Bạn sẽ làm gì khi cái thói dối trá bủa vây?

Cái thói dói trá như vi-rút âm thầm tấn công gây ra cơn bệnh trầm kha cho xã hội. Bạn chán ghét thói dối trá, nhưng bạn sẽ im lặng để nó cứ âm thầm xâm lấn

Nói dối, cái thói dối trá ngày càng trở nên thường tình trong xã hội của ta. “Nói dối” hiểu theo nghĩa hẹp là nói không thật lòng, không chính xác nhằm che giấu sự thật. Theo nghĩa rộng hơn, “nói dối” được hiểu là hành vi gian dối, lừa gạt người khác, mà những từ “gian”, “lừa”, “gạt” vốn biểu thị sự xấu xa, đáng chê trách

Xã hội ta hiện nay chứng kiến cái thói dối trá, lừa gạt từ trong nhà ra ngoài ngõ; từ chợ búa đến công sở, trường học; từ trẻ em đến người lớn; từ người ít học, thiếu thốn tiền bạc đến những người được trang bị nhiều bằng cấp, lắm tiền nhiều của.

cai thoi doi tra hinh anh 1

VÌ SAO NGƯỜI TA GIAN DỐI?

Dưới góc độ tâm lý cá nhân, nói dối là một phản ứng tự vệ của người đang ở trạng thái nghi ngờ, bất an. Họ nói dối để mong thoát khỏi sự trừng phạt cho hành vi sai trái của mình, khi họ không tin tưởng rằng sự trung thực nhận lỗi sẽ được thông cảm và tha thứ.

Điều đáng ngại hơn, nói dối đã trở thành một nét tính cách của những người quen nói dối để chứng minh giá trị bản thân hoặc thực hiện một mục tiêu nào đó.

Ở một số người, nói dối đã trở thành một căn bệnh. Trong nhận thức, họ nghiễm nhiên xem đó là một chiêu thức, một kỹ năng sống hay là một “nghệ thuật sống”.

Xét về mặt đạo đức, hành vi nói dối xuất phát từ sự tham lam, ích kỷ của con người trước những cám dỗ của lợi ích cá nhân đồng thời cũng bộc lộ sự hèn nhát, thiếu bản lĩnh trước những trở ngại, thử thách trong cuộc sống.

Trên bình diện xã hội, sự dối trá của con người phản ánh tính vô cảm hoặc sự khủng hoảng giá trị sống, khiến cho lòng tự trọng không còn được đề cao.

Vì vậy, tuy nhận thức rõ sự sai trái của hành vi nói dối nhưng người ta vẫn không cảm thấy hổ thẹn mà sẵn sàng “dối” để trục lợi.

Sự dối trá có vẻ như đang dần được chấp nhận một cách trơ trẽn, đến mức người ta không muốn hoặc không cần phân biệt thực – giả, đúng – sai, tốt – xấu nữa nếu như điều giả dối ấy đem lại chút lợi ích cho bản thân và dù biết rằng nó sẽ gây tác hại cho người khác! Hậu quả là, con người mất đi sự hồn nhiên, mất niềm tin vào các giá trị tốt đẹp, tâm trạng thường u ám, căng thẳng vì phải luôn luôn phòng vệ, thường xuyên cân nhắc thực – giả trong các mối quan hệ xã hội hoặc thậm chí tỏ ra vô tâm, bình thản đeo mặt nạ, đóng kịch để thích ứng với thực trạng “nói dối y như nói thật” của rất nhiều người xung quanh.

BẠN SẼ LÀM GÌ KHI CƠN LỐC DỐI TRÁ BỦA VÂY?

Thay đổi hiện trạng cái thói dối trá bủa vây, không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi những người còn có niềm tin vào các giá trị CHÂN – THIỆN – MỸ phải tiếp tục mạnh dạn, quyết tâm và kiên trì phê phán, loại bỏ “virus” gian dối này. Xã hội đang cần được “cấp cứu” bằng sự nghiêm trị các hành vi gian dối thông qua việc thực thi pháp luật nghiêm minh và xây dựng những qui định, tiêu chí rạch ròi, kín kẽ trong cơ quan, để những kẻ “nhiễm virus” không thể nào manh nha dối gạt người khác được.

Song song đó, chúng ta cần có những liều thuốc điều trị, tiêu diệt, ngăn chặn sự lây lan của virus dối trá bằng các biện pháp giáo dục của xã hội, nhà trường và gia đình.

Bản thân mỗi người làm công tác giáo dục cần thể hiện thái độ chân thật với người khác, đề cao sự trung thực, dũng cảm nhận và khắc phục lỗi lầm để làm gương cho chính con em, học sinh và các trẻ em khác.

Đặc biệt tính trung thực của người đứng đầu có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến “lộ trình” chân thật hóa ý tưởng và hành vi ứng xử của mọi người trong đơn vị. Xây dựng văn hóa công sở, văn minh cộng đồng, tạo dư luận lành mạnh về tính trung thực để đẩy lùi các luận điệu ngụy biện cho hành vi nói dối cũng là một phương thức tẩy chay hiệu lực đối với loại virus này.

BÀI:TS. NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG-ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HCM
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua