Bạn có đang tập thể dục quá sức không? (Kỳ 1)

Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, việc tập luyện được khuyến khích nhằm nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, việc tập quá sức, quá nhiều hoặc quá nhanh có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khoẻ

tập thể dục quá sức

Hãy xem lại quá trình tập luyện của mình ngay nhé! Ảnh: Shutterstock

Tập thể dục là một thói quen tốt cần được duy trì để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, việc tập luyện quá sức hoặc quá nhiều sẽ phản tác dụng. Thậm chí, nó còn đem lại những rủi ro nghiêm trọng cho sức khoẻ của bạn. Hãy xem lại quá trình tập luyện của mình ngay nhé!

Như thế nào là tập thể dục quá sức?

Theo khuyến nghị của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ; người trưởng thành nên có 150 – 300 phút/ tuần cho hoạt động thể chất vừa phải (đi bộ, chạy nhẹ, tập yoga, thái cực quyền…); hoặc 75–150 phút/tuần cho hoạt động thể chất cường độ mạnh (nhảy, aerobic, bài tập HIIT, tabata…)

Khuyến nghị này không áp dụng cho các vận động viên chuyên nghiệp. Bởi họ có một lịch trình tập luyện cụ thể để gia tăng thể lực lẫn sức bền để phục vụ thi đấu.

Vậy việc vận động nhiều hơn khuyến nghị là tập thể dục quá sức? Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), một người bình thường có thể tập luyện nhiều hơn nếu như đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, hồi phục của cơ thể.

>>Xem thêm: Bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với F0 điều trị tại nhà

Mark Slabaugh – bác sĩ phẫu thuật y học thể thao về chỉnh hình và thay khớp tại Trung tâm Y tế Mercy ở Baltimore cho biết: “Tập luyện quá sức thường là kết quả của việc không cho bản thân nghỉ ngơi đầy đủ giữa các bài tập và giữa các buổi tập. Song song đó, bạn không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để hoàn thành buổi tập. Việc ngủ không đủ giấc, không cắt giảm thời lượng tập khi bạn đang bệnh, hoặc bạn đang đối mặt với quá nhiều yếu tố gây căng thẳng”.

Tiến sĩ Slabaugh cũng cho biết thêm: “Dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tập thể dục quá sức. Các vận động viên ở mọi cấp độ cần nhận được dinh dưỡng cần thiết để duy trì quá trình tập luyện của họ. Còn bạn, ngay cả khi đang theo đuổi một lộ trình tập giảm cân; bạn vẫn phải tuân thủ quy tắc dinh dưỡng nạp vào cơ thể”.

Ngoài ra, tập luyện quá sức cũng đến từ việc cố gắng tăng cường bài tập với mong muốn đạt kết quả nhanh nhất. Điều này cần phải thật thận trọng bởi bạn sẽ đối diện với nguy cơ chấn thương rất cao.

Bạn có đang tập thể dục quá sức không?

Nếu bạn đã xem việc tập thể dục là thói quen hàng ngày và duy trì trong thời gian dài; thì việc tập luyện quá sức khó xảy ra. Tuy nhiên, tập thể dục quá sức thường gặp ở những người ít hoặc không có thói quen tập thể dục; người đang cố gắng để lấy lại vóc dáng, giảm cân hoặc cải thiện số đo hình thể nhanh nhất có thể.

Nếu bạn gặp những dấu hiệu sau đây, rất có khả năng bạn đã tập thể dục quá sức; hoặc tập sai cách, sai tư thế.

Đau nhức cơ bắp kéo dài trên ba ngày.

Dễ bị bệnh hơn bình thường, miễn dịch suy giảm là dấu hiệu của việc tập luyện quá sức.

Chấn thương thường xuyên hoặc tái phát thường là dấu hiệu bất ổn của cơ thể.

Mệt mỏi liên tục, khó chịu trong người, uể oải cả ngày.

Tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tập thể dục quá sức có thể có tác dụng ngược lại. Sự gia tăng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hoặc thay đổi tim mạch.

Ưu tiên tập luyện trên tất cả các hoạt động khác. Việc từ bỏ hoặc tránh các hoạt động xã hội để rèn luyện sức khỏe thường là dấu hiệu của sự ép buộc; thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây là một lối sống không lành mạnh.

Tập thể dục là một biện pháp cải thiện tâm trạng. Nhưng tập quá nhiều có thể khiến bạn cảm thấy buồn hoặc thờ ơ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua