Cây bạch quả thường được gọi là ginkgo hay ginko biloba. Nó được xem là biểu tượng của sức sống bền bỉ và mang đến niềm hy vọng. Bởi loại cây này có khả năng kháng dịch bệnh, sâu bọ rất cao và tuổi thọ đến hàng nghìn năm. Gần đây, các nhà khoa học ở Mỹ đã giải mã được bí mật đằng sau sức sống bền bỉ của loại cây này.
Chất hoá học trong cây bạch quả
Các nhà khoa học ở Mỹ và Trung Quốc còn nghiên cứu những cây bạch quả từ 15 – 667 tuổi. Họ lấy mẫu chiết từ vòng gỗ và phân tích vỏ, lá, thân và hạt. Các nhà khoa học sau đó phát hiện ra rằng cả những cây non và già đều sản sinh ra những chất hoá học có khả năng chống lại mầm bệnh và hạn hán. Những chất hoá học này bao gồm chất chống oxy hoá, chất kháng khuẩn và những loại hormone.
Không giống những những loài cây khác, gen của cây bạch quả cung cấp cho cây nhiều cơ chế phòng thủ theo thời gian. Càng về già, nó không chỉ tổng hợp các hoá chất để trực tiếp chống dịch hại, mà còn giải phóng các hợp chất khác chuyên thu hút kẻ thù của côn trùng.
Tiến sĩ Richard Dixon của Đại học Bắc Texas nói:
“Bí mật sống thọ của cây bạch quả chính là duy trì một hệ thống phòng thủ. Bộ gen của nó cũng không hề có chương trình già đi. Khi cây bạch quả phát triển, nó không hề có biểu hiện suy yếu. Khả năng kháng bệnh cũng không bị suy giảm.”
Loài cây có lịch sử lâu đời
Cây bạch quả được trồng rất nhiều ở Trung Quốc. Loài cây này có từ thời khủng long và được các nhà khoa học xem như một “hoá thạch sống”.
Cách đây ít nhất 150 triệu năm, cây bạch quả phát triển ở khắp bán cầu Bắc. Nhưng nó đã gần như tuyệt tích trong một sự kiện tuyệt chủng lớn sau kỷ băng hà. May mắn thay, một ít mẫu cây đã sống sót ở Trung Quốc. Từ đó chúng sinh sôi, phát triển cho đến tận bây giờ.
Những cây bạch quả lâu đời nhất được trồng bên ngoài những ngôi đền và tu viện ở Trung Quốc. Người ta tin rằng một cây bạch quả to lớn ở tỉnh Thiểm Tây đã được trồng bởi người sáng lập nên Đạo giáo – Lão Tử. Một cây khác được tìm thấy ở bên ngoài đền Địa Lâm ở tỉnh Sơn Đông. Uớc tính nó đã hơn 3,000 tuổi.
Cây bạch quả được cho là có khả năng chữa trị hội chứng tiền kinh nguyệt, lo lắng, trầm cảm và thoái hoá điểm vàng. Lá bạch quả còn được xem là thuốc bổ cho tim mạch. Chúng được sử dụng để chữa chứng cao cholesterol, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành và chứng đau thắt ngực.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: CNN