Có một câu chuyện kể rằng, xa xa trong vũ trụ bao la, ở thị trấn nọ, có một cửa hàng nhỏ từng tồn tại. Cửa hàng ấy không hề có bảng hiệu vì nó đã bị gió cuốn đi mất trong một trận giông bão lớn. Thế nhưng, ông chủ cửa hàng ấy vẫn không buồn gắn lại một bảng hiệu mới, vì hết thảy mọi người đều biết ở đó bán gì: một cửa hàng bán những điều ước. Và câu chuyện về cái giá của ước mơ bắt đầu…
Cái giá của ước mơ
Người ta có thể mua hầu hết bất cứ thứ gì ở đây: một chiếc du thuyền khổng lồ, một chiếc siêu xe, một căn hộ sang trọng, một cơ thể hoàn hảo, một người bạn đời, một công việc lý tưởng, tiền bạc, trang sức, địa vị, danh vọng, quyền lực và nhiều thứ khác. Song, có hai thứ người ta sẽ không bao giờ mua được, đó là cuộc sống và cái chết. Hai thứ này được quyết định ở những nơi khác, trong một thiên hà xa xôi khác.
Mỗi vị khách khi bước vào cửa hàng đều phải tính toán trước cái giá của ước mơ mà họ phải trả. Mỗi điều ước sẽ có một mức giá khác nhau. Ví dụ, để có được công việc lý tưởng, bạn sẽ phải từ bỏ sự ổn định của bản thân cùng những bước đi an toàn mà bạn đã tự vạch ra cho mình trước đó, cho phép bản thân được tự do làm những gì mà bạn đam mê chứ không phải những gì mà bạn được bảo phải làm. Một cái giá xứng đáng cho nỗ lực và niềm tin, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trả. Đó chính là lý do một vài người không bao giờ ghé chân vào cửa hàng này, họ chỉ muốn ở nhà, không phải làm gì và không phải trả bất cứ thứ gì để thực hiện ước mơ của mình.
Cái giá cho sự khẳng định bản thân và sức mạnh cá nhân cũng không hề nhỏ. Bạn sẽ phải học cách kiên định và cứng rắn với tư tưởng và tầm nhìn của chính mình, không để những gì người khác nghĩ làm bạn yếu lòng và thay đổi, biết cân nhắc và nói không với những ý nghĩ tiêu cực mà người ta sẵn sàng giáng xuống bạn.
Một số mơ ước khá giống nhau nhưng giá cả lại hoàn toàn khác nhau. Cái giá của hôn nhân rẻ đến mức gần như cho không, nhưng hôn nhân hạnh phúc thì lại rất đắt. Bạn phải biết chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hạnh phúc của cả hai. Biết rõ mong muốn của mình, nhưng không được quên sẻ chia và hy sinh cho những mong muốn của bạn đời. Biết mình là ai, mình có gì, mình cần gì và sẽ mất gì để cuộc sống lứa đôi luôn viên mãn.
Nếu mơ ước của bạn chưa thành sự thật, hãy nhớ xem bạn đã trả đúng cái giá cho nó chưa?
Không phải ai đến cửa hàng này cũng sẵn sàng móc hầu bao để trả cho những ham muốn của họ. Một số sẽ ngay lập tức thanh toán để có được ước muốn càng nhanh càng tốt. Một số lại nhìn giá và đứng trầm ngâm, thầm nghĩ những gì mình mua liệu có đáng với những gì phải trả. Một số khác lại phàn nàn với ông chủ rằng giá quá cao và ra sức mặc cả để được chiết khấu tốt hơn. Có những người được ông giảm giá thật nhiều vì sự vui vẻ, lạc quan và những lời chúc tốt đẹp họ trao tặng nhau khi mua hàng. Họ rời khỏi đó với những mơ ước được gói trong giấy lụa đáng yêu. Trong khi đó, những vị khách khác nhìn họ với đôi mắt ghen tỵ và nghĩ rằng họ được cho không mơ ước chỉ vì quen biết với ông chủ.
Chủ cửa hàng luôn bị nhiều người mua đòi giảm giá, nhưng ông không bao giờ đồng ý. Ông biết cái giá của ước mơ càng rẻ thì những đau khổ và thất vọng đi theo nó sẽ càng nhiều. Khi được hỏi: “Ông không sợ mình bị phá sản à?”. Ông lắc đầu và nói: “Sẽ luôn có những người dũng cảm chấp nhận rủi ro để thay đổi cuộc sống của họ. Khi tin tưởng vào bản thân và mơ ước, họ sẽ không tiếc cho những gì phải trả để hiện thực hóa mơ ước của mình!”.
Tuy vẫn không có bảng hiệu, nhưng người chủ đã dán một tấm bảng nhỏ bên ngoài cửa hàng, trên đó ông ghi: “Nếu mơ ước của bạn chưa thành sự thật, hãy nhớ xem bạn đã trả đúng cái giá cho nó chưa?”.
Bài: Lê Lộc
Tiếp Thị Gia Đình