Thật khó để bình tĩnh khi những trúc trắc xảy đến bất ngờ. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. 10 bí quyết này sẽ giúp bạn bình tĩnh để biết cách vượt qua khủng hoảng, sẵn sàng đối phó trước mọi gian khó.
“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” là cách vượt qua khủng hoảng tốt nhất cho bạn
Tôi phát điênnnn
Dù bạn giỏi chịu đựng đến mức nào; áp lực và căng thẳng sẽ luôn mạnh hơn và sẵn sàng bóp nát tinh thần bạn. Khi “tức nước vỡ bờ”, bạn cứ hét thật lớn; quát thật to hoặc kiếm thứ gì đó vô dụng để đập phá cho hả giận. Miễn là đừng làm trước mặt người khác và phải đảm bảo an toàn nhé!
Hít sâu vào
Hít một hơi sâu là cách đơn giản nhất để giảm căng thẳng; và cũng là cách vượt qua khủng hoảng. Nhưng trong cơn hoảng loạn, hầu hết mọi người lại quên làm. Một khi cơn giận đã nhen nhóm, thay vì thổi lửa bùng lên, hãy đếm đến mười và thở sâu để dập lửa nhẹ nhàng. Điều này sẽ giải phóng các hormone thư giãn, làm dịu cảm xúc và giúp bạn bình tĩnh trở lại.
Không có gì là mãi mãi
Bất cứ ai khi rơi vào khủng hoảng đều mang tâm lý rằng tất cả đã chấm dứt, không thể cứu vãn được gì. Trời ạ! Vật có đổi, sao có dời thì đồng hồ vẫn chạy, thời gian vẫn trôi. Không có gì là mãi mãi, chân lý đó luôn dành cho mọi thứ, bao gồm cả cơn bĩ cực của bạn.
Việc gì cứ phải “xoắn cả lên”?
Một núi giấy tờ đang ngồi chờ bạn trên bàn làm việc. Một danh sách dài e-mail đang cần bạn trả lời. Một đống hóa đơn điện, nước, internet… sắp hết hạn thanh toán nằm la liệt ở nhà bạn. Đừng hoảng, đừng rối, đừng vội. Bé nào xếp hàng sẽ có kẹo, cứ nhặt từng cái lên mà xử lý thôi. Bạn không có ba đầu sáu tay, việc gì cứ phải “xoắn cả lên” khi trước sau gì cũng phải làm?
Cố quá là quá cố
Như sợi dây đang vuột khỏi tay, bạn càng nắm chặt thì sẽ càng tổn thương và đau đớn, chi bằng cứ dũng cảm buông ra. Với những thứ không thể thay đổi, chấp nhận thất bại và đối mặt thực tế là điều tốt nhất cho bạn. Đó không phải là bước lùi, mà là một bước ngoặt để bạn đầu tư thời gian vào những việc khác, thiết thực và có ý nghĩa hơn.
Cuộc đời thực ra là một cái bánh trung thu
Nếu không thể ăn hết cả cái bánh trung thu trong một lần, thì cũng đừng cố ôm đồm mọi thứ một lúc. Phân tích và chia vấn đề của bạn ra thành những phần nhỏ và xử lý từng phần một, giống như cách bạn cắt bánh trung thu ra thành nhiều miếng và ăn từ từ vậy. Miếng bánh càng nhỏ thì nhâm nhi càng thấy ngon. Vấn đề càng chi tiết thì quản lý càng dễ, giải quyết càng hiệu quả.
Cô gái này thật thú vị
Khi con ma rắc rối tìm đến và khiến bạn lạc lối, bạn sẽ nghi ngờ bản thân và quên mất rằng mình từng mạnh mẽ đến mức nào. Từ từ đã, lùi lại một chút, nhớ xem trong quá khứ những việc khó chịu này đã xảy ra bao giờ chưa và bạn đã khắc phục chúng như thế nào. Nhớ ra rồi thì hãy triệu hồi “cô gái đến từ hôm qua” ấy về đây để tống tiễn mớ bòng bong này đi ngay giùm, nhé!
Phim hay phải chờ đoạn kết
Khi suy sụp, bạn thích suy diễn hơn là suy nghĩ. Phim hay phải chờ đoạn kết, thay vì tìm bi kịch để kết phim, sao bạn không thử nối dài kịch bản bằng một tình tiết khác? Biết đâu cú plot twist này sẽ làm nên một bom tấn với happy ending cho cuộc đời bạn?
Tiếc chi một câu hỏi
Cách vượt qua khủng hoảng: Muốn học phải hỏi, muốn giỏi phải học. Sẽ luôn có người hiểu biết và nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Họ không ở đó để cho bạn ganh tỵ, mà là để được bạn hỏi. Vả lại, không có họ thì vẫn còn anh Google mà!
Thức tỉnh đi!
Khi mọi thứ bắt đầu sai sai, người ta có xu hướng dè dặt và bị ám ảnh bởi một kết cục tệ hại. Vấn đề là, lo sợ về tương lai không khiến thực tại dừng lại. Không phải tự nhiên mà Pepsi tích cực dùng slogan Live for Now để quảng cáo. Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà cố gắng tập trung vào những gì đang xảy ra trong hiện tại này đi đồng bào ơi! Tương lai sáng hay mờ đều là từ bây giờ mà ra cả.
Bài: Lê Lộc
Tiếp Thị Gia Đình