ATM gạo và những câu chuyện ấm lòng trong mùa dịch

Tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo của người Việt đang lan toả khắp cả nước

máy atm gạo covid-19

Máy ATM gạo, 5.000 chai nước cam, 1.300 chiếc mặt nạ… là những câu chuyện ấm lòng trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Shutterstock)

Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lẫn đời sống của chúng ta. Nhưng không vì thế mà màu sắc u ám hoàn toàn bao phủ. Những hành động đẹp, những câu chuyện ấm lòng mùa dịch bừng sáng trong mùa dịch. Không chỉ có chiếc máy ATM gạo mà còn có nhiều hành động đẹp khác đang lan toả khắp cả nước.

ATM gạo ở TP.HCM

Ngày 6/4, tại quận Tân Phú xuất hiện một điểm phát gạo từ thiện. Chiếc máy phát gạo này được thiết kế như cây ATM và được gọi là “ATM gạo”. Chủ nhân của chiếc máy này là ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc Công ty PHGLock. Việc sáng tạo ra chiếc máy ATM gạo này nhằm giúp đỡ những người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngoài chiếc máy ở Tân Phú, ông Tuấn Anh còn cho lắp đặt thêm 2 chiếc khác ở UBND xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh và Nhà thiếu nhi quận 12.

Một hành động đẹp khác tại những chiếc ATM gạo này là nhiều bạn trẻ đã tình nguyện đến vẽ sẵn vạch để người dân đứng xếp hàng lấy gạo. Các vạch này đều đảm bảo khoảng cách 2m như chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ.

ATM gạo ở Hà Nội

Khi đọc được ý tưởng “cây ATM gạo” ở TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, người sáng lập công ty sách Thái Hà, đã nảy sinh ý định điều tương tự tại Hà Nội. Toàn bộ quá trình thiết kế ATM gạo và kêu gọi quyên góp chỉ mất 2 ngày. Mỗi ngày mỗi người được phát 3 kg gạo. Kéo dài từ 8h đến 17h. Từ ngày 12/4 đến hết ngày 30/4.

máy atm gạo ở hà nội

(Ảnh: Trần Cường)

Nhưng không chỉ có người đến nhận gạo mà tại đây còn có nhiều mạnh thường quân đến tặng gạo. Trong ngày đầu tiên đã có trên 30 cá nhân và tập thể tặng gạo. Có những gia đình không có ôtô nên đã huy động vài xe máy của nhà để chở gạo đến tặng cho quỹ.

Được biết, ngoài TP.HCM, Hà Nội, chiếc máy ATM gạo này còn lan toả đến cả Huế và Đà Nẵng.

5.000 chai nước cam tặng bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Cũng tại Hà Nội, 14 nhân viên của một thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Tuân đã cùng nhau vắt nước cam, đóng chai gửi đến những bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Anh Nguyễn Đức Trọng là người khởi xướng chương trình và tự bỏ ra 70 triệu đồng để thực hiện. Anh đã kêu gọi đồng nghiệp và 14/20 người đã đồng ý. Từ ngày 26/3 – 2/4, nhóm đã thực hiện được 3.000 chai. Từ ngày 10/4 nhóm triển khai 2.000 chai còn lại.

Khi thực hiện, mọi người đều đeo khẩu trang, mặc tạp dề và mang găng tay đầy đủ để đảm bảo vệ sinh ở mức cao nhất. Cứ 20 – 25 phút, mọi người lại thay găng tay mới.

Chương trình còn nhận được sự giúp đỡ từ người cung cấp vỏ chai. Với giá chỉ bằng 2/3 thị trường. Với tinh thần cùng giúp sức cho những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Và 1.300 chiếc mặt nạ

Ngoài câu chuyện về cây ATM gạo, ở TP.HCM còn có câu chuyện về 1.300 chiếc mặt nạ. Chị Quách Mỹ Linh – chủ một cửa hàng kinh doanh mũ nón ở chợ Bà Chiểu đã nảy ra ý tưởng làm mặt nạ chống dịch để tặng cho các bác sĩ.

Sau hơn một tuần, chị Linh cùng nhóm bạn của mình ở CLB Xuân Yêu Thương đã làm khoảng 1.300 chiếc mặt nạ. Số mặt nạ này được tặng cho hai điểm điều trị Covid-19 là bệnh viện dã chiến Củ Chi và bệnh viện huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó, nhóm còn tặng cho 4 bệnh viện lớn trong thành phố.

Bên cạnh những câu chuyện ấm lòng mùa dịch được kể trên, những ngày qua, hàng loạt quán cơm đã giảm giá hoặc phát tặng miễn phí cho người nghèo. Các điểm phát đồ dùng thiết yếu hàng ngày từ thiện cho người khó khăn nổi lên ở khắp nơi. Nhiều đại lý vé số hỗ trợ bạn hàng tiền ăn trong 15 ngày khi hoạt động kinh doanh vé số bị tạm ngưng hoạt động.

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: BTS MỞ LIVE SHOW KPOP MIỄN PHÍ MÙA DỊCH CORONA

Đừng bỏ qua