Các vụ cháy rừng Amazon chưa có dấu hiệu dừng lại
Chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 10 năm nay, số lượng các vụ cháy rừng Amazon đã lên đến 17.326. Con số này tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức cao nhất trong thập kỷ qua.
Tháng 7 năm nay, chính phủ Brazil ban hành lệnh cấm chặt phá rừng trong vòng 120 ngày. Thế nhưng, việc chặt phá rừng bất hợp pháp không hề có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí các vụ chặt phá, đốt rừng còn tăng đến mức báo động. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Brazil cho rằng tỷ lệ phá rừng tăng cho thấy chính phủ Brazil đã bỏ qua cảnh báo của các nhà nghiên cứu; cũng như không triển khai đầy đủ các biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng để lấy đất canh tác.
Tháng 6 vừa qua, 29 công ty đầu tư nước ngoài, sở hữu khối tài sản trị giá gần 4.000 tỷ USD, đã gửi bức thư mở tới Tổng thống Bolsonaro, hối thúc chính phủ thay đổi các chính sách vốn bị xem là nguyên nhân làm gia tăng các vụ phá rừng. Bên cạnh đó, tình trạng các công ty chăn nuôi và nông nghiệp Brazil phá rừng để phát triển kinh tế cũng đang đe dọa triển vọng thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mà trong đó Brazil là thành viên.
Không chỉ Amazon, nhiều khu vực khác của Brazil cũng có cháy rừng
Không chỉ có các vụ cháy rừng Amazon, vùng đất Panatal cũng ghi nhận nhiều vụ cháy trong tháng 10. Vùng đất ngập nước lớn nhất hành tinh này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây cũng là một trong những hệ sinh thái phong phú nhất thế giới. Nơi này có khoảng 600 loài chim, 124 loài thú, 80 loài bò sát và 60 loài lưỡng cư. Số vụ cháy rừng tại Panatal trong năm nay đã lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1998.
Theo thống kê từ đầu năm đến ngày 25/10 của Đại học liên bang Rio de Janeiro, ước tính có 28% diện tích vùng đất này đã bị cháy. Con số này gần bằng với diện tích của đất nước Đan Mạch. Trước đó, các chuyên gia nhận định tình hình các đám cháy tại Pantanal ngày càng trầm trọng là do chính quyền trung ương và địa phương không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Mặc dù các chuyên gia đã cảnh báo về nạn hạn hán thảm khốc tại khu vực này.
Giám đốc khoa học của WWF tại Brazil, bà Mariana Napolitano cho biết, rừng Amazon và vùng Panatal đang bước vào mùa mưa. Đây là dấu hiệu cho thấy tốc độ phá rừng đang chậm lại. Tuy nhiên, 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại rằng việc đốt rừng sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: Reuters