Xã hội hiện đại đã vô hình chung khiến bận rộn trở thành một biểu hiện phổ biến ở bất cứ ai. Cô bạn của tôi than vãn về sự thiếu thốn thời gian khi quản lý công ty và cho rằng việc cô ấy có thể đến gặp tôi là một sự ưu ái đặc biệt. Em trai tôi cũng rất hiếm khi gọi điện về nhà, lấy lý do là bận học hoặc bận… ngủ bù. Ai cũng có vẻ bận rộn vậy đấy! Nhưng sự thật đằng sau là gì? Bạn đã biết về bí mật của người bận rộn chưa?
Có lẽ bạn chưa biết, nhưng sự thật là hoạt động tích cực chưa chắc đã mang đến chất lượng công việc tốt nhất. Bạn có thể năng nổ đấy, nhưng công việc đã đạt hiệu quả như bạn mong muốn chưa và tại sao?
Khám phá bí mật của người bận rộn cùng Tiếp Thị Gia Đình
CƠ CHẾ CỦA BỘ NÃO
Bạn có bao giờ mua một chiếc váy và ngay sau đó lại thấy nó xuất hiện nhan nhản khắp nơi từ shop bán hàng online đến đường phố? Bạn đang mệt mỏi với mối quan hệ hiện tại và thấy những dòng tâm trạng của người khác trên Facebook lại rất giống với mình?
Cơ chế bộ não với hệ lưới hoạt hóa thần kinh (Reticular Activating System – RAS) đã khởi động quá trình tìm kiếm những điều bạn đang nghĩ đấy! RAS hoạt động giống như một bộ lọc khiến bạn chú ý đến chiếc váy có kiểu dáng y hệt mình hoặc nội dung chia sẻ đồng cảm với tâm trạng hiện tại.
Đây là một phần rất quan trọng của bộ não đóng vai trò như cánh cửa kiểm soát cách chúng ta suy nghĩ. Việc vận động viên Roger Bannister phá vỡ kỷ lục chạy 1 dặm trong 4 phút là một ví dụ. Trước đó, các nhà khoa học đã cho rằng cấu trúc xương của con người không cho phép chúng ta chạy 1 dặm trong thời gian ít hơn 4 phút. Nhưng sau khi Roger vượt qua giới hạn này ở con số sát nút 3 phút 59 giây vào năm 1954, nhiều vận động viên khác cũng đã chứng minh điều đó hoàn toàn khả thi.
Có 2 cách để chúng ta kiểm soát bộ não:
♥ Ý thức: Bằng cách thiết lập các mục tiêu, bạn có thể tạo ra bộ lọc cho phép não bộ tập trung vào những điều giúp bạn đạt được ý muốn của mình.
♥ Tiềm thức: Bằng cách tự nhủ: “Tôi không có thời gian”, bộ não sẽ tự động tìm kiếm mọi lý do để chứng tỏ vì sao bạn bận rộn và khiến bạn tin vào điều đó.
Và sau đó, bạn sẽ dùng lý do bận rộn này như một cách lý giải thỏa đáng cho những điều bạn không muốn làm hoặc không hứng thú. Thế nên, nếu ai đó nghĩ rằng bạn đang nói dối về việc bận rộn thì trên thực tế cũng không oan uổng chút nào, nhỉ?
GIẢI PHÁP CHO BẠN
Bạn là người bận rộn hay người làm việc hiệu quả? Hãy cùng xác định bạn thuộc nhóm người nào qua hai mục khảo sát về bí mật của người bận rộn dưới đây nhé!
Người bận rộn
– Bạn có nhiều việc cần ưu tiên.
– Bạn tập trung vào hành động.
– Bạn làm nhiều việc cùng lúc.
– Bạn luôn luôn trả lời từng email ngay lập tức.
– “Tôi bận rồi” là câu cửa miệng của bạn.
Người làm việc hiệu quả
– Bạn có một vài việc cần ưu tiên.
– Bạn cân nhắc kỹ trước khi hành động.
– Bạn chỉ tập trung làm một việc ở một thời điểm nhất định.
– Bạn thu xếp thời gian để trả lời mỗi email.
– Bạn luôn có thời gian cho những điều quan trọng.
Bây giờ thì bạn có thể kết luận mình thuộc tuýp người bận rộn hay làm việc hiệu quả rồi đấy!
Sự thật là, tất cả chúng ta đều có thời gian để làm những điều mình muốn: tập thể dục, nấu ăn, học ngoại ngữ, gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với gia đình… Nhưng vì không thể làm hết tất cả mọi thứ nên chúng ta phải chọn lựa.
Hãy sử dụng nguyên lý Pareto (tập trung vào 20% công việc sẽ tạo ra 80% kết quả) để tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đạt được mục tiêu. Bạn muốn giao tiếp tiếng Anh lưu loát? Hãy tập trung vào các phương pháp luyện nghe nói. Bạn muốn giữ vóc dáng thon gọn? Hãy tập trung vào những bài tập phù hợp nhất với cơ thể của bạn.
Đừng quá tham lam và ôm đồm mọi thứ, bạn sẽ trở nên bận rộn đến mức chẳng có thời gian chăm sóc bản thân, trong khi kết quả lại chẳng được như mong muốn.
Nếu đã hiểu rõ về bí mật của người bận rộn, bạn hãy tập cho mình cách bận rộn sao cho thuyết phục nhất nhé!
Bài: Thảo Viên
Tiếp Thị Gia Đình