Nhựa không phải là thứ duy nhất tàn phá đại dương

Nghiên cứu được đăng tải trên Earth and Planetary Science Letters vừa chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng khác đang xảy ra. Đó là hiện tượng axit hóa đại dương

axit hóa đại dương

San hô sẽ chết trắng hàng loạt nếu axit hóa đại dương diễn ra. Ảnh: Shutterstock

Axit hóa đại dương có thể khiến hệ sinh thái biển sụp đổ

Nhựa không phải yếu tố duy nhất gây ảnh hưởng tới sự sống dưới đại dương. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng kem chống nắng có thể phá hủy rạn san hô. Thậm chí, hóa chất thừa từ các loại thuốc con người sử dụng có thể khiến mức hormone trong nhiều loài động thực vật thay đổi. Nguyên nhân gây hại chưa dừng lại ở đó. Nghiên cứu được đăng tải trên Earth and Planetary Science Letters vừa chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng khác. Đó là hiện tượng axit hóa đại dương.

Nhóm chuyên gia từ Đại học Cardiff đã có dự báo. Đó là mức pH trong nước biển sẽ giảm rõ rệt vào năm 2100. Khi đó, hiện tượng axit hóa nước biển sẽ diễn ra khi đại dương hấp thụ thêm CO2 từ khí quyển. Hiện nay, ước tính có 525 tỷ tấn CO2 từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt); và sản xuất công nghiệp đã được nước biển hấp thu. Chính hiện tượng axit hóa đại dương sẽ tiêu diệt các rạn san hô. Đồng thời bẻ gãy mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái biển.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo về nguy cơ “sụp đổ hệ sinh thái” trên các đại dương. Đây là nơi sản sinh ra một nửa lượng oxy con người đang thở.

Tuyệt chủng hàng loạt sinh vật biển nếu độ pH giảm 0,25

Ngược lại quá khứ, theo các bằng chứng hóa thạch từ 66 triệu năm trước, các nhà nghiên cứu xác định axit hóa đại dương đã từng gây ra sự tuyệt chủng của hàng loạt sinh vật biển.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các vỏ sò nhỏ trong trầm tích. Nó được hình thành ngay sau khi một thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái đất. Thiên thạch này đã quét sạch khủng long và 3/4 các loài sinh vật biển. Phân tích hóa học của vỏ cho thấy sự giảm mạnh độ pH. Từ đó khiến axit hóa đại dương trong thế kỷ đến thiên niên kỷ sau cuộc tấn công.

Sự giảm đột biến này đã chứng minh tác động của thiên thạch làm cho axit hóa đại dương. Nó làm tan tróc lớp vỏ trắng của nhiều loài. Bên cạnh đó, hoạt động núi lửa với quy mô lớn cũng là thủ phạm. Tuy nhiên, điều này xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều.

Michael Henehan, người đứng đầu nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất Đức ở thành phố Potsdam, Đức cho biết: “Độ pH giảm 0,25 là đủ để tạo ra sự tuyệt chủng hàng loạt. Các nhà nghiên cứu ước tính độ pH của đại dương sẽ giảm 0,4 đơn vị vào cuối thế kỷ 21 nếu không ngừng phát thải khí carbon. Đồng thời sẽ giảm thêm 0,15 đơn vị nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức giới hạn đến 2 độ C.”

Như vậy, rõ ràng mọi hoạt động khai thác của con người đang dẫn chúng ta đến kết cục thê thảm trong tương lai. Dừng lại và tìm hướng đi thân thiện hơn là giải pháp cần làm ngay lúc này; để cứu lấy hành tinh và sự sống của muôn loài.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua