Nằm cạnh bờ sông Gianh thơ mộng, Tân An là điểm đến thu hút nhiều du khách ưa khám phá làng nghề truyền thống. Tân An xưa kia còn có cái tên là “phường bún bánh”. Bởi ngoài sản xuất bánh tráng, nơi đây cũng cung cấp bánh ướt, bún, bánh chưng cho người dân ở địa phương lân cận. Sau này, nhiều hộ dân chỉ tập trung sản xuất bánh tráng vì nó đem đến thu nhập ổn định nhất.
Sức sống lâu bền của làng nghề làm bánh tráng
Làng Tân An thuộc xã Quảng Thanh, cách thị xã Ba Đồn khoảng 4km về phía Tây. Bạn có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Đồng Hới, theo QL1A tới thị xã Ba Đồn, sau đó tiếp tục đi hướng Quốc lộ 12A rẽ qua cầu Quảng Hải để tới với làng nghề này. Tổng quãng đường dài khoảng 50km.
Tân An vốn ít đất sản xuất nông nghiệp, vậy nên nhiều năm qua, nghề làm bánh tráng đã tạo thu nhập nuôi sống biết bao hộ gia đình ở ven dòng sông Gianh. Dù quá trình làm ra chiếc bánh tráng chẳng hề dễ dàng, người dân nơi đây vẫn ngày đêm giữ lửa nghề truyền thống. Đâu chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì muốn bảo vệ thương hiệu bánh Tân An mà cha ông đã để lại. Hương vị bánh tráng nơi đây khiến du khách nhớ thương sau khi thưởng thức. Nhiều người tò mò về quá trình làm ra loại đặc sản này. Có người còn cất công tìm đến tận nơi trải nghiệm.
Thức quà trải qua nắng gió
Nếu bánh tráng được nhân cách hóa thì chắc hẳn nó sẽ là một người “dạn dày sương gió”. Phải trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh tráng ngon lành mới hình thành dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân.
Bước đầu tiên là chọn gạo. Nghe thì đơn giản nhưng vô cùng quan trọng đấy nhé. Hạt gạo chính là “linh hồn” của chiếc bánh, vì thế ta cần chọn loại gạo dẻo, mịn và sàng lọc kỹ càng. Sau khi ngâm nước và vo kỹ, gạo sẽ được đem đi xay nhuyễn thành bột. Công đoạn tiếp theo là trộn bột gạo với mè đã xát vỏ. Bước này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của con người. Nếu trộn mè vào bột quá nhiều thì bánh làm ra sẽ dễ bể nát, không kết dính mà cũng chẳng đẹp mắt.
Ngược lại, nếu trộn ít mè nhiều bột gạo thì bánh sẽ cứng, không còn thơm mùi mè. Tỉ lệ pha bột là “bí kíp gia truyền” tạo nên chiếc bánh tráng thơm ngon thương hiệu làng Tân An. Nhiều du khách khi trở về từ chuyến thăm làng nghề đã cố gắng trộn bột, thử làm bánh nhưng đều thất bại.
Việc phơi bánh cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết
Nếu trời ít nắng, bánh đem phơi sẽ dễ bị ỉu, nhanh hỏng khi bảo quản dài ngày. Nếu trời nắng to mà ta phơi lâu quá thì bánh sẽ giòn, dễ vỡ, đồng thời bay mất mùi thơm tự nhiên. Tốt nhất là ta nên phơi bánh vào thời điểm nắng to nhất trong ngày, khi tắt nắng thì đem bánh cất đi. Bánh sẽ có độ dai giòn vừa phải, dậy mùi thơm của gạo và mè.
Ngày trời thương cho nắng to thì bánh tráng làm ra ngon lành, còn ngày trời không có nắng thì coi như bỏ. Khi phơi bánh tráng cũng cần chú ý trông coi, lỡ có cơn mưa ngang qua thôi là hỏng cả mẻ bánh.
Hương vị bánh tráng mè xát Tân An nức tiếng xa gần
Bánh tráng Tân An giòn tan, thơm nồng đặc trưng cái nắng cái gió quê hương. Bánh tráng mè xát được chia làm 3 loại, gồm bánh tráng mè xát mỏng, bánh tráng mè xát dày, bánh tráng mè ngọt. Tùy vào sở thích của mỗi người mà chọn mua loại bánh phù hợp về làm quà.
Những năm gần đây, bà con làng Tân An đã chủ động hơn trong việc sản xuất bánh tráng nhờ trang bị những loại máy móc hiện đại. Làm bánh bằng máy thì năng suất sẽ cao hơn.Một hộ dân có thể làm ra 400kg bánh một ngày, trong khi làm theo quy trình thủ công thì chỉ khoảng 15kg mỗi ngày.
Dẫu máy móc giúp con người đỡ vất vả, song làng nghề bánh tráng còn duy trì và phát triển đến nay vẫn phải nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và ý chí gìn giữ nét đẹp truyền thống của bà con làng Tân An.
Mách bạn cách chọn bánh mè xát ngon
Bánh mè xát mỏng
Đường kính 20cm, dẻo, thường được dùng để ăn kèm ram cuốn, thịt luộc cuốn rau hoặc bất cứ món cuốn nào mà bạn thích.
Bánh mè xát dày
Loại bánh tráng này được làm theo phương pháp truyền thống, khi nướng lên sẽ có màu nâu nhạt, rất giòn. Có thể dùng để ăn kèm với món hến xúc bánh tráng.
Bánh mè xát đường
Có vị ngọt, thích hợp dùng để nhấm nháp ăn vặt lúc thảnh thơi.
Tiếp Thị Gia Đình