Nếu tầm nhìn của Tim Marshall ở “Những tù nhân của địa lý” bao quát toàn bộ vùng lãnh thổ của các quốc gia thì đến Chia rẽ, góc nhìn ấy được thu lại gần hơn. Đồng thời mang tính thời sự hơn. Trong nhà tù địa lý đó, loài người đang không ngừng tách biệt nhau ra. Bởi những đường đứt gãy đáng sợ và những chia rẽ sâu sắc hơn.
Những suy ngẫm từ bức tường bê tông
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh về những bức tường bê tông. Bên cạnh đó là tường sắt lạnh lẽo đầy căng thẳng khắp xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Marshall nhận định việc mở rộng tự do giữa các nước đang dần bị thay thế bởi “não trạng pháo đài”. Bằng chứng cho thấy, các quốc gia từ Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Palestine đến Mỹ và Anh đều đang phản ứng mạnh mẽ với toàn cầu hoá. Tất cả phải đối mặt với thách thức từ làn sóng di cư bất hợp pháp; xung đột tôn giáo… Đến xói mòn văn hóa bản địa; mối đe dọa từ khủng bố. Cách nhanh nhất để duy trì ý thức về bản sắc dân tộc chính là dựng lên hàng dặm các bức tường.
Theo Marshall, mỗi bức tường đều tồn tại ở hai dạng. Hữu hình và vô hình. Bức tường hữu hình được dựng lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Để ngăn chặn khủng bố và kiểm soát nhân khẩu học. Nhưng những bức tường hữu hình này được bắt nguồn từ chính tâm trí của con người. Chúng ở đó để phản chiếu những bất đồng trong tâm thức và tư duy. Tức con người vẫn đang tự chia rẽ nhau bằng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng chính trị…
Những bức tường hữu hình có thể phá bỏ đi nhanh như khi chúng được xây nên. Nhưng để dỡ bỏ bức tường ý niệm “ta và chúng nó” thì lại không hề dễ dàng. Chính vì thế, khi nghiên cứu về những bức tường, Marshall đã sáng suốt chỉ ra rằng ta không chỉ đánh giá chúng như “cái gì”. Mà còn phải nhận diện được phần cốt lõi “tại sao” sâu bên trong.
Đường biên giới gây tranh cãi giữa Hoa Kỳ – Mexico
Về đường biên giới gây tranh cãi giữa Hoa Kỳ – Mexico, tác giả cho rằng bức tường mà Trump muốn dựng lên tại đây là một biểu tượng mạnh mẽ. Cho thấy sự chia rẽ có sức mạnh thúc đẩy cỗ máy chính trị. Bởi nó đại diện cho một thời điểm cụ thể trong lịch sử Hoa Kỳ. Đây không chỉ là một bức tường vật chất mà nó chính là nỗ lực của Trump. Nó xoay quanh ý tưởng “chia tách người Mỹ với người không phải Mỹ”. Từ đó cường quốc này có thể định nghĩa xem nước Mỹ là gì. Và nên là gì trước sự chia rẽ dần lớn hơn của những vấn nạn. Tiêu biểu như phân biệt chủng tộc, sự đa dạng trong đức tin tôn giáo. Bên cạnh đó là những đụng đột gay gắt của các đảng phái.
Dù không xuất hiện trên thực tế, kế hoạch này đã phần nào hoàn thành nhiệm vụ của nó khi đánh vào nỗi sợ của các dân tộc khác. Góp phần làm an lòng các cử tri của Trump. Ít nhất ý tưởng về bức tường khiến những ai “muốn có hành động” cảm thấy rằng đã có hành động.
>> Xem thêm: Sách hay cho năm mới: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian
Những rạn nứt trong lòng Liên minh Châu Âu
Marshall đặt ra vấn đề về những rạn nứt trong lòng Liên minh Châu Âu. Dù biểu tượng tối thượng của sự chia rẽ về chính trị ở Châu Âu – Bức tường Berlin – đã sụp đổ hơn ba mươi năm. Niềm hy vọng về chủ nghĩa quốc tế và cảm giác thống nhất lại ngày càng mờ nhạt đi. EU đã không được chuẩn bị để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư. Cùng với đó là khác biệt văn hoá giữa Đông – Tây Âu, sự trỗi dậy của Nga, và chủ nghĩa khủng bố.
Vậy nên đường biên giới từ Baltic đến Địa Trung Hải được siết chặt. Ngày càng nhiều bức tường chắc chắn trở thành một phần của Châu Âu. Mối quan hệ giữa các nước thành viên và những lý tưởng cơ bản của EU lại đang bị lung lay hơn bao giờ hết.
Marshall đã viết một cách thẳng thắn về những vấn đề nan giải của mỗi quốc gia. Tác giả cũng đề cập đến sự chia rẽ trên toàn thế giới. Mặc dù những bức tường đại diện cho bất đồng mà rõ ràng là con người rất khó vượt qua, ông vẫn giữ lại niềm hy vọng tích cực trước tình hình này. Bởi con người bình đẳng với nhau. Lịch sử thì chứa đựng vô số khả năng. Trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, vẫn có triển vọng lịch sử sẽ lại xoay hướng về phía đoàn kết và thống nhất.
Tiếp Thị Gia Đình