Thực phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng vì những lợi ích lâu dài đối với sức khỏe và môi trường. Khái niệm hữu cơ đã có từ rất lâu tại các nước phát triển ở châu Âu và châu Mỹ. Trào lưu hữu cơ cũng bùng nổ ở Việt Nam vào những năm gần đây. Giờ đây, chúng ta dễ dàng bắt gặp thực phẩm hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, chất tẩy rửa hữu cơ (dù là tự phong hay được chứng nhận) trong các siêu thị và cửa hàng bán lẻ.
Vậy, trào lưu hữu cơ là gì? Như thế nào mới là thực phẩm hữu cơ đúng chuẩn? Nó có mặt tại Việt Nam từ khi nào? TTGĐ sẽ trả lời những câu hỏi này qua bài viết dưới đây.
Trào lưu hữu cơ là gì và có từ khi nào?
Khái niệm nông nghiệp hữu cơ xuất hiện vào đầu những năm 1900. Các nhà khoa học như Albert Howard, F.H. King, Rudolf Steiner… tin rằng sử dụng phân động vật, cây trồng phủ đất, luân canh giúp cải thiện hệ thống canh tác. Vào những năm 1940, sau khi J.I. Rodale xuất bản tạp chí Organic Gardening and Farming và một vài bài viết về nông nghiệp hữu cơ, những phương pháp canh nông truyền thống và bền vững nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Đến những năm 1960, nhu cầu thực phẩm hữu cơ tăng mạnh. Bởi con người lo ngại về tác động của thuốc trừ sâu và thực phẩm biến đổi gien đối với sức khỏe và có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Trào lưu hữu cơ phát triển đều từ cuối thế kỷ 20. Doanh thu của thực phẩm hữu cơ không ngừng tăng cho đến bây giờ.
Thế nào là thực phẩm hữu cơ?
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thực phẩm hữu cơ được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu có thể tái tạo, quy trình sản xuất phải bảo tồn đất và nước cho thế hệ mai sau. Thịt, trứng và các sản phẩm làm từ sữa hữu cơ phải được lấy từ động vật được nuôi tự nhiên, không dùng hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh.
Thực phẩm hữu cơ cũng không được áp dụng từ phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, có thành phần tổng hợp hay đất canh tác không được trộn lẫn với bùn thải, nước thải. Trước khi một sản phẩm được gắn mác “hữu cơ” tung ra thị trường, cơ quan chứng nhận của Chính phủ phải kiểm tra người nông dân hoặc trang trại có tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn hữu cơ mà USDA đặt ra hay không. Công ty chịu trách nhiệm phân phối hay chế biến cũng phải được chứng nhận.
Nhiều người nhầm lẫn khái niệm hữu cơ với tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên được phép dùng các chất phụ gia và bảo quản trong mức cho phép. Còn thực phẩm hữu cơ hoàn toàn nói không với các chất nhân tạo.
Bên cạnh đó, nhiều người nghĩ rau thuỷ canh cũng là rau hữu cơ. Thực tế không phải vậy! Đây là phương pháp trồng chỉ sử dụng dung dịch dinh dưỡng, không sử dụng đất. Trong khi đó, sức khỏe của đất là yếu tố quan trọng của trào lưu hữu cơ. Vì vậy, việc đề xuất đưa nông sản thủy canh vào Chương trình Hữu cơ Quốc gia của Hoa Kỳ vẫn còn gây nhiều tranh cãi cho đến hiện tại.
Việt Nam đã đón đầu trào lưu hữu cơ như thế nào?
Theo khái niệm hiện tại của Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ chỉ mới có mặt ở Việt Nam từ cuối những năm 1990. Lúc này, nước ta chủ yếu tập trung vào việc khai thác các sản phẩm tự nhiên. Chẳng hạn như các loại gia vị, tinh dầu thực vật, mật ong và dược liệu… để xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ở thời điểm đó, một số tổ chức phi chính phủ đầu tư sản xuất hữu cơ vào Việt Nam. Chẳng hạn như Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á (ADDA) của Đan Mạch.
Năm 2008, ADDA và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án phát triển sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp ở 7 tỉnh thành phía Bắc (Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng). Chính quyền và nông dân tại các tỉnh thành này bắt đầu có hiểu biết, kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ. Dần dần họ nhận ra xu thế phát triển của lĩnh vực này.
Năm 2011, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được thành lập. Một số hoạt động liên quan đến nông nghiệp hữu cơ đã được khởi động. Nhiều doanh nghiệp đã nhập các sản phẩm hữu cơ từ ngoài về Việt Nam. Một số doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này như tập đoàn VinGroup, Vinamit, Saigon Co.op, AEON, Big C, Satra Food, Vinamilk… Sản phẩm từ những doanh nghiệp này dần được người tiêu dùng trong nước đón nhận.
Bài: Katy
Tiếp Thị Gia Đình