Đầu tháng 5/2020, vài ngày sau khi Chính phủ nới lỏng cách ly xã hội vì Covid-19, bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam phát một đoạn clip ngắn với chủ đề: “Môi trường trở nên trong sạch hơn khi con người ở nhà nhiều hơn”. Hình ảnh bãi biển không còn những túi ni lông đựng rác, đường phố giảm hẳn khói bụi… khiến ai nấy đều vui mừng.
Họ nhận ra bên cạnh vô vàn mặt tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng mang đến nhiều điều tích cực cho cuộc sống người dân. Một trong số đó là làm xanh, sạch, đẹp môi trường.
Thiên nhiên trỗi dậy khi con người không… động đậy
Khoảng thời gian cách ly toàn xã hội vì Covid-19, mọi người đều hạn chế tối đa việc ra ngoài, tạm ngừng thương mại, sản xuất. Sự chậm lại đáng kể trong hoạt động kinh tế đã tác động không nhỏ đến môi trường. Đáng mừng khi đây là tác động mang tính tích cực.
Scott Collis – nhà khoa học khí quyển tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne – cho biết, hình ảnh thu được từ vệ tinh và các máy theo dõi khí quyển khác đã ghi nhận sự giảm ô nhiễm không khí đáng kể. Ở Trung Quốc, các ngành công nghiệp nặng và nhiều nhà máy đóng cửa. Nhờ đó, nồng độ oxit nitơ và carbon monoxide thải ra môi trường giảm tới 50%. Tương tự tại New York, những chất hóa học gây ô nhiễm thải ra từ các nhà máy cũng sụt giảm hẳn.
Do ngành du lịch “tê liệt”, thiên nhiên và môi trường có thêm cơ hội chuyển biến tích cực rõ rệt. Số phi cơ bay trên bầu trời trở nên thưa thớt. Bầu khí quyển khỏi phải kêu cứu vì hứng lượng khí độc khổng lồ mỗi ngày. Không còn khách du lịch, dòng kênh Venice trở nên trong vắt với những đàn cá nhỏ bơi lội. Rùa biển ở bang Odisha (Ấn Độ) đã tận dụng thời cơ này độc chiếm cả bờ biển Rushikulya cho việc “nghỉ dưỡng” và đẻ trứng.
Ở Việt Nam, khi chúng ta ở nhà nhiều hơn ra đường, các phương tiện giao thông vô tình được “đắp chiếu”. Không khí thoát cảnh phải hứng một lượng lớn khói bụi mỗi ngày, mỗi giờ. Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội, TP. HCM giảm rõ rệt.
Đừng chỉ lo cho bản thân và bỏ mặc ngôi nhà chung
Chúng ta không thiếu các chương trình hành động vì môi trường. Nhưng rồi dù có rầm rộ đến mấy, sau đó, mọi thứ lại như đâu vào đấy. Bởi đơn giản, chúng ta vẫn lựa chọn sự ích kỷ cá nhân. Trong đó bao hàm cả việc đặt lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe của thiên nhiên.
Dịch bệnh xảy ra. Chúng ta buộc phải cách ly ở nhà. Các nhà máy buộc phải giảm hoặc dừng hoạt động. Mạng lưới giao thông ngưng trệ… Tất cả những “cái dừng” đó vô tình trả lại sự trong lành vốn có cho thiên nhiên.
Nhưng liệu thiên nhiên sẽ tiếp tục trong lành như thế khi dịch bệnh chấm dứt? Chắc chắn là không! Ngay khi nào con người hoạt động bình thường trở lại, họ sẽ tiếp tục tàn phá môi trường.
Thậm chí, ngay trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành này, môi trường vẫn bị tổn hại bởi thói quen vô ý thức của chúng ta. Đó là những chiếc khẩu trang y tế dùng xong vứt la liệt trên đường phố, đưa mầm bệnh lan truyền ra cộng đồng; những chiếc hộp nhựa, túi ni lông đựng thức ăn thời giao hàng tận nơi vương vãi khắp lối; phân loại rác thải sinh hoạt vẫn là khái niệm xa lạ với rất nhiều người…
Ngày Trái Đất bị quên lãng vì Covid-19
Thậm chí, chẳng mấy ai hay biết hoặc nhận ra Ngày Trái Đất (22/4). Chủ đề năm nay được Liên Hiệp Quốc lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, vẫn có những hoạt động lan truyền thông điệp môi trường; kêu gọi thay đổi ý thức… bằng hình thức trực tuyến. Nhưng rất ít người còn thừa tâm trí để hưởng ứng. Đừng nói đến chuyện kêu gọi người xung quanh chung tay. Ai cũng chỉ khư khư ở yên trong nhà. Và họ mặc định chuyện kia là của người hay tổ chức nào đó, không phải của mình.
Chúng ta nên nhớ một điều: môi trường “tự dưng” trong lành hơn là nhờ Covid-19 chứ chẳng phải ý thức mỗi người được nâng cao. Có quá nhiều người mới chỉ chăm chăm giữ sạch nhà mình mà không cần biết con phố mình ở ô nhiễm thế nào; con hẻm trước mặt mình nhiều rác ra sao.
Virus Corona đã làm được một điều mà trước nay chưa ai thực hiện được. Đó là thức tỉnh con người nhìn nhận lại những hành động đầu độc, tàn phá môi trường.
Chừng nào ý thức được thiên nhiên khỏe mạnh, chúng ta mới khỏe mạnh. Thiên nhiên “bị bệnh” sẽ đe dọa cuộc sống của nhân loại. Như vậy, chúng ta mới hy vọng trái đất không bị bức tử bởi bàn tay con người.
Thay lời kết
Chúng ta thường tự hỏi, mình được lợi gì khi chung tay gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp? Đừng nghĩ bạn làm điều ấy vì cộng đồng! Bạn đang làm vì chính bạn và con cháu bạn sau này.
Khi mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, viễn cảnh con cháu chúng ta phải đeo hai ba lớp khẩu trang chống độc trong tương lai là hoàn toàn có cơ sở.
Vậy nên, hãy xem Covid-19 là tiếng chuông cảnh tỉnh bản thân. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đừng đợi đến Ngày Trái Đất mới sực nhớ ra mình phải làm một điều gì đó. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, chẳng hạn như không xả rác bừa bãi, ngay hôm nay.
Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình