màu sắc như bảy sắc cầu vồng. Nó sẽ luôn mang lại hạnh phúc, may mắn đến cho mình và mọi người xung quanh khi mình có nó đó…
Tôi cứng họng. Giá mà có con cá bảy màu đúng như anh hai từng dụ nó thì tốt biết mấy. Tôi sẽ ước cho anh hai …tái sinh trở lại với gia đình tôi…
***
Tuần một năm của anh tôi xong, anh ba tôi lại thưa với ba má về chuyện chuẩn bị đi những chuyến biển tiếp theo. Nghe đến đó, má tôi thều thào không ra hơi:
– Đi đâu mà đi con. Anh mày còn chưa đủ sao…
Ba tôi im lặng hồi lâu rồi nói.
– Con suy nghĩ kĩ chưa. Thôi…ở nhà làm bờ con à… Vậy cũng đủ rồi.
– Không đâu ba má. Giọng anh ba quyết đoán.
– Ở đời sống chết có số hết mà ba má. Nghề biển đã là nghiệp của gia đình mình từ bao đời nay rồi. Ai cũng sợ thử thách, hiểm nguy thì còn ai ra khơi bám biển? Con đi rồi sẽ trở về. Ba má cứ an tâm đi.
Rồi anh đi. Sự dứt khoát của anh cũng như những lần trước.
Nhưng suy nghĩ của anh, hành động của anh thì khác trước rồi. Anh đi những chuyến biển ngắn, khoảng hai, ba tháng là anh vô. Trên thuyền nơi nào bắt được sóng điện thoại là anh tranh thủ gọi về nhà. Từ lúc anh hai mất anh ra dáng một người anh cả biết quan tâm và sẻ chia với gia đình nhiều lắm. Có lần, tôi len lén thấy anh nhìn di ảnh anh hai mà nước mắt chảy ròng ròng, rồi anh đốt nén hương lẩm bẩm khấn vái điều gì đấy không rõ.
***
(Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018)
Mặt trời đã di tản về phía trời tây. Biển cả bao la như một vị chỉ huy trưởng của dàn nhạc giao hưởng thiên nhiên mà các nhạc công là vô vàn những con sóng nhỏ đang biểu diễn một buổi hòa nhạc đủ các cung bậc cao thấp giữa đại dương mênh mông.
Trên trời, những đám mây bay quyện vào nhau như một bức tranh di động mà nét vẽ của người họa sĩ đang cố chấm phá liên tục để bắt cho kịp cái thần của cảnh vật. Phía bãi cát, con Nhiên đang làm nhà điêu khắc xây chiếc cầu cát của mình một cách tỉ mẩn đến từng chi tiết dù nó biết rằng chỉ tối đến thôi, khi thủy triều lên thì chiều mai đến bãi cát này nó sẽ không nhìn thấy dấu tích của một cây cầu cát nào nữa.
Từ sau ngày anh tôi mất, nó không đòi cá bảy màu nữa nhưng cứ chiều đến nó lại ra biển làm chiếc cầu cát. Thoạt đầu, tôi nghĩ chắc đó là một trò chơi trẻ con của nó thôi. Nhưng nhờ có bữa nó ốm, tôi mới biết rõ tâm ý của nó “Chị dẫn em ra biển làm chiếc cầu cát đi chị. Vì có chiếc cầu cát anh hai mới về được…”. Vậy nên những lần sau này, tôi đều cùng nó làm chiếc cầu cát…
(Cuộc thi Truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018)
Trời sẫm tối, tôi giục em trở về nhà cuốn lưới phụ má để chuẩn bị cho chuyến biển rạng sáng ngày mai của ba. Chị em tôi nắm tay bước đi để lại sau lưng tiếng sóng biển rì rào đang nô đùa trên bờ cát và những khúc nhạc không lời của dàn nhạc giao hưởng cứ mãi ngân vang dồn dập. Cũng chính trong lúc đó, tôi ngờ ngợ như mình đang nghe thấy tiếng hát hoan ca của những người con của biển.
Tiếp Thị Gia Đình