Sự thật là có đến 65% người giao tiếp cảm thấy không thoải mái với những cuộc trò chuyện mang tính xã giao. Những bí quyết xã giao dưới đây sẽ giúp bạn tự tin làm chủ cuộc trò chuyện mà không cảm thấy ngượng ngùng hay phải gắng gượng “thảo mai” nữa.
Bí quyết xã giao không cần “thảo mai”
Hỏi chơi đáp thật
Câu đầu tiên luôn được thốt ra khi hai người gặp nhau chính là: “Bạn khỏe không?”, “Dạo này thế nào?”, “Mọi việc ổn cả chứ?”… Có sao nói vậy người ơi. Hãy trả lời một cách thành thật, thẳng thắn và ngắn gọn trong một câu, ví dụ như: “Mình hơi mệt một chút, cả ngày nay mình phải ở ngoài đường suốt”. Một lời hồi đáp chân thành sẽ cho đối phương sự tò mò để tiếp tục biết thêm về bạn. Trong khi đó, “Mình khỏe, cảm ơn bạn!” lại là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc hội thoại mới chỉ bắt đầu trước đó 5 giây.
Hỏi ít đáp nhiều
Dù chỉ được hỏi duy nhất một câu đơn giản như “Quê bạn ở đâu?”, bạn cứ hào phóng đáp lại thông tin đủ để trả lời cho hai câu, ví dụ như: “Ồ, quê nội mình ở Sài Gòn, quê ngoại ở Đà Nẵng”. Giờ thì hai bạn đã có thêm nhiều thứ về Sài Gòn và Đà Nẵng chia sẻ với nhau rồi đấy!
kể hay thay nói vụng
Những cuộc trò chuyện xã giao là dịp tốt nhất để bạn lắng nghe câu chuyện của người khác và chia sẻ trải nghiệm của chính mình. Thay vì những câu bâng quơ, nhàm chán, vô thưởng vô phạt về thời tiết và xe cộ, hãy khơi gợi sự hào hứng của cả hai bằng những câu hỏi có thể dùng cả một câu chuyện thú vị để trả lời như: “Làm thế nào mà bạn biết cô dâu và chú rể thế?”, “Tôi nghe nói giữa tiệc sẽ có tiết mục gì đó đặc biệt lắm, đúng không?”…
Ồ, wow, à há…
Các cử chỉ gật đầu, mỉm cười, nhún vai, nhướn mày… và những thán từ biểu đạt cảm xúc như à, ồ, wow, thật chứ, yeah, ừ nhỉ, đúng rồi… chính là bí quyết xã giao tốt nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và tiếp nối cuộc trò chuyện. Có thể bạn là người thích im lặng để lắng nghe, nhưng người nói sẽ luôn muốn biết rằng bạn vẫn đang dõi theo câu chuyện của họ.
Tông nào giọng nấy
Giống như thán từ và cử chỉ, độ to, độ nhanh, độ trầm bổng của giọng nói khi giao tiếp cũng là bí quyết xã giao gắn kết cả hai người vào cuộc trò chuyện một cách nhanh nhất. Khi giao tiếp bằng cùng một tông giọng và tốc độ, người nghe sẽ nghĩ rằng bạn cũng có chung nhịp cảm xúc và sự hứng thú giống như họ. Những điểm tương đồng nhỏ bé sẽ này có thể giúp cả hai xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, lâu bền.
Khen cũng phải khéo
Ai cũng thích được khen, đó là sự thật. Nhưng không phải lời khen nào cũng dễ được đón nhận và hồi đáp. Thay vì khiến người nghe phải bối rối và cười trừ chữa ngượng trước những câu “nịnh” như: “Hoan hô, thật là một bài phát biểu tuyệt vời!” hay “Ôi, áo của bạn đẹp thật đấy!”. Hãy khen một cách gần gũi và thực tế hơn: “Nói hay lắm! Hẳn là bạn cũng hồi hộp lắm nhỉ?” hay “Mình thích áo của bạn quá, chính tay bạn chọn đấy à?” chẳng hạn. Bí quyết xã giao dành cho bạn là: khi khen đừng quên “chừa đường lui” cho đối phương. Mọi người đều thích được khen, và mọi người cũng đều muốn mình khiêm tốn trong mắt người khác. Khó là ở đó!
Cạn lời thì khơi lại
Giữa cuộc trò chuyện, sẽ có lúc đầu óc bạn hoàn toàn trống rỗng và không biết phải nói gì để tương tác. Đừng lo, hãy lặp lại những gì đối phương vừa kể bằng một câu cảm thán để họ biết rằng bạn đã nắm bắt những gì họ nói. Khi ai đó bảo rằng họ thích nhạc jazz, dù chẳng biết chút gì về jazz, bạn đừng ngại “giữ lửa” bằng một câu tiếp lời: “Wow, nhạc jazz à?”. Họ sẽ hào hứng để chia sẻ thêm với bạn về sở thích đó.
Xin lỗi, tôi phải…
Bạn muốn kết thúc cuộc xã giao nhưng sợ đối phương nghĩ mình khiếm nhã? Hãy bắt đầu lý do bằng câu: “Xin lỗi, nhưng mình phải…”. Cách nói này làm người đối diện hiểu rằng bạn thật sự muốn tiếp tục nhưng việc bất khả kháng buộc bạn phải rời đi và tất nhiên, bạn rất tiếc vì điều đó.
Xin lỗi, nhưng mình phải dừng bài viết ở đây thôi, hết trang mất rồi!
Bài: Hữu Lộc
Tiếp Thị Gia Đình