Những ngày cuối năm, hoạt động sản xuất và kinh doanh diễn ra sôi động cùng với thời tiết khô hanh vào mùa đông là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao. Do đó, chúng ta cần ghi nhớ các biện pháp phòng cháy nhằm phòng tránh kịp thời tình trạng cháy, nổ xảy ra; cũng như giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ý thức của con người là yếu tố then chốt
Về mặt tự nhiên, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết khô hạn và nắng nóng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Nền nhiệt trung bình ở hầu hết các vùng khí hậu Việt Nam vài năm trở lại đây đều cao hơn so với ghi nhận cùng kỳ trước đó. Chính vì vậy, tình trạng cháy, nổ, đặc biệt là cháy rừng trong mùa khô là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, ý thức của con người mới là yếu tố then chốt. Các hoạt động sản xuất và xã hội của con người được xem là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ cháy tại Việt Nam. Đa số là do bất cẩn hoặc thiếu ý thức.
Nguy cơ cháy nổ tăng cao chủ yếu xuất phát từ tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Nhiều người dân lơ là, chủ quan, không nắm rõ kiến thức PCCC.
Những ngày cuối năm, người dân đều “đầu tắt mặt tối” với công việc. Tâm lý vội vàng khiến các biện pháp phòng cháy bị phớt lờ. Bên cạnh đó, nguy cơ chập điện rất cao khi máy móc, thiết bị điện phục vụ việc sản xuất hoạt động liên tục.
Tại một số địa phương, đặc biệt là các khu vực miền núi, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt phá rừng làm nương rẫy, đốt cỏ khô, rơm rạ hoặc đốt lửa để sưởi ấm… rồi bất cẩn để lửa cháy lan không kiểm soát được. Ngay cả việc đốt thực bì để hạn chế nguy cơ cháy rừng lại gây ra cháy rừng nghiêm trọng do không giám sát kỹ. Đôi khi, con người vào rừng khai thác gỗ, củi rồi vô ý để lại các vật liệu bắt lửa như than củi, tàn thuốc… vào những tầng thực bì dễ cháy.
Các biện pháp phòng cháy mùa khô
Sắp xếp vật dụng hợp lý
Chú ý thu dọn đồ dùng, hàng hóa gọn gàng, thông thoáng. Xe ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu… không được để gần nguồn sinh nhiệt. Nơi thờ cúng nên được bố trí hợp lý. Chỗ đặt bàn thờ phải có tường phía sau, phía trên làm bằng vật liệu không cháy; không thắp hương, nến nếu không có ai trông coi. Ngoài ra, mỗi gia đình phải trang bị bình chữa cháy, đảm bảo các thành viên biết cách sử dụng.
Cẩn thận khi đun nấu
Rất nhiều vụ cháy, nổ xuất phát từ nhà bếp. Vì vậy, cẩn thận khi đun nấu cũng là một trong những biện pháp phòng cháy. Tránh để trẻ em một mình trong bếp. Không ra khỏi nhà khi đang bật các thiết bị nấu nướng. Đầu tư bếp từ cũng là cách hạn chế cháy, nổ khi đun nấu.
Xây dựng lối thoát hiểm an toàn trong nhà
Bạn phải dự trù trước tình huống xấu nhất. Xây dựng lối thoát hiểm nhanh chóng, dễ dàng nhất khi có cháy nổ xảy ra. Phải đảm bảo rằng cả nhà đều biết lối thoát hiểm này. Nhiều gia đình xây hàng rào bảo vệ rất kiên cố để tránh trộm cướp. Tuy nhiên, khi xảy ra hỏa hoạn, những người ở trong ngôi nhà kiểu này sẽ rất khó thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, khi có cháy xảy ra, bạn phải tìm cách thoát ra ngoài. Sau đó gọi cứu hỏa ngay lập tức. Không nên xử trí một mình.
Không vứt tàn thuốc lá bừa bãi
Tàn thuốc lá là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ cháy. Đặc biệt là cháy rừng. Rất nhiều người hút thuốc lá nghĩ rằng, tàn thuốc lá khi bị vứt đi sẽ nhanh chóng tắt lửa. Thế nhưng, thực tế có rất nhiều người chỉ hút khoảng 1/2 điếu thuốc đã vứt bỏ. Một khi điếu thuốc còn lửa bị vứt gần những nguyên vật liệu như cây cỏ, rác khô, cao su, vải sợi…, lửa từ điếu thuốc sẽ nhanh chóng bén sang và phát cháy là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, bạn phải đảm bảo chúng thật sự đã tắt trước khi vứt đi. Bên cạnh đó, hãy dập tắt tàn thuốc trong gạt tàn. Đừng nên dập ở những nơi có nguyên vật liệu dễ cháy.
Cẩn thận với các ổ điện
Một trong những biện pháp phòng cháy tại gia quan trọng nhất bạn nên ghi nhớ là chỉ nên dùng một phích cắm cho một ổ điện. Nếu một ổ điện gánh quá nhiều phích cắm thì nguy cơ quá tải dẫn đến cháy nổ rất cao. Nhất là đối với các ổ cắm và dây điện đã cũ. Đấu nối ổ cắm điện không đúng kỹ thuật cũng có thể gây cháy, nổ. Ngoài ra, bạn nên rút phích cắm và tắt cầu dao khi sử dụng xong các thiết bị điện hoặc khi ra khỏi nhà.
Tiếp Thị Gia Đình
Bài: Duyên Trần