8 cách giúp bạn bảo vệ dữ liệu cá nhân trong điện thoại

Nếu thấy những mẹo bảo vệ dữ liệu điện thoại từ TTGD hữu ích, đừng ngại chia sẻ bài viết cho người thân và bạn bè cũng áp dụng bạn nhé

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong điện thoại là điều vô cùng quan trọng. Ảnh: Shutterstock

Chiếc điện thoại gần như là vật bất ly thân đối với chúng ta trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ là công cụ nghe gọi mà nó còn tích hợp nhiều tính năng giúp lưu trữ hình ảnh, tài liệu quan trọng. Nếu không muốn các thông tin riêng tư của mình bị đánh cắp thì bạn cần nắm rõ những nguyên tắc cơ bản. Dưới đây là 8 mẹo giúp bảo vệ dữ liệu điện thoại tốt hơn. Đồng thời tránh các thể loại tin tặc rình rập khắp nơi.

Sử dụng VPN khi đăng nhập vào Wifi công cộng

Sử dụng Wifi công cộng không có bảo mật chứa đựng nhiều rủi ro hơn bạn tưởng. Để ngăn chặn sự tấn công của tin tặc vào điện thoại. Các chuyên gia khuyên bạn nên bật VPN trước khi đăng nhập vào Wifi công cộng. VPN sẽ giúp mã hóa dữ liệu của bạn và không thể đọc khi được gửi đến mạng công cộng. Hơn thế nữa, nó còn giúp bạn chuyển vùng ẩn danh trên internet để không ai có thể theo dõi lịch sử duyệt web. Trên các loại điện thoại thông minh hiện nay đều có sẵn VPN. Hoặc bạn có thế tìm hiểu việc kích hoạt VPN trong mục cài đặt Wifi của máy.

Tạo thói quen ghi chép các loại mật khẩu ra sổ tay

Bạn nên ghi mật khẩu quan trọng ra một cuốn sổ tay, thay vì ghi vào ứng dụng trên điện thoại như Notes (Ghi chú). Việc ghi lại mật khẩu trên “dế yêu” không khác nào “vạch áo cho người xem lưng” khi mà hacker chiếm được điện thoại của bạn.

Xóa lịch sử duyệt web của bạn thường xuyên

Một trong những cách lừa đảo thường thấy là tội phạm mạng sẽ theo dõi bạn trực tuyến để thu thập thông tin các trang web bạn truy cập. Sau đó chúng gửi email lừa đảo. Những email này được làm giả như đến từ dịch vụ mà bạn đang sử dụng. Với yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân. Việc xóa lịch sử duyệt web, cookie và bộ nhớ cache thường xuyên sẽ giúp bạn bảo vệ dữ liệu điện thoại an toàn.

Hạn chế tải và cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc

Chỉ nên tin tưởng tải và cài đặt các ứng dụng đến từ Google Play (nếu dùng hệ điều hành Android). Hoặc Apple (nếu bạn dùng hệ điều hành iOS). Có rất nhiều ứng dụng được tạo và điều hành bởi bên thứ 3 không rõ nguồn gốc. Chúng có thể chứa các mối đe dọa cho thiết bị của bạn. Ví dụ như virus, các mã nguồn độc hại đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Không sạc điện thoại tại các trạm sạc công cộng

Có một thủ thuật ăn cắp thông tin qua cáp sạc mang tên “Juice jacking”. Lúc điện thoại hết pin, chúng ta thường cắm sạc ngay khi thấy những bốt sạc điện thoại công cộng. Tuy nhiên để bảo vệ dữ liệu điện thoại, bạn nên cân nhắc khi sử dụng. Bởi tin tặc có thể truy cập vào thiết bị của bạn. Thậm chí cài đặt các phần mềm độc hại qua dây sạc này.

Rất khó để phân biệt một bốt sạc giả với một bốt sạc thật. Đó là lý do tại sao bạn nên tránh hoàn toàn việc sử dụng chúng.

Cài đặt chức năng xóa từ xa trên điện thoại

Nếu chẳng may điện thoại của bạn rơi vào tay kẻ xấu mà bạn lại không muốn chúng lấy được thông tin bên trong thì phải làm thế nào? Câu trả lời là hãy thiết lập chức năng xóa từ xa. Bên cạnh đó, chức năng này có thể ngăn kẻ trộm khôi phục các tệp đã xóa và đưa điện thoại về cài đặt gốc. Tuy nhiên điện thoại cần được bật và kết nối với mạng thì mới có thể thực hiện xóa dữ liệu từ xa.

Xem thêm: 5 ứng dụng hữu ích trên điện thoại mà bạn nên cài đặt ngay

Tắt chế độ Bluetooth khi không cần thiết

Tin tặc có thể kết nối với điện thoại của bạn thông qua Bluetooth với khoảng cách đủ gần. Các hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay như Windows, iOS, Android và Linux… Đều có nguy cơ dính mã độc thông qua phương thức này. Vì thế hãy tắt Bluetooth khi không cần thiết.

Không nhấn vào bất kì đường link nào thông qua tin nhắn

Thời đại công nghệ phát triển, có rất nhiều cách lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân thông qua tin nhắn. Một trong số đó phải kể đến hình thức gửi link (đường dẫn). Các đối tượng lừa đảo sẽ gửi tin nhắn khuyến mãi, thông báo trúng thưởng giả… cùng đường link yêu cầu bạn nhập thông tin để lĩnh thưởng. Đánh vào tâm lí “quà từ trên trời rơi xuống” mà “hoàn toàn miễn phí”, chúng dễ dàng lấy được thông tin từ bạn. Chưa kể các đường link còn có thể chứa virus hoặc mã độc ngầm kiểm soát điện thoại của bạn.

Nếu cảm thấy những mẹo bảo vệ dữ liệu điện thoại từ TTGD hữu ích. Đừng ngại chia sẻ bài viết cho người thân và bạn bè cũng áp dụng bạn nhé!

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua