Cặp đôi thiết kế Thế Huy và Hải Long tự nhận mình là những thí sinh “chai mặt” của cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix. “Chúng tôi tham gia Vietnam Collection Grand Prix từ những năm đầu. Ngày đó, cứ thấy bọn tôi nộp hồ sơ, bạn bè ai cũng hỏi: “Lại thi nữa à?”. Thậm chí nhà thiết kế Minh Hạnh, Viện trưởng Viện mẫu thời trang còn nói: “Sao năm nào cô cũng gặp hai đứa hết vậy?”. Những lúc ấy bọn tôi chỉ cười, gãi gãi đầu và tiếp tục nung nấu ước mơ qua từng mảnh vải”, Hải Long kể.
Trời không phụ lòng người, năm 2006 Huy giành giải New Discovey, năm 2009 đến lượt Long đoạt hai giải: Grand Prix và New Color. Cũng từ đó, cả hai chính thức kết hợp trên con đường thiết kế thời trang.
SỰ KẾT HỢP HOÀN HẢO
Khi được hỏi: “Long là dân sân khấu điện ảnh, sao Huy liều lĩnh hợp tác? Hơn nữa, thiết kế thời trang quan trọng nhất là cái chất riêng của mỗi người, nếu kết hợp thành ra nồi lẩu thập cẩm thì sao?”. Thế Huy giải thích: “Ở từng mũi thêu, Long thao tác rất thanh thoát dù không qua trường lớp. Hơn nữa, cả hai đều chung trường phái thêu tay nên sẽ không lo vấn đề bản sắc”.
“Mọi người thường gọi chúng tôi là hai mảnh ghép bù trừ cho nhau. Long mạnh về hình khối, còn tôi mạnh về đường nét. Long mạnh về kỹ thuật thêu nhuyễn, tôi mạnh về kỹ thuật thêu thô. Trong ứng xử, Long dễ dãi, tôi khó tính. Nhớ lần đó, có một bạn người mẫu muốn mượn bộ áo dài cung đình Huế để mặc đám cưới, Long rất nhiệt tình, nhưng tôi nhất quyết không đồng ý với lý do, chiếc áo dài thể hiện sự quyền uy của một vương triều, chỉ xứng tầm với những không gian trang trọng và cần được tôn vinh thay vì xuất hiện ở chốn công cộng. Làm việc chung càng lâu, chúng tôi càng thấm thía câu: Đẳng cấp của bộ quần áo không chỉ ở người mặc mà còn trong mắt người nhìn”, Thế Huy nói.
NÂNG TẦM MŨI THÊU VIỆT
Dù kết hợp với nhau từ năm 2009, nhưng phải đến 2011, cặp đôi thiết kế Thế Huy và Hải Long mới hình thành thương hiệu thời trang riêng Hulos. “Hu” là viết tắt của chữ Huy, “lo” là viết tắt của chữ Long còn “s” là viết tắt của chữ style. Long phụ trách việc tiếp thu đường thêu truyền thống của Việt Nam kết hợp với trường phái thêu quốc tế như thêu bằng chỉ Koma ánh nhũ trên trang phục kimono của Nhật, kỹ thuật thêu lùi của Ấn Độ và kỹ thuật thêu chặn của Nhật Bản… Còn Huy sáng tạo ra những phương pháp thêu mới, điển hình là phương pháp thêu 3D độc đáo. “Thêu 3D là một kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều công sức và chất liệu bởi từng lớp chỉ được thêu chồng lên nhau. Một tác phẩm thêu 3D hoàn hảo phải khiến người nhìn như thấy được đóa hoa đang bung nở, đung đưa trước gió chứ không đơ cứng trên mặt vải”, Thế Huy cho biết.
Dù biết thị trường Việt Nam ít người chuộng sản phẩm thêu tay nhưng cặp đôi chưa bao giờ nản lòng. Cả hai bảo: “Một người thiết kế mà đánh mất bản sắc đồng nghĩa với việc tự đánh mất sự sáng tạo cá nhân. Thiết kế không còn sự sáng tạo thì chỉ là sao chép”.
Từ ngày đầu lập nghiệp, Thế Huy và Hải Long đã đề ra mục tiêu dùng sản phẩm Hulos để giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Khi tham gia China Fashion Designers Creation Contest 2011 với bộ sưu tập Thoát xác, hai nhà thiết kế trẻ đã mang về 2 giải: Media Award Fashion Designer Contest, Young Designer Contest. Cả hai còn tham gia Asia Fashion Federation tại Nhật với bộ sưu tập Hành hương. Tại Festival Huế 2014, họ ra mắt Đêm phương Đông. Trong đêm Haute Couture – Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu Đông 2015, họ trình làng Hoa trong hội họa…
Bà Francine Pairon, Viện trưởng Viện Thời trang Pháp, nói: “Hulos là một trong những thương hiệu thể hiện nét đẹp tinh hoa của Việt Nam. Tôi rất thích chạm tay vào các tác phẩm thêu của hai bạn trẻ này. Chúng rất khác biệt”.
THÔNG TIN THÊM
Tại Miss International 2015 ở Nhật Bản, người đẹp Thúy Vân đã diện chiếc áo dài lấy cảm hứng từ trang phục của Nam Phương hoàng hậu của Thế Huy và Hải Long và đoạt danh hiệu Á hậu 3. Hình rồng thêu trên áo dài 1,2m là sự kết hợp và ứng dụng các kỹ thuật phức tạp, gồm kỹ thuật thêu tay, dựng vest hiện đại, được thực hiện từ 1.000 tép chỉ Koma Japan, đính 2.000 viên pha lê.
VƯƠNG HUY KHÔI
Tiếp Thị Gia Đình