Tinh dầu và dầu nền có sự khác biệt như thế nào? – Phần 2

Khi tìm hiểu về tinh dầu, bạn thường hay nghe đến cái tên "dầu nền" hay "dầu dẫn". Vậy loại dầu này có ở đâu và chúng được ứng dụng vào trong lĩnh vực nào?

dầu nền

Dầu olive cũng là một loại dầu nền rất được ưa chuộng trong các liệu pháp làm đẹp. (Ảnh: Shutterstock)

Dầu nền là gì?

Dầu nền (hay còn gọi là dầu dẫn) thường được tách chiết từ hạt, quả hạch,… bằng 2 cách là đun nóng hoặc ép lạnh. Cách làm này giúp đảm bảo được tính ổn định của dầu và nguồn dưỡng chất từ chất béo. Dầu nền thường đảm nhiệm nhiệm vụ pha loãng các loại tinh dầu và hỗ trợ làn da hấp thụ các dưỡng chất có trong tinh dầu một cách an toàn nhất.  Các loại dầu nền được sử dụng nhiều nhất là dầu dừa, dầu ô-liu, dầu jojoba, dầu hạnh nhân, dầu argan, dầu hạt hoa hướng dương,…

Nhận biết dầu nền bằng cách nào?

Dầu nền không mùi hoặc có mùi nhẹ.

Vì được chiết xuất từ chất béo nên dầu nền có dạng sánh.

Không màu hoặc màu vàng nhạt.

Không thể bay hơi.

An toàn khi dùng trong thực phẩm hoặc bôi trực tiếp lên da.

Tuổi thọ có thể kéo dài đến 2 năm nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Dấu hiệu bị hư: đục màu, mất đi độ sánh, lắng cặn và trở mùi.

Ứng dụng

Trong làm đẹp: Do chứa các thành phần dưỡng chất như vitamin E, khoáng chất nên các loại như dầu jojoba, dầu nụ tầm xuân, dầu argan,… có khả năng dưỡng ẩm, làm dịu da, chống khô và nuôi dưỡng làn da, mái tóc. Chúng thường được sử dụng chung với tinh dầu để làm dầu massage.

Trong thực phẩm: Dầu nền hữu cơ được ép trực tiếp từ thực vật sạch (không thuốc trừ sâu, phân bón) có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng vitamin cực kỳ cao. Một trong những ví dụ điển hình là dầu dừa giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, loại dầu này còn hỗ trợ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa loãng xương.

Thư giãn: Ngoại trừ dầu hạnh nhân, các dầu nền khác thường không có mùi nên sẽ không được dùng trong liệu pháp hương thơm.

Dầu nền thường được trộn cùng tinh dầu để tránh đi tình trạng kích ứng. Ngoài ra, chúng còn làm hạn chế các phân tử tinh dầu không bị bay hơi, từ đó tăng hiệu quả của tinh dầu.

Bảo quản

Để kéo dài tuổi thọ cho dầu dẫn, bạn nên bảo quản chúng trong tủ lạnh (trừ dầu bơ). Tuy nhiên, khi dầu được lưu trữ trong môi trường quá lạnh có thể xảy ra hiện tượng đông đặc hoặc chuyển sang màu đục. Trước khi sử dụng, bạn nên đem ra ngoài ở nhiệt độ phòng để dầu trở về trạng thái ban đầu.

Trái ngược với tinh dầu, dầu dẫn có thể được bảo quản trong chai thủy tinh, nhựa…

Giá thành

Dầu nền được chiết xuất theo hình thức ép lạnh và đến từ các nguyên liệu dễ tìm nên giá thành phải chăng.

Lưu ý khi sử dụng dầu nền

Nếu cơ thể bạn từng có tiền sử dị ứng với các loại hạt, quả hạch nào đó thì bạn cũng không nên sử dụng các loại dầu có nguồn gốc từ những nguyên liệu này.

Dầu ô-liu là loại dầu nền phổ biến để kết hợp với tinh dầu. Nếu bạn không ưa thích mùi từ dầu ô-liu, bạn có thể chuyển sang dùng dầu hạnh nhân hoặc dầu hạt trái mơ.

 

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua